Phân biệt ung thư vòm họng và viêm họng
Nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa ung thư vòm họng và viêm họng vì cả hai căn bệnh đều có một vài triệu chứng giống nhau như khó nuốt, đau họng hay sưng ở cổ. Do đó, người bệnh mắc ung thư vòm họng thường phát hiện ở những giai đoạn muộn và khó điều trị. Hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng của từng bệnh và cách để phân biệt chúng.
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng còn được gọi là ung thư biểu mô vòm họng (Nasopharyngeal Carcinoma – NPC) là bệnh lý ác tính, đứng đầu trong ung thư vùng đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Là loại ung thư có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở độ tuổi 40 – 60 tuổi.
Bệnh phát sinh từ các tế bào ở vùng cao nhất của vùng hầu họng, ngay phía sau mũi. Bệnh không có nhiều triệu chứng riêng biệt, khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số người bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn, lúc này các tế bào ung thư đã di căn đến các hạch ở cổ hoặc các cơ quan xa như xương, não…
Ung thư vòm họng đứng đầu trong ung thư vùng đầu cổ
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng
Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư vòm họng, tuy nhiên có những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như sau:
- Sử dụng nhiều thuốc lá và rượu bia: Trong bia rượu và thuốc lá chứa nhiều chất kích thích độc hại, các thành phần này sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
- Sử dụng nhiều thực phẩm lên men như dưa muối, cá muối, thịt hun khói lên men chua…
- Nhiễm virus Papilloma (HPV16 và HPV18).
- Nhiễm virus Epstein Barr (EBV).
- Yếu tố di truyền: Người trong gia đình có tiền sử bị ung thư vòm họng thì có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng hơn người bình thường.
Không hút thuốc lá để giảm nguy cơ gây ung thư vòm họng
Một số triệu chứng ung thư vòm họng thường gặp:
- Các triệu chứngở mũi: nghẹt mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.
- Các triệu chứng ở tai: ù tai, nghe kém, đau tai, viêm tai giữa.
- Nổi hạch ở cổ, đau họng, nhức đầu.
- Nhìn đôi hoặc nhìn mờ.
- Đau hoặc tê mặt.
- Sụt cân, chán ăn, đau xương, ho khan kéo dài.
Viêm họng là gì?
Viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm trùng phổ biến gây đau cổ họng. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi cổ họng của mình đau hoặc rát, đặc biệt là khi nuốt. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần mà không để lại tổn thương, di chứng về sau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm họng lâu ngày có thể là một dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây viêm họng
Do nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi, trào ngược, hoặc những yếu tố khác từ môi trường như không khí, khói thuốc lá.
Một số triệu chứng viêm họng thường gặp
- Sốt cao khoảng 38 – 40°C.
- Mệt mỏi, ớn lạnh nhức đầu, kém ăn, đau mỏi toàn thân, nổi hạch góc hàm.
- Khó nuốt, đau cổ họng khi nuốt.
- Đau họng kéo dài kèm theo các biểu hiện như ngứa cổ, khô cổ, nóng rát, nuốt vướng, dễ gặp vào sáng sớm.
- Ho theo từng cơn, ho có đờm hoặc ho khan.
- Chảy nước mũi, ngạt mũi.
- Khàn tiếng, mất tiếng, giọng nói thay đổi.
Nhận diện dấu hiệu của viêm họng
Phân biệt giữa ung thư vòm họng và viêm họng
Về bản chất
- Ung thư vòm họng là ung thư ác tính. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời ở giai đoạn sớm bệnh sẽ di căn đến những cơ quan khác trong cơ thể, gây tổn thương nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
- Viêm họng là bệnh lý lành tính, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng. Người bệnh chỉ cảm giác khó chịu khi nói, ăn, uống.
Đối tượng mắc bệnh
- Ung thư vòm họng thường gặp ở những người từ 40 đến 60 tuổi, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Viêm họng xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, không phân biệt giới tính.
Thời gian và triệu chứng mắc bệnh
- Triệu chứng của ung thư vòm họng ít và xuất hiện từ từ.
- Viêm họng có nhiều triệu chứng đi kèm, xuất hiện nhanh và đột ngột.
Người bệnh khi có các triệu chứng ho khan, đau họng kéo dài trên hai tuần thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và cho ra kết quả chính xác.
Khả năng điều trị bệnh
- Viêm họng thường không khó điều trị, người bệnh chỉ cần dùng thuốc trong thời gian ngắn để khắc phục tình trạng bệnh.
- Ung thư vòm họng là bệnh rất khó điều trị. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì khả năng chữa khỏi bệnh rất cao. Ngược lại, sẽ rất khó khăn trong quá trình điều trị nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn cuối.
Phân biệt ung thư vòm họng và viêm họng
Cách phòng ngừa và điều trị ung thư vòm họng
Điều trị ung thư vòm họng
Sau khi được chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh, điều kiện sức khỏe, vị trí, khả năng chi trả,… để tiên lượng và lên kế hoạch điều trị. Các phương pháp điều trị chính hiện nay gồm:
- Xạ trị
Phương pháp này sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao để chiếu vào các tế bào khối u ung thư và hủy diệt chúng. Xạ trị được khuyến khích sử dụng và đem lại hiệu quả cao ở bệnh nhân chưa di căn, giúp ngăn không cho khối u phát triển và loại bỏ nó. Ở bệnh nhân giai đoạn muộn, xạ trị cũng giúp giảm đau đớn và triệu chứng bệnh gây ra.
- Phẫu thuật
Đây là phương pháp thường được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng. Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật để cắt bỏ khối u. Kỹ thuật này bao gồm phẫu thuật nội soi và mổ mở, tùy theo vị trí, kích thước và sự xâm lấn của khối u mà bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nào. Đồng thời, trong quá trình mổ, các bác sĩ sẽ nạo vét hạch để đảm bảo loại hết bỏ các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể.
- Hóa trị
Hóa trị có thể được áp dụng điều trị riêng biệt hoặc áp dụng với xạ trị để điều trị triệt để ung thư vòm họng. Thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư cũng thường gây nhiều tác dụng phụ cho người bệnh.
Cách phòng ngừa ung thư vòm họng
Hiện nay chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, song các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển vaccine phòng virus Epstein-barr – tác nhân hàng đầu gây bệnh.
Chúng ta nên chủ động phòng ngừa bằng cách nâng cao thể trạng, sức khỏe hệ miễn dịch nói chung và hạn chế yếu tố nguy cơ bằng cách:
- Điều trị sớm các bệnh lý viêm nhiễm tai – mũi – họng.
- Hạn chế uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
- Luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe.
- Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.
- Khám sức khỏe định kỳ tầm soát ung thư vòm họng: Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao như tiền sử gia đình có người bị bệnh, uống nhiều rượu bia và thường xuyên hút thuốc.
- Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường vùng họng, cần sớm tới phòng khám chuyên khoa để kiểm tra
Khám sức khỏe định kỳ tầm soát ung thư vòm họng biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh
Việc phân biệt chính xác ung thư vòm họng và viêm họng không chỉ giúp người bệnh có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Hãy chú ý đến sức khỏe của mình, thăm khám bác sĩ định kỳ và theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.