Vì sao cần phát hiện sớm bệnh động mạch ngoại biên?
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng hẹp của các động mạch ngoại biên của chân, tay, một số nội tạng hay của đầu mà thường gặp nhất là hẹp các động mạch của cẳng chân. Bệnh này không bao gồm các động mạch chi phối cho tim hay não (hai trường hợp này được gọi là bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não).
Bệnh động mạch ngoại biên thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên. Về sinh bệnh học, tình trạng tắc nghẽn ở các mạch này cũng tương tự như tắc động mạch vành hay động mạch cảnh. Điểm khác biệt là vùng cấp máu của các động mạch: động mạch vành cấp máu cho cơ tim, động mạch cảnh cấp máu cho não còn các động mạch ngoại biên cấp máu cho các chi.
Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên
Là do hẹp tắc do mảng xơ vữa, lòng mạch bị hẹp lại do lắng đọng mỡ và các chất khác trên thành mạch. Những chất lắng đọng này tạo nên mảng bám vào lớp nội mạc thành mạch tạo thành mảng xơ vữa, các mảng này phát triển dần gây hẹp và có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng chảy trong lòng mạch.
Các đối tượng tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Người lớn tuổi
- Có hút thuốc lá
- Tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Rối loạn mỡ máu
- Gia đình có người bị bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch vành, đột quỵ.
- Béo phì
Trong số đó, hút thuốc lá và đái tháo đường là 2 nguy cơ bị bệnh đặc biệt cao.
Biểu hiện của bệnh động mạch ngoại biên
Người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm giác mỏi khi đi lại lâu. Đau cách hồi là biểu hiện điển hình của bệnh động mạch ngoại biên. Đau cách hồi là cảm giác đau mỏi, khó chịu ở chân khi bạn đi lại nhưng cơn đau sẽ biến mất khi bạn được nghỉ ngơi. Có thể nó không phải là cơn đau mãnh liệt mà là cảm giác bị bó chặt, nặng chân khi leo dốc hay leo cầu thang. Cơn đau càng kéo dài thì thời gian đi lại của bạn càng ngắn, dần dần cơn đau sẽ xuất hiện ngay cả khi bạn di chuyển một quãng đường ngắn.
Các triệu chứng khác như:
- Chuột rút ở tay, chân hoặc ở vị trí động mạch bị tắc
- Đau khối cơ sau khi hoạt động
- Lạnh chân
- Đau ngón chân, bàn chân
- Vết thương lâu không lành
- Móng tay, chân chậm phát triển
- Không tìm thấy mạch ở chân hoặc mạch yếu
- Rối loạn cương dương ở nam giới
- Màu sắc bàn chân nhợt nhạt, không có sắc
Vì sao cần phát hiện sớm bệnh động mạch ngoại biên?
Việc phát hiện bệnh mạch máu ngoại biên có vai trò rất quan trọng vì nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt ở người hút thuốc lá và bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh rất cao và biến chứng bệnh nặng. Thực tế, bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ nhồi máu cơ tim hay đột quỵ cao gấp 6 đến 7 lần so với người không có bệnh.
Gần 75% bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên không có bất cứ một triệu chứng nào nhất là trong giai đoạn sớm của bệnh. Đó là lý do mà bệnh dễ bị bỏ sót chẩn đoán. Một số chỉ có biểu hiện đau bắp chân hoặc chuột rút khi đi lại xa. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm do nguyên nhân viêm khớp, bệnh lý của cơ hay chỉ là biểu hiện của tuổi già. Phần lớn các trường hợp bị bệnh chỉ được phát hiện khi đã có biểu hiện muộn hay biến chứng của bệnh như có những vết loét trên da chân khó lành, đau nhiều và tím đầu chi hay hoại tử chi.
Phát hiện và điều trị bệnh động mạch ngoại biên sớm, ngoài việc giúp điều trị sớm tình trạng thiếu máu chi; còn ngăn ngừa tình trạng xơ vữa ở các động mạch khác bao gồm cả động mạch cấp máu cho tim và não, giảm những biến chứng nặng nề như hoại tử chi, phải cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim hay nguy cơ bị đột tử trong tương lai.