Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral Artery Disease – PAD) là một vấn đề tuần hoàn phổ biến, trong đó, động mạch thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến tay chân. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán sớm và chữa trị kịp thời.
Dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên
Có khoảng gần 75% trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm giác mỏi khi đi lại lâu.
Dấu hiệu bệnh động mạch ngoại biên thường gặp nhất là triệu chứng đau cách hồi. Người bệnh đau như chuột rút hay cảm giác mỏi ở vùng cơ chân và hông khi đi lại hoặc trèo cầu thang, nhưng cơn đau sẽ biến mất khi bạn được nghỉ ngơi. Các vị trí của cơn đau phụ thuộc vào vị trí của các động mạch bị tắc hay hẹp.
Cơ chế gây đau là khi cơ hoạt động, chúng cần được cấp máu nhiều hơn, nhưng do lòng mạch bị hẹp tắc bởi mảng xơ vữa, cơ bị thiếu máu nên gây ra triệu chứng đau. Khi nghỉ ngơi, nhu cầu oxy giảm xuống nên triệu chứng đau cũng giảm và hết. Hiện tượng đó gọi là đau cách hồi.
Đau chân do bệnh động mạch ngoại biên thường xuất hiện ở cơ (như cơ bắp chân) chứ không phải ở khớp. Với những bệnh nhân bị tiểu đường thì triệu chứng này có thể bị che lấp bởi triệu chứng đau, tê bì ở bàn chân hoặc đùi do biến chứng thần kinh, một biến chứng thường gặp của bệnh.
Các triệu chứng cơ bản khác như:
- Đau chuột rút ở một hoặc cả hai cơ hông, đùi hoặc bắp chân sau một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang
- Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên.
- Các vết loét ở ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân lâu không lành
- Móng tay, chân giòn, chậm phát triển
- Không tìm thấy mạch ở chân hoặc mạch yếu
- Màu sắc bàn chân nhợt nhạt, không có sắc tố
- Rối loạn cương dương ở nam giới
Đây là bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ với số lượng tương đương nhau. Đặc biệt những người bị mắc bệnh tiểu đường, béo phì hay người lớn trên 50 tuổi có khả năng mắc bệnh động mạch ngoại biên rất cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch ngoại biên
Nguyên nhân chính gây bệnh lý động mạch ngoại biên là do tăng hình thành các mảng xơ vữa trên thành mạch. Lòng mạch bị hẹp do các chất lắng đọng trên thành mạch, đặc biệt là mỡ. Chúng tạo ra những mảng bám trên nội mạc thành mạch, hình thành xơ vữa, cản trở dòng chảy của lòng mạch.
Các đối tượng tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Người lớn tuổi: Bệnh động mạch ngoại biên hiện đang có xu hướng tăng lên cùng với sự tăng của tuổi thọ. Sau tuổi 70, khoảng 20% dân số bị mắc bệnh động mạch ngoại biên.
- Người hút thuốc lá: Đây là nguy cơ chính của bệnh động mạch ngoại biên. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên sớm hơn khoảng 10 năm những người không hút thuốc.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Lớp nội mạc mạch cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch
- Người bị rối loạn mỡ máu (tổng số cholesterol trong máu lớn hơn 240 mg/dL, hoặc 6,2 millimoles/lít).
- Người bị tăng huyết áp: Áp lực trong thành mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng các chất mỡ vào thành mạch.
- Trong gia đình có người mắc bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim hay đột quỵ.
- Người béo phì làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch (bệnh xơ vữa mạch máu).
- Ngoài ra, lối sống tĩnh tại, lười vận động, thể trạng béo phì cũng làm tăng sự lắng đọng mỡ dư thừa, làm xơ vữa mạch máu.
Trong đó, hút thuốc lá và tiểu đường là 2 nguyên nhân bệnh động mạch ngoại biên đặc biệt cao.
Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên như thế nào
Để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên, các bác sĩ Tim mạch sẽ đặt các câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh mà người bệnh đang gặp phải (triệu chứng đau cách hồi, chuột rút và triệu chứng cơ bản như trên)
Thăm khám lâm sàng:
Đánh giá chung hình thể chi, so sánh giữa 2 chi để thấy rõ hơn các biến đổi bệnh lý:
- Màu sắc da.
- Tình trạng lông, móng.
- Đánh giá tình trạng phù nề của các chi tổn thương, ấn lõm hay không lõm.
- Bắt mạch chân tìm dấu hiệu mạch đập yếu hay mất mạch
Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn làm thêm một số thăm dò khác như:
- Siêu âm Doppler mạch máu: Đây là một phương pháp chẩn đoán không xâm nhập, sử dụng các sóng âm để giúp khảo sát mạch máu và đánh giá tốc độ dòng chảy của mạch để qua đó xác định tình trạng tắc nghẽn.
- Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) mạch máu: Phương pháp thăm dò không xâm nhập. Kết quả cho phép đánh giá rộng rãi các động mạch nghi ngờ tổn thương, từ động mạch chủ bụng, động mạch chậu tới động mạch chi. Hiện nay, với phương pháp chụp cắt lớp biên tính đa dãy, hình ảnh tổn thương mạch máu được dựng lại rất rõ ràng với độ chính xác khá cao.
- Chụp cộng hưởng từ: Phương pháp không xâm nhập cung cấp thông tin tương tự như chụp cắt lớp biến tính mạch máu, nhưng không dùng tia X. Tuy nhiên, những bệnh nhân có tiền sử đặt máy tạo nhịp không thể áp dụng được phương pháp này.
- Chụp động mạch cản quang: Chất cản quang được tiêm vào mạch máu và hình ảnh mạch máu được quan sát dưới màn huỳnh quang để phát hiện ra chỗ tắc nghẽn, mức độ tổn thương và sự có mặt hay không của các mạch máu đi tắt qua chỗ hẹp.
- Chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI): một xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán PAD, trong đó so sánh huyết áp ở cẳng chân với huyết áp ở cánh tay.
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra nồng độ cholesterol, triglyceride và đường huyết.
Chẩn đoán phát hiện và điều trị bệnh động mạch ngoại biên sớm, ngoài việc giúp điều trị sớm tình trạng thiếu máu chi còn làm giảm khả năng bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.