Bệnh cúm là gì? Cách phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ em
Bệnh cúm ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp, có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khi không được phát hiện và điều trị đúng cách. Đặc biệt, triệu chứng của bệnh khá giống với cảm lạnh, khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn. Bài viết này giúp ba mẹ hiểu hơn về triệu chứng cũng như cách phòng ngừa cúm để chăm sóc trẻ tốt hơn.
Tổng quan về bệnh cúm ở trẻ em
Bệnh cúm do virus cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh cúm có thể nguy hiểm thậm chí gây chết người đối với trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng nếu bị cúm. Mỗi năm có khoảng 20.000 người, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi, phải nhập viện vì các biến chứng của bệnh cúm như viêm phổi.
Triệu chứng cảm cúm ở mỗi trẻ sẽ có thay đổi khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa, độ tuổi và thể trạng sức khỏe của trẻ. Nhìn chung, thời gian ủ bệnh 1 đến 4 ngày, trung bình 2 ngày.
Khởi phát trẻ sẽ bị sốt cao đột ngột, kèm theo một loạt các triệu chứng khác đi kèm như: Cảm giác ớn lạnh; run rẩy; đau đầu; đau cơ, mệt mỏi, chóng mặt, biếng ăn, ho, đau họng, buồn nôn, nôn, chảy nước mũi, ngạt mũi và có thể có tiêu chảy.
Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cúm ở trẻ em
Vi rút cúm được tìm thấy trong mũi và cổ họng. Do trẻ thường xuyên chạm vào mũi, mắt, miệng, cho đồ vật vào miệng và thường xuyên chạm vào nhau khi chơi đùa nên vi trùng cúm rất dễ lây lan. Cũng có rất nhiều sự tiếp xúc giữa cha mẹ, người chăm sóc và trẻ em: nắm tay, bế, cho ăn, thay tã, v.v.
Vi rút cúm có thể lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí. Những giọt này chảy ra từ mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi, bay qua không khí và đến miệng hoặc mũi của những người khác ở gần (trong vòng 1m).
Biện pháp phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ em
Mọi người có thể thực hiện một số biện pháp để tránh nhiễm vi rút gây bệnh đường hô hấp và giảm nguy cơ lây lan của chúng như sau:
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch.
- Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (> 1m).
- Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người: bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim…
- Nhắc nhở trẻ thói quen che miệng khi ho.
- Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt.
- Phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cúm.
Một số lưu ý trước khi cho trẻ đi tiêm ngừa cúm:
- Những trẻ chuẩn bị đi tiêm mũi vắc xin cúm đầu tiên, phụ huynh nên cho trẻ ăn thử trứng gà và theo dõi trẻ trong vòng 24 giờ, nếu trẻ không có bất cứ biểu hiện nào của tình trạng dị ứng phụ huynh có thể cho trẻ tiêm ngừa vắc xin cúm.
- Những trẻ đang mắc bệnh ở mức độ trung bình hoặc nặng, hoặc trẻ đang bị sốt từ 380C, phụ huynh nên hoãn việc tiêm ngừa tạm thời để chờ cho trẻ hồi phục sức khỏe giúp việc tiêm ngừa hiệu quả hơn.
- Vắc xin cúm có tác dụng bảo vệ con người trong khoảng thời gian từ 6 tháng – 1 năm, việc tiêm nhắc lại vắc xin này phải được thực hiện hàng năm.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh cúm ở trẻ em. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.