Phòng bệnh khi giao mùa
Giao mùa là thời điểm chuyển giao giữa các mùa trong năm. Lúc giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Bệnh hô hấp là bệnh hay gặp nhất và dễ tái phát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn hay bệnh tim mạch mãn tính.
Vì sao dễ mắc bệnh khi giao mùa?
Hầu hết khi thời tiết chuyển mùa, mọi người đều cảm thấy khó chịu, sức khỏe bị ảnh hưởng. Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ cũng như độ ẩm sẽ tạo điều kiện thích hợp cho các nhóm virus khác nhau phát triển, lây lan gây ra các bệnh truyền nhiễm.
Ví dụ như virus Human Rhinovirus (HRV) được cho là nguyên nhân chính gây ra tới 40% các ca cảm cúm mỗi khi tới thời điểm giao mùa. Chúng phát triển mạnh khi thời tiết mát mẻ hơn, chẳng hạn như vào mùa xuân và mùa đông.
Những đối tượng dễ mắc bệnh thời kỳ giao mùa
- Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.
- Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.
- Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai nghén rất dễ bị dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên với thai phụ.
Một số bệnh thường gặp khi giao mùa
Cảm cúm
Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra ở mũi, họng và phổi, do virus gây ra. Lúc đầu, bệnh cúm có thể giống như cảm lạnh kèm theo triệu chứng sổ mũi, hắt hơi và đau họng.
Tuy nhiên, cảm lạnh thường khởi bệnh chậm hơn trong khi đó bệnh cúm có xu hướng xuất hiện nhanh chóng. Các triệu chứng phổ biến khác của bệnh cúm bao gồm sốt cũng như đau cơ, ớn lạnh và đổ mồ hôi.
Viêm phổi
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng làm viêm túi khí ở một hoặc cả hai phổi. Các túi khí có thể chứa đầy dịch hoặc mủ gây ra tình trạng ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở. Viêm phổi thường gây ra bởi các loài vi sinh vật như vi khuẩn, virus và nấm.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mí mắt đang bị viêm nhiễm. Đau mắt đỏ thường xảy ra khi thời tiết giao mùa và do virus, vi khuẩn hoặc tác nhân dị ứng gây ra.
Các triệu chứng đau mắt đỏ phổ biến nhất bao gồm:
- Đỏ ở một hoặc cả hai mắt.
- Ngứa ở một hoặc cả hai mắt.
- Cảm giác khó chịu ở một hoặc cả hai mắt.
- Chảy nhiều rỉ mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
Dị ứng da
Dị ứng da hay còn được gọi là dị ứng thời tiết. Bệnh gây ra các triệu chứng như da bị ửng đỏ kèm theo ngứa da dai dẳng và nổi nhiều mề đay trên da.
Điều này là vì thời điểm giao mùa sẽ dẫn đến thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm, tạo điều kiện cho các dị nguyên như bọ nhà, nấm mốc hay nồng độ phấn hoa trong không khí tăng lên, làm cho hệ miễn dịch của người nhạy cảm bị ảnh hưởng và gây ra phản ứng dị ứng.
Đau xương khớp
Đau xương khớp là tình trạng khớp giữa các xương hoạt động kém linh hoạt, cứng khớp, và gây ra cảm giác đau đớn. Đau xương khớp là tình trạng hay xảy ra mỗi khi thời tiết thay đổi.
Tình trạng này xảy ra thường do một số vấn đề bệnh lý như thoái hóa khớp, bong gân, chấn thương, bệnh gout, viêm gân và một số bệnh truyền nhiễm.
Viêm xoang
Viêm xoang là một tình trạng viêm, đau hoặc nhiễm trùng xảy ra ở các xoang cạnh mũi. Các bệnh viêm xoang thường gặp là viêm xoang hàm (ngay vùng dưới mắt) và viêm xoang sàng (ngay giữa hai mắt).
Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng xoang bao gồm:
- Chảy nước mũi sau, nước mũi chảy xuống cổ họng.
- Chảy nước mũi đặc màu vàng hoặc xanh.
- Nghẹt mũi.
- Cảm thấy nặng, áp lực các vùng mặt (đặc biệt là quanh mũi, mắt và trán). Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn di chuyển đầu hoặc cúi xuống.
Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa
- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng
- Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng: để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi
- Tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ
- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch
- Giữ ấm cơ thể
Hiểu rõ về bệnh theo mùa và các biện pháp phòng tránh là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Bằng cách tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi cần thiết, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và duy trì một cơ thể khỏe mạnh trong mùa thay đổi thời tiết này.