Phương pháp giảm đau tại nhà cho người bị thoát vị đĩa đệm
Các phương pháp giảm đau tự nhiên
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi có thể làm giảm sưng tấy và giúp các tổn thương có thời gian lành lại. Trong thời gian này, người bệnh được đề nghị nghỉ ngơi trên giường khoảng 1-2 ngày, tránh tập thể dục hay thực hiện các hoạt động cần phải cúi người, nâng vác vật nặng. Tuy nhiên, bạn không nên nghỉ quá lâu, để tránh các khớp và cơ bị co cứng.
Vật lý trị liệu
Một số bài tập có thể giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh những bài tập phù hợp với tình trạng bệnh và thể lực. Chương trình vật lý trị liệu có thể bao gồm: Các bài tập kéo căng để giữ cho cơ linh hoạt; Các bài tập thể dục nhịp điệu giúp giảm đau cổ hoặc lưng, đồng thời tăng sản xuất endorphin, chất dẫn truyền thần kinh hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên và giúp cải thiện tâm trạng.
Liệu pháp nhiệt độ
Cả chườm nóng và chườm lạnh đều có thể được áp dụng để điều trị các triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm. Nguyên tắc chung là chườm lạnh trong 24 giờ đầu tiên sau chấn thương và sau đó chườm nóng hay lạnh tùy theo sở thích của người bệnh. Một số trường hợp có thể luân phiên sử dụng cả chườm nóng và chườm lạnh.
Massage giảm đau do thoát vị đĩa đệm
Một trong những cách chữa thoát vị đĩa đệm phải kể đến xoa bóp. Phương pháp này giúp tăng lưu thông máu, giãn cơ, giảm đau, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh. Hãy dùng tay massage nhẹ nhàng, không thực hiện các động tác mạnh, đột ngột để tránh làm tổn thương thêm đĩa đệm.
Giảm đau bằng thuốc đông y
Cách chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà bằng lá lốt
- Lấy 200g lá lốt tươi rửa sạch rồi ngâm với nước muối trong 5 phút.
- Sau đó vớt lá lốt ra giã nhuyễn rồi đắp lên vị trí đau 15 – 20 phút. Có thể kết hợp với massage tại vùng đau khoảng 5 – 7 phút để tăng hiệu quả giảm đau.
- Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng nước lá lốt để ngâm chân trước khi đi ngủ.
Mẹo trị thoát vị đĩa đệm tại nhà bằng ngải cứu
- Rửa sạch 400g ngải cứu để ráo nước rồi giã nát.
- Trộn ngải cứu với 3 thìa mật ong rồi chắt lấy nước để uống.
- Chia uống 2 lần/ngày và dùng liên tục trong 2 tuần.
Ngải cứu, lá lốt và muối
- Mẹo chữa thoát vị đĩa đệm này kết hợp ngải cứu với lá lốt – hai loại thảo dược tốt cho tình trạng bệnh này.
- Rửa sạch, để ráo 200g ngải cứu và 200g lá lốt. Sau đó vớt ra để ráo.
- Giã nát các nguyên liệu rồi trộn với 50g muối ăn.
- Rang hỗn hợp trên chảo nóng cho tới khi có mùi thơm.
- Để hỗn hợp nguội bớt rồi bọc vào khăn chườm lên vị trí đau.
Xương rồng bẹ và muối
- Hợp chất heterosid flavonic trong xương rồng được coi là có thể hỗ trợ chống viêm, giảm đau, giãn cơ.
- Loại bỏ hết phần gai của 2 lá xương rồng rồi đập dập. Sau đó trộn với 1 thìa muối hạt.
- Hơ xương rồng trên lửa. Sau đó bọc xương rồng vào một mảnh vải sạch rồi đắp lên vị trí bị đau.
Cây xấu hổ
- Lấy 120g rễ cây xấu hổ rửa sạch, để ráo, thái nhỏ rồi phơi khô.
- Sau đó tẩm rễ cây với rượu trắng rồi cho vào chảo sao khô.
- Sắc rễ cây với 4 bát nước cho tới khi còn 1 bát thì chắt lấy nước uống trong ngày.
Cách chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà bằng cây đinh lăng
- Lấy 30g thân và rễ đinh lăng rửa sạch. Ngâm với 1,5 lít nước cho nguyên liệu mềm bớt.
- Sau đó vớt ra để ráo và thái lát mỏng.
- Cho đinh lăng vào nồi rồi để ngập nước và đun trong 1 tiếng.
- Chắt lấy nước uống trong ngày.
Đu đủ xanh
- Đu đủ xanh được cho là có khả năng giảm tê cứng, giảm đau nhức do thoát vị đĩa đệm.
- Lấy 1 quả đu đủ xanh cắt phần đầu quả khoảng 5cm để tạo thành nắp đậy.
- Lấy 100g gừng tươi rửa sạch, giã nhuyễn rồi trộn cùng 150ml rượu trắng. Cho hỗn hợp này vào trong quả đu đủ xanh rồi đậy nắp quả lại.
- Đem đu đủ nướng trên bếp tới khi nắn mềm tay.
- Cho quả đu đủ vào một tấm vải sạch rồi bóp nhuyễn và chườm lên vị trí đau trong 15 phút. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần để giảm cơn đau do thoát vị đĩa đệm.
Hạt đu đủ xanh
- Rửa sạch, gọt vỏ 1 quả đu đủ xanh. Giữ lại phần hạt của quả đu đủ.
- Cắt phần đầu quả khoảng 5cm để làm nắp đậy.
- Cho rượu trắng vào trong ruột quả đu đủ rồi hấp cách thủy trong 20 phút.
- Lấy phần rượu trắng này để xoa bóp lên vị trí đau.
Cách chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà bằng chuối hột
- Sử dụng chuối hột để giảm đau nhức xương khớp cũng là một trong những cách được lưu truyền trong dân gian. Đặc biệt, mẹo này phù hợp với trường hợp bị thoát vị đĩa đệm L4 L5.
- Ngâm chuối hột cùng rượu trắng trong bình thủy tinh có nắp đậy kín trong 1 tháng.
- Sau đó lấy rượu này để xoa bóp vùng bị đau.
Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
Thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu cơn đau của bạn từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau không kê đơn chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol và một số loại khác); Ibuprofen (Advil, Motrin IB và một số loại khác) hoặc Naproxen sodium (Aleve).
Thuốc giãn cơ cũng có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị co thắt cơ. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, choáng váng, mệt mỏi…
Thuốc giảm đau Opioid: Nếu các loại thuốc nêu trên không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc sử dụng ngắn hạn thuốc Opioid như Codeine hoặc kết hợp với oxycodone-acetaminophen (Percocet, Roxicet). Người bệnh có thể chịu các tác dụng như gây nghiện, buồn ngủ, buồn nôn, lú lẫn, táo bón….
Các bài tập giảm đau do thoát vị đĩa đệm hiệu quả
Một số bài tập phù hợp rất có ích trong việc hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm. Luyện tập vừa phải giúp người bệnh giảm áp lực lên cột sống, nhờ vậy giảm các cơn đau, tăng sự dẻo dai cho xương khớp, đẩy nhanh tiến trình hồi phục bệnh.
Bơi lội
Bơi lội là môn thể thao có độ an toàn cao, hạn chế nguy cơ gây chấn thương cột sống. Đồng thời, hoạt động bơi lội còn có tác dụng giảm bớt áp lực tác động lên các khớp, giải tỏa sức ép của đĩa đệm, nhờ đó làm thuyên giảm cơn đau. Cùng với hoạt động nhịp nhàng giữa các bộ phận tay, chân, đầu và cổ, bơi lội giúp hệ xương khớp được cải thiện hiệu quả. Chưa kể, việc hít thở khi bơi cũng hỗ trợ tăng cường lưu thông máu và oxy, hạn chế tình trạng viêm đĩa đệm đốt sống.
Dù vậy, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm không nên tập luyện quá sức vì tăng nguy cơ tổn thương đĩa đệm. Thay vào đó, bạn nên bơi vừa sức và kiên trì tập luyện mỗi ngày để đạt hiệu quả cao. Tốt nhất, bệnh nhân nên tham gia bơi lội từ 3 – 4 lần trong tuần, mỗi lần khoảng 30 – 60 phút.
Yoga
Yoga có tác dụng giảm đau, giúp các cơ khỏe mạnh hơn, giảm áp lực của cơ thể lên cột sống và đĩa đệm. Đồng thời, các bài tập yoga cũng giúp cải thiện sức cơ ở lưng và bụng. Nhờ đó duy trì tư thế đứng thẳng cũng như điều hòa các hoạt động của cơ thể.
Song song đó, yoga còn giúp hệ cơ được kéo dãn, đạt trạng thái thư giãn nhất. Trong quá trình luyện tập môn thể thao này, các vấn đề cơ xương khớp được hỗ trợ giải quyết, cũng như các cơ hoạt động linh hoạt hơn. Chưa kể, vùng lưng được giải tỏa áp lực nhờ vào các động tác kéo giãn cơ gân kheo (nằm ở mặt sau của đùi).
Ngoài tác động tích cực đến hệ cơ xương khớp nhẹ nhàng, yoga còn hỗ trợ tăng lưu lượng máu, giúp quá trình lưu thông chất dinh dưỡng qua các cơ và mô mềm ở thắt lưng thuận lợi hơn.
Đạp xe
Đạp xe là môn thể thao có ích cho người bệnh thoát vị đĩa đệm. Hoạt động này giúp kéo giãn cột sống, giải phóng áp lực lên đĩa đệm, đồng thời cải thiện hoạt động của hệ cơ xương khớp và dây chằng và tăng cường lưu thông máu. Nhờ đó, hệ thần kinh không bị chèn ép, giúp cơn đau thoát vị đĩa đệm giảm bớt đáng kể.
Tuy nhiên để hoạt động đạp xe mang lại hiệu quả cao nhất, bạn nên chọn xe có chiều cao và độ rộng yên phù hợp để đảm bảo dáng ngồi chuẩn, lưu ý giữ lưng thẳng thoải mái và không cúi đầu, lệch lưng hông. Về thời gian đạp xe, bạn có thể bắt đầu với 15 phút/ngày, sau đó tăng dần lên 30 – 45 phút/ngày và duy trì đều đặn hàng ngày.
Đi bộ
Đi bộ là môn thể thao được khuyến khích với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Với người mới bắt đầu đi bộ, nên giữ tốc độ chậm, dần dần tăng nhanh với bước chân nhẹ nhàng. Trong quá trình đi bộ, nên hít vào bằng mũi rồi nhẹ nhàng thở ra bằng miệng, điều hòa nhịp thở đều đặn. Ngoài ra, bạn cần lưu ý giữ lưng thẳng đứng, đầu thẳng, kết hợp với hoạt động đánh tay nhẹ nhàng, thoải mái.
Để hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm hiệu quả, người bệnh nên đi bộ mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều trong khoảng 30 – 45 phút.
Tập xà đơn
Tập xà đơn giúp kéo giãn cột sống, từ đó giảm áp lực lên đĩa đệm. Chưa kể, môn thể thao này còn hỗ trợ giảm tình trạng chèn ép dây thần kinh, từ đó làm dịu những cơn đau thoát vị đĩa đệm.
Cách thực hiện tập xà đơn tốt nhất là treo mình lên xà khoảng 45 giây rồi thả người xuống, thực hiện mỗi tuần 3 lần. Bên cạnh đó, để tránh làm đĩa đệm tổn thương, bạn cần tuân thủ đầy đủ các quy tắc tập xà đơn an toàn như khởi động, thực hiện đúng tư thế, kết hợp hít thở nhẹ nhàng, tập vừa sức,…
Những lưu ý khi người bệnh thoát vị đĩa đệm tập thể thao
Không thể phủ nhận tập thể thao mang tới nhiều lợi ích sức khỏe cho người bệnh thoát vị đĩa đệm. Dù vậy, bạn cần lưu ý những điểm quan trọng sau:
- Cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn để biết rõ bộ môn nào là phù hợp nhất.
- Tránh chơi những môn không phù hợp như: tập gym, chạy bộ, bóng đá, bóng rổ…
- Tập luyện đúng kỹ thuật – vừa sức.
- Ngừng ngay nếu có triệu chứng bất thường.
- Bên cạnh việc luyện tập, cần tuân theo lộ trình điều trị dứt điểm của bác sĩ đề ra.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.