Đừng chủ quan khi bị rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình (tiếng Anh là Vestibular Disorders) là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch và cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, không những gây ra khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn.
Dây thần kinh số 8 là thần kinh cảm giác, bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:
- Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác
- Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng
Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.
Phân loại và triệu chứng của hội chứng tiền đình
Bệnh gồm 2 dạng với các biểu hiện đặc trưng khác nhau:
Rối loạn tiền đình ngoại biên
Thường gặp ở 90% – 95% bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình ngoại biên, biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc theo nguyên nhân, với biểu hiện có thể là các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bên cạnh đó, còn có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi từ nằm sang ngồi được.
Nếu người bệnh bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng thì ngoài chóng mặt dữ dội, còn có các triệu chứng đi kèm như nôn ói nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, rối loạn vận mạch khiến da tái xanh, giảm nhịp tim, vã mồ hôi, nghiêm trọng hơn là té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng.
Rối loạn tiền đình trung ương
Thường gặp với những biểu hiện của tình trạng tổn thương hệ thống tiền đình của hệ thần kinh trung ương, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. Tình trạng này là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do tai biến mạch máu não, bệnh lý viêm, u não…
Nguy cơ từ rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
Dễ trầm cảm
Căn bệnh trầm cảm đang ngày càng phổ biến, một trong những nguyên nhân chính là do khi mắc phải, đa số người bệnh bị hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không thể đứng vững và sinh hoạt khó khăn, điều này khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, lạc lõng.
Dễ bị té ngã
Khi cơn đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng khi bệnh tái phát đột ngột ở nhất là lúc thức dậy vào buổi đêm, đang điều khiển phương tiện giao thông hoặc làm việc trên cao, có thể khiến họ gây ra tai nạn nguy hiểm cho chính bản thân và cả những người xung quanh.
Nguy cơ đột quỵ, tai biến
Nếu nguyên nhân rối loạn tiền đình là do hệ mạch máu não thì nguy cơ đột quỵ thật sự hay tái phát cao, do đó cần được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Cách phòng tránh rối loạn tiền đình
Rối loạn chức năng tiền đình là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bằng những cách đơn giản sau:
- Luyện tập thể dục đều đặn và hợp lý. Yoga trị liệu
- Giảm căng thẳng lo lắng bằng cách massage tác động lực vừa phải các nguyệt thái dương ,phong trì,ấn đường để cải thiện bệnh .
- Tránh đọc sách báo khi ngồi ô tô nên ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình, cần thận trọng khi hoạt động vùng đầu cổ.
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc thay đổi tư thế đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
- Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Rối loạn tiền đình có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như chấn thương hay đột quỵ. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh cần điều trị rối loạn tiền đình theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện chất lượng cuộc sống và tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.