Rubella ở người lớn và những điều cần biết
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có từ 1.267 – 6.145 ca mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Rubella là bệnh do virus Togavirus thuộc giống Rubi virus gây ra và được đặc trưng bởi những nốt ban nhỏ. Tình trạng phát ban Rubella xảy ra ở 50% – 80% người nhiễm bệnh và đôi khi dễ bị nhầm với bệnh sởi hoặc ban đỏ. Bài viết Rubella ở người lớn và những điều cần biết sẽ giúp độc giả hiểu hơn về căn bệnh này.
Rubella là bệnh gì?
Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Rubella gây ra. Phần lớn bệnh thường ở mức độ nhẹ, hay gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh Rubella gây ra tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm vi rút trong thời kì mang thai.
Biểu hiện của bệnh Rubella
Sau khi vi rút vào cơ thể 2 – 3 tuần lễ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tiếp theo có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.
- Sốt: kèm đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1 – 4 ngày, sốt nhẹ, sau khi phát ban thì sốt giảm.
- Phát ban: Lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1 – 2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2 -3 ngày là bay hết. Cần phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ vùng đầu, trán, sau tai sau đó lan xuống mặt, gáy, lưng, tay, chân, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm.
- Nổi hạch: ở vùng cổ, khuỷu tay, bẹn, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
- Ngoài ra, còn có triệu chứng đau khớp hoặc đau khắp mình mẩy: các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân… đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh Rubella?
Tất cả những người chưa có miễn dịch với Rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Sống ở nơi đông dân cư là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh lây lan theo đường hô hấp này. Tại Việt Nam nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được tiêm chủng vắc xin Rubella để phòng bệnh.
Phương pháp điều trị Rubella
Nguyên tắc điều trị:
Điều trị rubella cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau:
- Cách ly người bệnh 7 ngày kể từ khi phát ban: tại nhà hoặc tại cơ sở y tế.
- Điều trị triệu chứng và hỗ trợ, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
- Theo dõi, phát hiện và xử lý sớm các biến chứng.
Rubella không biến chứng:
- Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ.
- Nếu sốt cao: dùng Paracetamol.
- Bổ sung hợp lý các loại vitamin, khoáng chất.
Rubella có biến chứng:
Biến chứng viêm não:
- Điều trị chung theo hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.
- Có thể sử dụng gamma globulin với liều 0,1- 0,4g/kg cân nặng/ngày x 3 ngày và/hoặc methylprednisolon 2mg/kg/ngày x 5-7 ngày.
- Sử dụng kháng sinh thích hợp khi có nguy cơ bội nhiễm.
Biến chứng xuất huyết giảm tiểu cầu:
- Truyền khối tiểu cầu khi: có biểu hiện xuất huyết và tiểu cầu < 50 G/l hoặc không có biểu hiện xuất huyết mà tiểu cầu < 20 G/l.
- Methylprednisolon 2mg/kg/ngày nếu tiểu cầu < 20 G/l; giảm dần liều theo diễn biến bệnh và sự hồi phục của tiểu cầu.
Xử trí nhiễm rubella ở phụ nữ mang thai cần cẩn trọng, có thể tham khảo thông tin bên dưới đây:
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu: tư vấn đình chỉ thai nghén khi đã có chẩn đoán xác định.
- Phụ nữ có thai từ 13 đến 18 tuần bị nhiễm rubella: tư vấn nguy cơ con bị rubella bẩm sinh, cần chọc ối để xét nghiệm chẩn đoán xác định. Tất cả các trường hợp tìm thấy rubella trong nước ối đều tư vấn đình chỉ thai, các trường hợp âm tính tiếp tục theo dõi.
- Phụ nữ có thai trên 18 tuần bị nhiễm rubella: nguy cơ con bị rubella bẩm sinh thấp, theo dõi thai kỳ bình thường.
Cách phòng tránh bệnh Rubella
Rubella hiện chưa có thuốc đặc trị, do vậy mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
- Hiện nay, cách tốt để phòng ngừa bệnh rubella ở người lớn và trẻ nhỏ chính là tiêm vắc-xin ngừa rubella trong độ tuổi và thời điểm thích hợp. Vắc-xin phòng bệnh Rubella thông dụng hiện nay là loại vắc xin MMR (Measle, Mumps, Rubella) phòng ngừa cho cả 3 bệnh Sởi, Quai bị, Rubella.
- Phát hiện bệnh sớm để tránh lây lan cho người khác.
- Cách ly người bệnh:
- Thời gian cách ly: từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến 7 ngày sau khi phát ban (trẻ em nên nghỉ học, người lớn nên nghỉ làm).
- Để người bệnh ở trong một phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời.
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng cho người bệnh (khăn mặt, ly, chén, thìa, đũa, chăn, gối, màn…).
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi… của người bệnh hàng ngày bằng nước Javen, hoặc dung dịch Cloramin B sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.
Trên đây là những chia sẻ về dấu hiệu nhận biết bệnh, nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh Rubella. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.