Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Rubella
Rubella là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp gây ra bởi virus Rubella. Tất cả những người chưa có miễn dịch với virus Rubella đều có khả năng mắc bệnh. Thông thường, trẻ em và thanh niên là những đối tượng có nguy cơ cao do sức đề kháng chưa có với virus này.
Bệnh Rubella là gì?
Bệnh Rubella còn gọi là bệnh sởi Đức hoặc sởi 3 ngày. Biểu hiện bệnh Rubella là sốt kèm theo phát ban đỏ ngoài da, có một số trường hợp có thể kèm thêm đau nhức khớp. Bệnh này thường không nghiêm trọng và thông thường tự khỏi mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, ở phụ nữ có thai, bệnh Rubella thường sẽ gây nhiều hậu quả với người mẹ và thai nhi hơn.
Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các mẹ bầu nhiễm Rubella thường có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS: congenital rubella syndrome) với nhiều dị tật nghiêm trọng như: dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển,… một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh
Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70-90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm virus Rubella trong ba tháng đầu mang thai.
Nguyên nhân gây bệnh Rubella là gì?
Nguyên nhân gây bệnh Rubella là do virus Rubella, thuộc họ Togaviridae. Virus lây bệnh từ người lành sang người bệnh bằng nhiều con đường như:
- Đường hô hấp: Người bình thường nếu tiếp xúc với dịch tiết, chất nhầy hoặc giọt bắn của người bệnh do họ ho, sổ mũi ra bên ngoài không khí sẽ bị lây bệnh.
- Đường tiếp xúc: Virus từ giọt bắn hoặc nhầy mũi, đờm của người bệnh có thể tồn tại trên các bề mặt như bàn, ghế, sàn nhà, tay nắm cửa và gây bệnh cho người lành.
- Đường lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.
Triệu chứng bệnh Rubella là gì?
Triệu chứng bệnh Rubella bao gồm:
- Sốt: Người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ (khoảng 38°C), kèm thêm nhức đầu, mệt mỏi, đau rát vùng họng, chảy nước mũi trong.
- Nổi hạch ở vùng chẩm, cổ, bẹn, ấn đau. Hạch xuất hiện trước khi phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
- Phát ban: ban lúc đầu xuất hiện ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân nhưng thường không tuần tự như bệnh sởi. Đặc điểm của ban là màu hồng hoặc hơi đỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước 1-2mm, ngứa, thường kéo dài khoảng 3 ngày sau đó biến mất để lại nốt thâm trên da.
- Ngoài ra có thể đau khớp, viêm kết mạc.
Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh Rubella
Dưới đây là một số cách bạn có thể phòng ngừa việc mắc bệnh Rubella:
- Tiêm phòng vaccin Rubella: Một trong những phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với bệnh Rubella là tiêm vaccin Rubella. Trẻ em thường được tiêm vacxin Rubella khi còn nhỏ, và người lớn cũng có thể cần tiêm phòng lại nếu không chắc chắn đã có tiêm vacxin trong quá khứ.
- Nên tránh tiếp xúc với người nhiễm Rubella: Để giảm nguy cơ lây bệnh, tránh tiếp xúc với người bị Rubella, đặc biệt là phụ nữ có thai vì bệnh Rubella có thể gây ra biến chứng cho thai nhi.
- Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên: Để tránh lây nhiễm virus Rubella, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bị Rubella hoặc các vật dụng tiếp xúc với họ.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Một hệ miễn dịch mạnh mẽ giúp cơ thể đối phó với virus và bệnh tật tốt hơn. Hãy duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện thể chất đều đặn.
Bằng cách thực hiện những biện pháp phòng ngừa trên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Rubella và bảo vệ sức khỏe của mình cùng những người xung quanh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.