Suy giáp là gì? Những điều cần biết về suy giáp
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ một số hormon. Nồng độ hormon tuyến giáp thấp có thể gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Nếu không nhận biết sớm và điều trị, suy giáp có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu thêm về bệnh suy giáp và các điều cần biết qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ hình con bướm, nằm phía trước cổ, ngay dưới thanh quản. Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là sản xuất hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) kiểm soát quá trình chuyển hóa, tăng cường sản xuất năng lượng, duy trì nhiệt độ cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan gồm tiêu hóa, tim mạch, thần kinh.
Tuyến giáp hoạt động dưới sự kiểm soát của tuyến yên – cơ quan nằm ở trung tâm hộp sọ, phía dưới não và sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
Khi nồng độ hormone tuyến giáp trong máu cao, tuyến yên sẽ giảm sản xuất TSH để kiểm soát hoạt động của tuyến giáp. Ngược lại, khi nồng độ hormone tuyến giáp thấp, tuyến yên sẽ sản xuất nhiều TSH hơn. Sự cân bằng của hormone giáp rất quan trọng. Nếu lượng hormone tuyến giáp quá cao sẽ gây cường giáp. Ngược lại, lượng hormone quá thấp gây suy giáp.
Vị trí tuyến giáp
Suy giáp (hay tuyến giáp hoạt động kém – Hypothyroidism) là tình trạng tuyến giáp không tạo ra đủ hormone, khiến quá trình trao đổi chất chậm lại.
Triệu chứng suy giáp
Biểu hiện lâm sàng thay đổi tùy nguyên nhân và mức độ bệnh. Triệu chứng ban đầu mơ hồ, kín đáo, xuất hiện từ từ, không rõ ràng nên dễ bị bỏ sót. Giai đoạn muộn có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng điển hình:
- Sợ lạnh
- Trầm cảm
- Tăng cân
- Giảm trí nhớ
- Da khô
- Phù niêm
- Phù quanh hốc mắt
Phù quanh hốc mắt có thể là triệu chứng của bệnh lý suy giáp
- Xanh xao
- Giọng nói thay đổi, khàn tiếng
- Bướu giáp
- Chậm chạp
- Hói đầu
- Mệt mỏi
- Đau cơ
- Táo bón
- Nhịp tim chậm
- Rong kinh
- Phản xạ gân cơ giảm
- Vẻ mặt vô cảm
- Rối loạn lipid máu
Nguyên nhân suy giáp
Suy giáp xảy ra do tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, gồm:
- Bệnh tự miễn Hashimoto là nguyên nhân phổ biến gây suy giáp. Đây là một chứng rối loạn tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo kháng thể tấn công các mô khỏe mạnh.
- Phẫu thuật tuyến giáp: phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc 1 phần tuyến giáp có thể làm giảm khả năng sản xuất hormone.
- Xạ trị: bức xạ được sử dụng để điều trị ung thư vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp gây suy giáp.
- Viêm tuyến giáp: xảy ra khi tuyến giáp bị viêm do nhiễm trùng, rối loạn tự miễn dịch hoặc bệnh khác. Viêm tuyến giáp có thể kích hoạt tuyến giáp giải phóng tất cả hormone cùng một lúc. Điều này khiến tuyến giáp hoạt động hết công suất nhưng sau đó lại hoạt động kém.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể dẫn đến suy giáp, chẳng hạn như lithium dùng để điều trị rối loạn tâm thần.
- Suy giáp bẩm sinh: xuất hiện với tỷ lệ 1/1700 – 1/3500, tương đương 1700 – 3000 trẻ sinh ra có 1 bé mắc bệnh.
- Thiếu hoặc ăn quá nhiều i-ốt: cung cấp thừa hoặc không đủ i-ốt có thể ảnh hưởng đến khả năng tuyến giáp sản xuất hormone.
- Rối loạn tuyến yên: rối loạn thường do khối u ở tuyến yên gây ra.
- Thai kỳ: một số trường hợp mắc suy giáp trong hoặc sau khi mang thai. Suy giáp xảy ra trong thai kỳ nhưng không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và tiền sản giật. Tiền sản giật khiến huyết áp tăng đáng kể trong 3 tháng cuối thai kỳ. Suy giáp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi.
Suy giáp trong thai kỳ
Đối tượng nguy cơ bị mắc suy giáp
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc suy giáp gồm:
- Phụ nữ sau mãn kinh
- Người hơn 60 tuổi
- Tiền sử mắc các bệnh về tuyến giáp, chẳng hạn như bướu cổ
- Từng phẫu thuật khắc phục các vấn đề về tuyến giáp
- Từng điều trị bức xạ ở tuyến giáp, cổ hoặc ngực
- Tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh tuyến giáp
- Đang mang thai hoặc sinh con trong 6 tháng
- Mắc hội chứng Turner: chứng rối loạn di truyền ảnh hưởng đến phụ nữ
- Mắc bệnh thiếu máu ác tính, trong đó cơ thể không tạo đủ tế bào hồng cầu vì thiếu vitamin B12
- Mắc hội chứng Sjogren: bệnh gây khô mắt và miệng
- Mắc đái tháo đường type 1
- Mắc viêm khớp dạng thấp: bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp
- Mắc bệnh lupus: bệnh tự miễn mạn tính
Chẩn đoán suy giáp
Các triệu chứng của suy giáp thường tương tự những vấn đề sức khỏe khác. Do đó, chẩn đoán suy giáp không chỉ dựa trên triệu chứng mà còn thông qua kết quả xét nghiệm máu.
Xét nghiệm thường quy:
- Công thức máu: Thiếu máu đẳng sắc hoặc nhược sắc, hồng cầu bình thường hoặc lớn
- Rối loạn mỡ máu: Tăng cholesterol, tăng triglyceride
- Rối loạn điện giải: Natri máu giảm
- TSH tăng >10 μUI/L, FT3 giảm, FT4 giảm
- FT3 và FT4 giảm,TSH tăng: Suy giáp nguyên phát
- FT3 và FT4 giảm,TSH không tăng: Là suy giáp thứ phát
Test TRH:
Xét nghiệm TSH trước rồi tiêm mạch 200μg TRH. Sau đó, xét nghiệm TSH kiểm tra lại ở các thời điểm 30 phút và 60 phút sau tiêm. Nếu TSH không tăng thì nguyên nhân suy giáp là do tuyến yên.
Các xét nghiệm khác tìm nguyên nhân:
- Anti TPO, antithyroglobulin
- Siêu âm tuyến giáp
- MRI tuyến yên
Phòng ngừa bệnh suy giáp
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tuyến giáp là kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi có thai cần được làm xét nghiệm tầm soát sớm. Trong 3 tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa hình thành tuyến giáp thì cần đến lượng hormone tuyến giáp lớn cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh. Nếu lúc này mà thiếu hormone do mẹ bị suy giáp, trẻ sinh ra dễ bị kém phát triển trí tuệ. Con của sản phụ bị suy giáp cần được xét nghiệm lấy máu gót chân ngay những ngày đầu sau sinh. Mục đích là để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp và điều trị sớm nếu mắc bệnh.
Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp. Cơ thể không tự tổng hợp được iốt mà phải tăng cường qua đường ăn uống. Một trong những nguồn cung cấp iốt dồi dào là thực vật từ biển như tảo bẹ, rong biển, sữa ngũ cốc và trứng… Nên bổ sung trái cây và rau củ tươi; các loại gia vị như hạt tiêu, gừng ớt và quế… Bổ sung axit béo omega 3 bằng cách ăn dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, thịt bò, cá bơn, đậu nành và tôm… Các thực phẩm này giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, giảm các vấn đề về tuyến giáp trong cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng dành cho người suy giáp
Điều trị suy giáp như thế nào?
Suy giáp không thể chữa khỏi, tuy nhiên hầu hết người bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng cách thay thế lượng hormone mà tuyến giáp của bạn sản xuất không đủ để đưa mức T4 và TSH của bạn trở lại mức bình thường.
Thuốc thyroxine tổng hợp (Levothyrox, Berlthyrox, Levosum, Disthyrox, Tamidan…) chứa hormone giống với hormon T4 mà tuyến giáp của bạn tạo ra. Tất cả bệnh nhân suy giáp trừ những người bị phù niêm nặng (suy giáp nguy hiểm đến tính mạng) có thể được điều trị ngoại trú mà không phải nhập viện.
Đối với một số bệnh nhân khi dùng thyroxine (T4) mà không cải thiện hết các triệu chứng lâm sàng, việc bổ sung thuốc liothyronine (T3), thuốc thường dùng Cytomel có thể có lợi.
Trẻ bị suy giáp phải duy trì thuốc hormon tuyến giáp hàng ngày và kiểm tra nồng độ TSH trong quá trình phát triển để ngăn ngừa việc chậm phát triển trí tuệ và còi cọc. Khi liều lượng thyroxine đã ổn định, bạn có thể xét nghiệm TSH định kỳ một năm một lần. Mục tiêu của điều trị là duy trì nồng độ TSH của bạn ở mức bình thường.
Không có phương pháp chữa khỏi suy giáp và hầu hết người bệnh sẽ bị suy giáp suốt đời. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như viêm tuyến giáp do virus, viêm tuyến giáp sau khi mang thai và chức năng tuyến giáp của họ trở về bình thường.
Tóm lại, suy giáp là bệnh có thể hoàn toàn kiểm soát được nếu như phát hiện và điều trị sớm. Trường hợp nếu nghi ngờ cơ thể của bạn có dấu hiệu của suy giáp, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra cụ thể.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.