Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota cần lưu ý
Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota là một trong những nguyên nhân phổ biến của các đợt dịch tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng. Để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa của bệnh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
- Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota là loại virus mang tên Rotavirus, thuộc họ Reoviridae.
- Virus Rota được chia làm 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A thường là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tiêu chảy nặng ở trẻ em, trong khi nhóm B và C thường gây bệnh ở trẻ lớn và người trưởng thành.
- Virus Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Loại virus này vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần.
- Bệnh chủ yếu lây qua đường phân – miệng hoặc tay – miệng: Virus Rota sẽ sống trong phân của người bệnh, sau đó lây qua vật trung gian truyền bệnh (thức ăn, nước uống hoặc dính vào tay), rồi truyền nhiễm lại cho người lành.
Biểu hiện của người mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
- Nôn ói và tiêu chảy: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Người bệnh thường nôn rất nhiều vào những ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.
- Phân lỏng toàn nước, có lúc có màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.
- Mất nước: Thường có biểu hiện của mất nước như môi khô, mắt trũng, khát nhiều. Mất nước kéo dài và không xử lý kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy kiệt, trụy mạch và tử vong.
- Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện khác như: sốt, đau bụng, ho, chảy nước mũi,…
Các cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
Tiêu chảy cấp do virus Rota là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Vậy cách để phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé:
- Sử dụng vắc xin: Vắc xin phòng bệnh Rota đã được phát triển và khuyến nghị sử dụng cho trẻ em từ khi trẻ còn nhỏ. Vaccine giúp giảm nguy cơ bị nhiễm virus Rota và giảm khả năng diễn tiến nặng nếu trẻ mắc bệnh.
- Vệ sinh tay sạch sẽ: Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch sẽ giúp ngăn chặn virus lây lan.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Luôn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả và thịt gia cầm, tránh sử dụng thực phẩm sống và thức ăn chưa qua chế biến đúng cách để ngăn chặn lây nhiễm virus Rota qua đường thức ăn.
- Uống nước sạch: Sử dụng nước sạch và đun sôi trước khi uống, không uống nước từ nguồn nước không rõ nguồn gốc.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh: Nếu có người trong gia đình hoặc xung quanh mắc tiêu chảy cấp, cần hạn chế tiếp xúc với họ hoặc rửa sạch tay sau khi tiếp xúc để ngăn ngừa lây lan bệnh.
Những biện pháp phòng ngừa trên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota và bảo vệ sức khỏe cho cả trẻ em và người lớn. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.