Tăng huyết áp khi mang thai có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong sớm. Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Phát hiện, kiểm soát sớm, cũng như hiểu rõ về bệnh tăng huyết áp là rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người.
Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Chiếm khoảng 10% tổng số thai kỳ và là 1 trong 3 nguyên nhân quan trọng gây tử vong mẹ trên toàn thế giới. Những thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai khiến cho người mẹ tăng khả năng phát triển tình trạng tăng huyết áp. Với một số mẹ bầu đã có tăng huyết áp từ trước khi mang thai, thai kỳ có thể khiến tình trạng này nặng thêm.
Phụ nữ mang thai được chẩn đoán có tăng huyết khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg.
Tăng huyết áp gây nguy hiểm gì tới mẹ và thai nhi
Với thai nhi, tăng huyết áp trong thai kỳ có thể dẫn đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối, nhau bong non, sinh non, suy thai...Huyết áp cao là một trong những yếu tố làm suy giảm lưu lượng máu đến nhau thai, dẫn đến thai nhi không thể nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để phát triển.
Với sản phụ, tăng huyết áp thai kỳ có thể diễn tiến đến tiền sản giật, sản giật, phù phổi, gây suy đa cơ quan và ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ. Huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, bệnh thận và đột qụy ở thai phụ.
Mục tiêu của việc điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ là cân bằng huyết áp để sản phụ không bị tai biến và thai nhi không bị suy giảm tuần hoàn nhau thai. Các can thiệp được áp dụng khi tình trạng tăng huyết áp gây nên các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Tình trạng huyết áp tăng có thể được ổn định bằng thuốc chống tăng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ khi hoàn toàn kết thúc thai kỳ thì tình trạng tăng huyết áp mới có khả năng hồi phục trở về bình thường.
Phòng ngừa tăng huyết áp khi mang thai
Tập thể dục nhẹ nhàng cho mẹ bầu
Để phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ, bên cạnh việc khám thai đều đặn theo lịch, đo huyết áp thường xuyên, thai phụ cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để hạn chế những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp:
- Hạn chế sử dụng nhiều muối trong chế biến thức ăn.
- Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày.
- Tăng lượng protein nạp vào, giảm những thực phẩm chiên, xào, đồ ăn vặt.
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục đều đặn.
- Tránh uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích như caffeine.
- Có thể sử dụng thêm thuốc bổ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tăng huyết áp thai kỳ là bệnh lý nội khoa thường gặp nhất trong thời kỳ thai sản. Việc quan trọng cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai. Nếu có tình trạng tăng huyết áp xảy ra, cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất cho mẹ và con.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.