Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là gì?
Theo thống kê trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới nhưng đứng đầu về tỷ lệ tàn tật. Đột quỵ xảy ra trong tích tắc và việc cấp cứu kịp thời trước khi đưa đến bệnh viện giúp bệnh nhân có khả năng hồi phục đến 70-80%. Nắm rõ giờ vàng tai biến mạch máu não sẽ giúp người bệnh tránh được các di chứng nặng nề.
Hiểu biết về “thời gian vàng” khi có dấu hiệu đột quỵ
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ, tên gọi khác là tai biến mạch máu não xảy ra do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não khiến máu đổ lên một khu vực não bị gián đoạn. Từ đó dẫn đến các tế bào não bị chết đi do không được nuôi dưỡng. Thời gian không được cấp máu càng lâu càng nhiều tế bào não bị tác động dẫn đến càng nhiều biến chứng nguy hiểm, điển hình là cướp đi tính mạng người bệnh nhanh chóng.
Thời gian vàng trong tai biến mạch máu não là gì?
Giờ vàng trong tai biến mạch máu não được biết đến là thời gian vàng để cấp cứu, cứu sống người bệnh khi cơn đột quỵ xảy ra. Giờ vàng cấp cứu tai biến mạch máu não thường được khuyến cáo là trong khoảng từ 3 đến 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ não.
Trong một số trường hợp, giờ vàng cấp cứu đột quỵ não có thể kéo dài đến 6 giờ kể từ sau khi có dấu hiệu đột quỵ hoặc 24 giờ kể từ sau khi có dấu hiệu đột quỵ.
Cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian này sẽ giúp người bệnh có cơ hội sống sót cao, hạn chế di chứng nặng nề và tử vong. Trong thời điểm này, cứ mỗi phút qua đi là sẽ có 2 triệu tế bào não chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não bị đột quỵ và mô não cận kề ở vị trí tai biến sẽ bị tổn thương nặng, khó phục hồi. Trong khung thời gian vàng này, các biện pháp chữa trị cũng cần được áp dụng phù hợp. Ví dụ, trong 3 – 4,5 giờ đầu thường chỉ dùng kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch giúp tan cục máu đông.
Điều này cho thấy, cấp cứu trong thời gian vàng cũng cần phải nhanh chóng. Người nhà cần tận dụng từng giây phút để cứu sống người bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng nặng như yếu liệt nửa người, xẹp phổi, mất ngôn ngữ…
Biểu hiện nhận biết đột quỵ FAST
FAST đột quỵ là gì?
“FAST” là một từ viết tắt được sử dụng để giúp mọi người nhớ và nhận biết nhanh chóng các triệu chứng đột quỵ, giúp tăng cơ hội cứu sống và giảm thiểu biến chứng sau đột quỵ. Việc nhận biết nhanh chóng các triệu chứng của đột quỵ có thể giúp bệnh nhân nhận được điều trị càng sớm càng tốt, giảm thiểu tổn thương cho não.
Dấu hiệu FAST trong đột quỵ
Dấu hiệu FAST trong đột quỵ giúp mọi người nhận diện triệu chứng của đột quỵ một cách nhanh chóng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động nhanh chóng khi phát hiện ra các triệu chứng này.
F (Face – Khuôn mặt)
Một bên khuôn mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống. Khi cười, miệng người bệnh có thể méo qua một bên, hai bên mặt trở nên mất cân đối.
A (Arms – Cánh tay)
Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên quá cao khỏi đầu, nâng thẳng tay hoặc có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức.
(Speech – Lời nói)
Nói lắp, nói khó hiểu hoặc không thể phát âm rõ ràng một từ, không thể nói hết một câu,… là những dấu hiệu đột quỵ. Ngoài ra, việc gặp khó khăn trong việc tìm ra từ ngữ để mô tả suy nghĩ của mình hoặc không thể nói một cách mạch lạc cũng là những dấu hiệu được đề cập trong mục Speech – Lời nói của dấu hiệu FAST trong đột quỵ.
T (Time – Thời gian)
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ một trong các triệu chứng trên, hoặc toàn bộ các dấu hiệu FAST đột quỵ, bạn cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng trong việc điều trị đột quỵ. Bệnh nhân càng được điều trị nhanh chóng thì khả năng phục hồi càng cao, giảm thiểu toàn bộ các biến chứng do tổn thương não bộ khi đột quỵ.
Một số triệu chứng đột quỵ khác có thể bao gồm:
– Thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn ở một bên mắt hoặc cả hai mắt.
– Bị lú lẫn đột ngột, ví dụ đang nói chuyện đột nhiên thấy khó khăn khi nói hoặc hiểu ngôn ngữ.
– Chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội một cách đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng.
– Cảm thấy mệt mỏi khắp cơ thể, buồn nôn.
– Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân, khó đi lại.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm:
- Có huyết áp cao
- Có tiền sử bị đột quỵ
- Hút thuốc lá
- Có bệnh đái tháo đường
- Có bệnh tim mạch.
- Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.
Những điều nên làm khi thấy có dấu hiệu đột quỵ
Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ cần thực hiện:
- Đỡ người bệnh không để té ngã chấn thương và gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
- Đặt bệnh nhân nằm ở vị trí thoáng, tư thế nằm nghiêng an toàn để bảo vệ đường thở.
- Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, phản ứng của bệnh nhân như suy giảm ý thức, nôn mửa.
- Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, đánh gió, châm cứu.
- Không tự ý cho bệnh nhân ăn uống vì có thể gây hít sặc chất nôn vào đường hô hấp, tắc đường thở, rất nguy hiểm.
- Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Không tự ý di chuyển người bệnh đột quỵ bằng xe máy.
- Đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất điều trị.
Phát hiện sớm, sơ cứu cấp cứu kịp thời và đúng cách sẽ giúp cứu sống người bệnh, hạn chế để lại các biến chứng nặng khi đột quỵ xảy ra.