Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp là một căn bệnh rất nguy hiểm cho tất cả mọi người. Với người mang thai, tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe cho mẹ và bé. Hãy cùng tìm hiểu triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa Tăng huyết áp thai kỳ qua bài viết này nhé.
Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Tăng huyết áp là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Chiếm khoảng 10% tổng số thai kỳ và là 1 trong 3 nguyên nhân quan trọng gây tử vong mẹ trên toàn thế giới. Những thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai khiến cho người mẹ tăng khả năng phát triển tình trạng tăng huyết áp. Với một số mẹ bầu đã có tăng huyết áp từ trước khi mang thai, thai kỳ có thể khiến tình trạng này nặng thêm. Phụ nữ mang thai được chẩn đoán có tăng huyết khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.
Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Tùy theo cơ địa từng thai phụ mà bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên có những trường hợp thai phụ không có bất cứ dấu hiệu nào. Thông thường các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai xuất hiện trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ gồm:
- Sưng phù chân, tay
- Tăng cân đột ngột
- Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực thoáng qua,…)
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị cụ thể cho tăng huyết áp thai kỳ sẽ được xác định bởi bác sĩ của bạn dựa trên các cơ sở:
- Mang thai, tuổi thai, sức khỏe tổng thể và lịch sử y tế của bạn
- Mức độ của bệnh
- Khả năng đáp ứng của bạn đối với thuốc, hoặc liệu pháp cụ thể
Điều trị không dùng thuốc
Điều trị không dùng thuốc trong thai kỳ có vai trò hạn chế với các thử nghiệm ngẫu nhiên về chế độ ăn và thay đổi lối sống, cho thấy ảnh hưởng ít lên kết cục thai kỳ . Tập thể dục thường xuyên có thể được tiếp tục thận trọng và phụ nữ béo phì (≥ 30 kg/m2) cần được tư vấn tránh tăng cân hơn 6,8 kg.
Điều trị dùng thuốc
Với mục đích điều trị tăng huyết áp để giảm nguy cơ cho mẹ, các thuốc hạ áp được chọn lựa phải hiệu quả và an toàn cho thai.
- Điều trị tăng huyết áp nặng: Theo khuyến cáo HATT ≥ 170 mmHg hoặc HATTr ≥ 110 mmHg ở phụ nữ mang thai là tăng huyết áp cấp cứu và được chỉ định nhập viện. Ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin và ức chế trực tiếp renin bị chống chỉ định. Điều trị bằng thuốc với labetalol đường tĩnh mạch, methyldopa hoặc nifedipin đường uống nên được lựa chọn. Lựa chọn thuốc khi tiền sản giật có phù phổi là nitroglycerin (glyceryl trinitrate) truyền tĩnh mạch 5 ug/phút và tăng dần mỗi 3-5 phút đến liều tối đa 100 ug/phút.
- Điều trị tăng huyết áp nhẹ – trung bình: Mặc dù thiếu chứng cứ nhưng hướng dẫn châu Âu khuyến cáo khởi trị thuốc ở tất cả phụ nữ tăng huyết áp dai dẳng ≥ 150/95 mmHg và trị số > 140/90 mmHg ở phụ nữ với:
- Tăng huyết áp thai kỳ (có hoặc không có tiểu đạm)
- Tăng huyết áp mạn tính cộng với tăng huyết áp thai kỳ
- Tăng huyết áp với tổn thương cơ quan đích dưới lâm sàng hoặc có triệu chứng tại bất kỳ thời điểm trong thai kỳ.
Methyldopa, ức chế beta và ức chế canxi là các thuốc được lựa chọn. Ức chế beta có vẻ ít hiệu quả hơn ức chế canxi và có thể gây ra nhịp tim chậm ở thai, chậm tăng trưởng và hạ đường huyết; do đó, loại và liều thuốc nên được chọn lựa cẩn thận, và cần tránh sử dụng Atenolol. Thể tích huyết tương giảm trong tiền sản giật, do đó điều trị lợi tiểu nên tránh trừ khi trong tình huống thiểu niệu, Furosemid liều thấp có thể được xem xét. Magnesium sulfate đường tĩnh mạch được khuyến cáo phòng ngừa sản giật và điều trị co giật nhưng không nên sử dụng đồng thời với ức chế canxi (có nguy cơ tụt huyết áp do tác dụng hiệp đồng).
Cách phòng ngừa tăng huyết áp trong thai kỳ.
Cao huyết áp khi mang thai rất khó phát hiện và thường dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm. Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp thai kỳ, bà bầu nên tuân thủ những lời khuyên sau:
- Có kế hoạch giảm cân trước khi mang thai nếu bị thừa cân.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích.
- Tập thể dục thường xuyên và vận động phù hợp.
- Nên đăng ký khám tiền sản để chẩn đoán và có những lời khuyên từ bác sĩ.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về Tăng huyết áp thai kỳ. Hi vọng sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ của bạn.