Viêm âm đạo là gì? Những điều cần biết về bệnh
Viêm âm đạo do vi khuẩn là tình trạng viêm nhiễm vùng kín phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Tổng quan chung
Viêm âm đạo (hay nhiễm trùng âm đạo) là bệnh lý viêm nhiễm ở âm đạo của phụ nữ. Theo thống kê, có đến một phần ba số phụ nữ có biểu hiện triệu chứng viêm âm đạo trong cuộc đời. Bệnh có thể xảy đến với phụ nữ ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi sinh sản.
Triệu chứng
Âm đạo của phụ nữ thường tiết dịch có màu trắng trong hoặc hơi đục. Đây là cách âm đạo tự làm sạch các tế bào chết, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng và các vi khuẩn có hại xâm nhập vào âm đạo. Có thể nói, tiết dịch âm đạo là cơ chế làm sạch cơ thể tự nhiên mà ai cũng phải có.
Dịch tiết âm đạo bình thường (không phải bệnh lý) sẽ không gây cảm giác đau hay ngứa ngáy. Lượng dịch tiết ra cũng khác nhau ở từng thời điểm. Có khi nó chỉ là một lượng nhỏ rất loãng, có lúc tiết nhiều và đặc hơn.
Tuy nhiên, sẽ là bất thường khi âm đạo của bạn có các triệu chứng dưới đây, bởi đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm nhiễm vùng kín:
- Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết ra từ âm đạo: dịch màu vàng hoặc trắng đục, có mùi hôi, ra rất nhiều;
- Ngứa hoặc kích ứng âm đạo;
- Đau khi giao hợp;
- Rát, buốt mỗi lần đi tiểu;
- Chảy máu âm đạo nhẹ.
Nguyên nhân
Sự mất cân bằng trong hệ nấm men và vi khuẩn sống trong âm đạo là nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo. Tình trạng này làm cho lớp niêm mạc của âm đạo bị viêm nhiễm. Cụ thể, các yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng vốn có của âm đạo, bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng sinh
- Thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ mang thai, cho con bú hoặc mãn kinh
- Thụt rửa âm đạo
- Sử dụng chất diệt tinh trùng
- Sinh hoạt tình dục
- Viêm nhiễm đơn thuần (phổ biến nhất là nhiễm nấm men)
Đối tượng nguy cơ
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm vùng kín phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 44 tuổi): Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất bị viêm âm đạo do sự thay đổi nội tiết tố, hoạt động tình dục và các yếu tố khác.
- Phụ nữ có nhiều bạn tình: Quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt với nhiều bạn tình, làm tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn gây viêm âm đạo.
- Phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố: Viên tránh thai, miếng dán tránh thai và vòng tránh thai có thể làm thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Phụ nữ sử dụng thuốc kháng sinh đường uống: Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại trong âm đạo, dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn và gây viêm nhiễm.
- Phụ nữ thụt rửa âm đạo thường xuyên: Thụt rửa âm đạo có thể làm mất đi vi khuẩn có lợi trong âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
- Phụ nữ mắc các bệnh lý mãn tính: Tiểu đường, suy giảm miễn dịch,… có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo.
- Phụ nữ mang thai: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Phụ nữ sau sinh: Việc sinh nở có thể gây tổn thương vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm.
- Phụ nữ sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ không phù hợp: Các sản phẩm có chứa chất tạo mùi, chất tạo màu,chất tẩy rửa mạnh có thể gây kích ứng vùng kín, dẫn đến viêm nhiễm.
- Phụ nữ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai,chlamydia,… có thể gây viêm âm đạo.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm âm đạo, bác sĩ sẽ tách lấy một mẫu dịch tiết ra từ âm đạo của bạn và kiểm tra dưới kính hiển vi. Ngoài ra, các xét nghiệm khác có thể được chỉ định để xác định chính xác khả năng mắc bệnh nhiễm trùng âm đạo.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm âm đạo nói riêng và viêm nhiễm vùng kín nói chung, bạn cần thực hiện:
- Tránh tắm bồn, nhất là bồn nước nóng và bồn tạo sóng. Thay vì vậy, hãy tắm bằng vòi hoa sen.
- Xả sạch xà phòng/sữa tắm khỏi vùng kín sau khi tắm. Không sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, chẳng hạn như xà phòng có tác dụng khử mùi hoặc kháng khuẩn, gel tắm tẩy tế bào chết dạng hạt…
- Luôn giữ vùng kín khô ráo để tránh kích ứng.
- Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh: Việc làm này nhằm tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo.
- Đừng thụt rửa: Vùng kín của phụ nữ không cần biện pháp làm sạch ngoài việc tắm rửa hàng ngày. Việc thụt rửa nhiều lần chẳng những không có ích gì cho tình trạng nhiễm trùng âm đạo mà còn tiêu diệt các sinh vật có lợi cư trú trong âm đạo, đồng thời làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín.
- Sử dụng bao cao su: Cả bao cao su dành cho nam và nữ đều giúp bạn tránh bị nhiễm trùng lây lan khi quan hệ tình dục.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton: Nấm men phát triển rất mạnh trong môi trường ẩm ướt. Vải cotton thoáng mát, thấm hút tốt nên sẽ tạo ra môi trường thông thoáng cho vùng kín, hạn chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn gây bệnh.
Điều trị viêm âm đạo như nào?
Viêm nhiễm âm đạo là bệnh lý do nhiều loại sinh vật và điều kiện khách quan gây ra. Vì thế, mỗi loại viêm âm đạo sẽ có phương pháp điều trị khác nhau:
- Viêm do vi khuẩn: Đối với loại viêm âm đạo này, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc viên metronidazole dùng đường uống, gel metronidazole hoặc kem bôi clindamycin.
- Nhiễm trùng nấm men: Bệnh thường được điều trị bằng thuốc bôi hoặc kem chống nấm không kê đơn, chẳng hạn như miconazole, clotrimazole, butoconazole hoặc tioconazole. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng nấm, chẳng hạn như fluconazole.
- Nhiễm trùng trichomonas: Thuốc được chỉ định là metronidazole hoặc tinidazole.
- Viêm teo âm đạo: Estrogen – ở dạng kem, viên hoặc vòng đặt âm đạo – sẽ giúp cải thiện hiệu quả tình trạng này.
- Viêm không do nhiễm trùng: Để điều trị bạn cần xác định chính xác tác nhân gây kích ứng để tránh xa nó. Những tác nhân này có thể là dung dịch vệ sinh, bột giặt, nước xả vải, băng vệ sinh, tampon…