Cách xử lý các vấn đề về giấc ngủ ở trẻ sơ sinh
Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ nhằm giúp cơ thể thích nghi với môi trường mới và phát triển một cách toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng có những giấc ngủ trọn vẹn, không sâu giấc hay khó ngủ. Vậy nguyên nhân gây ra các vấn đề về giấc ngủ ở trẻ sơ sinh là do đâu? Cách xử lý các vấn đề về giấc ngủ ở trẻ sơ sinh là gì?
Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở trẻ sơ sinh
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh là một tình trạng không còn quá lạ lẫm với các bậc phụ huynh có con nhỏ, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển ở trẻ.
Tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể khiến cho trẻ hay quấy khóc, cáu kỉnh, lâu dài có thể dẫn đến giảm trí nhớ, giảm khả năng học tập, thậm chí là rối loạn hành vi, cảm xúc khi trẻ trưởng thành.
Nguyên nhân gây ra các vấn đề về giấc ngủ
Nguyên nhân sinh lý
- Có 2 loại giấc ngủ: REM (Rapid Eye Movement: chuyển động mắt nhanh, với các biểu hiện nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, não tăng chuyển hóa,…) và NREM (Non Rapid Eye Movement: không chuyển động mắt nhanh).
- Ở trẻ sơ sinh, giấc ngủ NREM và giấc ngủ REM chiếm thời gian gần như bằng nhau (50%) trong khi ở người trưởng thành, giấc ngủ NREM chiếm đến 75% tổng thời gian ngủ, trong khi giấc ngủ REM chỉ chiếm 25%. Giấc ngủ REM ở trẻ sơ sinh nhiều hơn người lớn khiến cho việc đánh thức trẻ dễ dàng hơn, chỉ với cử động nhẹ là trẻ có thể tỉnh giấc hoàn toàn.
- Ngoài ra, trước những mốc phát triển của trẻ như sắp bò, sắp mọc răng, sắp ngồi, sắp đi,… hoặc khi trẻ vận động quá nhiều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Chế độ ăn uống quá nhiều hoặc quá ít đôi khi cũng trở thành nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ.
Nguyên nhân bệnh lý
Các bệnh lý về tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh,… đều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh. Một số bệnh lý mạn tính cũng có thể khiến cho giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng và ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Sai lầm trong việc cho trẻ ngủ
- Giấc ngủ quá dài: Việc cho trẻ ngủ ngày quá nhiều, đặc biệt là quá 17h chiều, có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ;
- Giấc ngủ bị lệ thuộc vào yếu tố xung quanh: Các vật dụng thường xuyên được sử dụng để ru trẻ ngủ như nôi, võng có thể khiến giấc ngủ của trẻ bị lệ thuộc, nếu không có chúng thì trẻ không ngủ được. Hoặc phổ biến hơn là trẻ bị phụ thuộc quá nhiều vào mẹ, khi không có mẹ bên cạnh thì trẻ nhất định không ngủ.
- Môi trường ngủ quá ồn ào hoặc quá sáng chói: Tiếng ồn, ánh sáng mạnh có thể là nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh bị rối loạn giấc ngủ. Đôi khi việc thường xuyên thay đổi chỗ ngủ cũng có thể là lý do khiến trẻ khó ngủ.
Cách xử lý các vấn đề về giấc ngủ
Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:
Tập cho trẻ phân biệt ngày và đêm:
- Ở một số trẻ sơ sinh, thói quen thức đêm có thể đã hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ nên khi chào đời, trẻ không thể tự điều chỉnh dẫn đến tình trạng trẻ khó ngủ vào ban đêm. Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là tập cho trẻ phân biệt giữa ngày và đêm.
- Ban ngày, mẹ nên tập cho trẻ ngủ trong khoảng một giờ và dùng thời gian còn lại để chơi đùa, trò chuyện với trẻ, khiến trẻ thức càng nhiều càng tốt. Ban đêm, mẹ nên bắt đầu cho trẻ ngủ từ 19h. Đồng thời, mẹ nên chú ý cho trẻ bú thêm một cữ vào buổi khuya để trẻ ngủ sâu giấc hơn, có thể ngủ đến 7 – 8h hôm sau.
Dạy trẻ tự ngủ: Thay vì bồng trẻ trẻ trên tay để đưa trẻ vào giấc ngủ, sau đó, đặt trẻ xuống giường cho trẻ ngủ, bố mẹ nên lựa chọn một cách thức khác không gây cảm giác phụ thuộc cho trẻ như: ru con ngủ bằng âm nhạc, vỗ về nhẹ nhàng ở khu vực đầu và mông của trẻ,…
Chuẩn bị sẵn sàng cho giấc ngủ của con:
- Đối với trẻ sơ sinh, việc chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho giấc ngủ sẽ giúp trẻ thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ, trẻ ngủ ngon hơn và thẳng giấc hơn
- Mẹ chỉ nên cho trẻ bú một lượng sữa vừa đủ trước khi trẻ đi ngủ, đồng thời, hạn chế cho trẻ bú đêm khi không cần thiết. Hơn nữa, trẻ cần được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo giữ ấm và thay tã có độ thông thoáng và khả năng thấm hút tốt. Các hoạt động chơi đùa, kích thích trẻ cần được dừng lại trước giờ ngủ 2-3 giờ. Bố mẹ có thể tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và nhận biết một số tín hiệu đến giờ ngủ như tắm, thay đồ, hát ru, hôn chúc ngủ ngon…
- Khi trẻ ngủ, bố mẹ nên duy trì nhiệt độ phòng thích hợp, không gian yên tĩnh, ánh sáng phù hợp. Đặc biệt, bố mẹ nên hạn chế trò chuyện và sử dụng các thiết bị điện tử khi trẻ ngủ.
Để phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) đặc biệt khi ngủ, trẻ chết đột ngột mà không tìm ra nguyên nhân ngay cả sau khi tử thiết, năm 2011 Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo như sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ.
- Ngủ trên mặt phẳng cứng
- Bú mẹ.
- Có thể ngủ chung phòng với ba mẹ, anh chị nhưng không nên ngủ chung giường.
- Tiêm chủng thường quy.
- Không để bất cứ vật mềm trong nôi trẻ (gối, mền, túi ngủ, thú nhồi bông…).
- Không che phủ đầu và phòng ngủ không quá nóng (phòng ngủ phải thông thoáng, không quấn trẻ quá mức, chỉnh nhiệt độ phòng tùy theo tình trạng trẻ…).
- Tránh tiếp xúc khói thuốc lá.
- Để tránh đầu bẹp do nằm ngửa quá nhiều và ảnh hưởng tới sự phát triển của não, khi trẻ thức nên cho trẻ lần lượt thay đổi tư thế nằm sấp, nghiêng phải và nghiêng trái.