Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cảm nhận và cư xử của một người. Nó có thể dẫn đến một hỗn hợp của ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ và hành vi vô tổ chức. Ảo giác liên quan đến việc nhìn thấy mọi thứ hoặc nghe thấy giọng nói mà người khác không quan sát được. Ảo tưởng liên quan đến niềm tin vững chắc về những điều không đúng sự thật. Đối tượng tâm thần phân liệt dường như mất liên lạc với thực tế, điều này có thể khiến cuộc sống hàng ngày trở nên rất khó khăn.
Những người bị tâm thần phân liệt cần điều trị suốt đời. Điều này bao gồm y học, liệu pháp nói chuyện và giúp đỡ trong việc học cách quản lý các hoạt động cuộc sống hàng ngày.
Những đối tượng có nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt
- Tiền sử gia đình có người mắc tâm thần phân liệt: Nghiên cứu cho thấy khoảng 10 – 14% người bị tâm thần phân liệt thì trong gia đình cũng có một thành viên mắc bệnh. Ngoài ra, cũng có mối liên hệ giữa tâm thần phân liệt và các rối loạn thần kinh khác, những người bị tâm thần phân liệt có nhiều khả năng có một thành viên trong gia đình bị rối loạn lưỡng cực hoặc chẩn đoán sức khỏe tâm thần khác.
- Trẻ em mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), một nghiên cứu cho thấy trẻ em bị ADHD có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt cao hơn 4,3 lần so với người bình thường.
- Người gặp phải các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống, ví dụ như sống trong nghèo đói, bị bỏ bê hoặc cô lập, người gặp phải bạo lực gia đình, các chấn thương não bộ.
- Đối tượng sử dụng các chất gây nghiện, một số nghiên cứu cho thấy rằng cần sa có thể làm kích hoạt và trầm trọng thêm các triệu chứng của tâm thần phân liệt.
- Người có cấu trúc và chức năng não bộ bất thường: Nghiên cứu cho thấy những người bị tâm thần phân liệt có thể có nhiều khả năng có sự khác biệt về kích thước của một số vùng não nhất định và kết nối giữa các vùng não. Một số khác biệt về não này có thể phát triển trước khi sinh. Các nhà nghiên cứu đang làm việc để hiểu rõ hơn về cấu trúc và chức năng não có thể liên quan đến tâm thần phân liệt.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Những người tâm thần phân liệt họ sẽ không biết được rằng họ đang có tình trạng tâm thần cần sự trợ giúp của chăm sóc y tế. Do đó, sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình và bạn bè là điều hết sức cần thiết.
Những biến chứng tâm thần phân liệt nguy hiểm có thể xảy ra
- Suy nghĩ và hành vi tự tử: Theo một đánh giá năm 2016, những người được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt có nguy cơ tự tử cao nhất trong năm đầu chẩn đoán, nguy cơ này giảm dần qua các năm tiếp theo.
- Suy giảm chức năng nhận thức: Tình trạng suy giảm nhận thức có thể tiến triển theo chiều hướng xấu đi qua các năm.
- Giảm tuổi thọ: Trong một phân tích tổng hợp năm 2017 gồm 11 nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức giảm tuổi thọ trung bình của những người bị tâm thần phân liệt là khoảng 14,5 năm.
- Tăng nguy cơ biến chứng về sức khỏe: Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng người tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch cao hơn đáng kể so với người không bị tâm thần. Điều này có thể do thuốc chống loạn thần làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và bệnh tim.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán
Chẩn đoán tâm thần phân liệt liên quan đến việc loại trừ các tình trạng sức khỏe tâm thần khác và đảm bảo rằng các triệu chứng không phải do lạm dụng chất gây nghiện, thuốc hoặc tình trạng y tế khác.
Chẩn đoán tâm thần phân liệt có thể bao gồm:
- Khám sức khỏe: Điều này có thể được thực hiện để loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự và kiểm tra bất kỳ biến chứng liên quan.
- Xét nghiệm và sàng lọc: bao gồm các xét nghiệm giúp loại trừ bệnh cảnh có triệu chứng tương tự và sàng lọc việc sử dụng chất gây nghiện. Các trường hợp đặc biệt cần thiết có thể yêu cầu thêm chụp MRI hoặc CT.
- Đánh giá sức khỏe tâm thần: Bác sĩ tâm thần có thể đưa ra các câu hỏi về suy nghĩ, tâm trạng, tình trạng gặp ảo giác, sử dụng chất kích thích, khả năng hành vi bạo lực, suy nghĩ và hành vi tự tử… để đánh giá về mức độ bệnh. Đánh giá này bao gồm tiền sử gia đình và cá nhân.
Điều trị
Điều trị suốt đời bao gồm dùng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
- Thuốc chống loạn thần có thể giúp làm cho các triệu chứng ít dữ dội hơn và ít thường xuyên hơn. Bạn cần được thăm khám và kê đơn bởi bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cũng như là tránh các tác dụng bất lợi xảy ra trong quá trình dùng thuốc.
- Phương pháp điều trị tâm lý xã hội bao gồm:
- Trị liệu cá nhân: Thực hiện các biện pháp tâm lý trị liệu có thể cải thiện suy nghĩ bệnh nhân.
- Đào tạo kỹ năng xã hội: Tăng cường giao tiếp và tương tác xã hội làm cho người tâm thần phân liệt có thể tham gia tốt hơn vào các hoạt động hàng ngày.
- Hỗ trợ việc làm, phục hồi chức năng nghề nghiệp.
Hầu hết những người bị tâm thần phân liệt cần hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày. Với việc điều trị đúng, những người bệnh này có thể kiểm soát tốt bệnh tật của họ. Gia đình và bạn bè cần được trang bị kiến thức về bệnh để đồng hành cùng người tâm thần phân liệt trong cuộc chiến chống lại bệnh tật để có một cuộc sống tốt hơn.