Những điều cần biết về bệnh bướu cổ
Bướu cổ là một tình trạng y tế khá phổ biến, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ thiếu iod cao. Việc nhận biết và hiểu rõ về bướu cổ có thể giúp chúng ta phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, từ đó giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bướu cổ là gì, các phương pháp điều trị hiện nay và cách phòng tránh bệnh một cách hiệu quả. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.
Bướu cổ là gì?
Bướu cổ, hay còn gọi là goiter, là sự phình to của tuyến giáp nằm ở cổ. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, chịu trách nhiệm sản xuất các hormone điều hòa nhiều chức năng cơ thể như trao đổi chất, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể. Bướu cổ có thể xuất hiện dưới dạng một khối u hoặc là sự phình to toàn bộ tuyến giáp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bướu cổ, trong đó phổ biến nhất là do thiếu iod trong chế độ ăn uống. Iod là nguyên liệu chính để tuyến giáp sản xuất hormone, do đó, khi thiếu iod, tuyến giáp phải làm việc nhiều hơn và phình to ra. Ngoài ra, bướu cổ còn có thể do các yếu tố khác như bệnh Graves, viêm tuyến giáp Hashimoto, hoặc thậm chí là các khối u lành tính hoặc ác tính.
Điều trị bệnh bướu cổ
Điều trị bướu giáp phụ thuộc vào kích thước của tuyến giáp, các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, các phương pháp điều trị bướu cổ bao gồm:
Không điều trị/Theo dõi
Nếu bướu cổ nhỏ và không gây ảnh hưởng, bác sĩ có thể quyết định không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi sự thay đổi tuyến giáp (bằng xét nghiệm và siêu âm).
Sử dụng thuốc
Là một liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc levothyroxine (Levothyrox, Berlthyrox) nếu nguyên nhân gây ra bướu cổ do tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp), hoặc methimazole (Thyrozol), propylthiouracil khi tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp),… Bác sĩ cũng có thể kê đơn aspirin hoặc thuốc corticosteroid trong một số trường hợp viêm tuyến giáp.
Điều trị bằng iốt phóng xạ
Phương pháp điều trị này, được sử dụng trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức, hoặc ung thư tuyến giáp. I-ốt phóng xạ đi đến tuyến giáp, giết chết các tế bào và gây co hẹp tuyến giáp. Sau điều trị bằng iốt phóng xạ, người bệnh có thể cần dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, cần phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp, chẳng hạn bướu cổ lớn gây khó thở và khó nuốt, hoặc toàn bộ tuyến giáp trong trường hợp nhân giáp được xác định là ung thư. Tùy vào trường hợp và chức năng tuyến giáp sau phẫu thuật, bác sĩ xem xét việc người bệnh có thể phải dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp hay không.
Cách phòng tránh bướu cổ
Các biện pháp phòng bệnh đưa ra nhằm hạn chế các trường hợp bướu cổ lành tính và phát hiện sớm các loại bướu cổ khác để nâng cao kết quả điều trị. Bao gồm các phương pháp sau:
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ iot cho cơ thể bằng cách ăn các thức ăn giàu iod như: cá biển, mắm tôm, nước mắm. Sử dụng muối iod là cách đơn giản dễ thực hiện để làm giảm nguy cơ thiếu iod.
- Đối với các đối tượng mắc các bệnh lý tuyến giáp, sau điều trị các bệnh lý tâm thần, mắc các bệnh tiêu hóa và bệnh thận mạn tính có nguy cơ cao mắc bệnh bướu cổ cần được khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
- Tránh các yếu tố nguy cơ: Giảm thiểu tiếp xúc với các yếu tố có thể gây ra bướu cổ như hóa chất, thuốc lá, và các chất phóng xạ. Đặc biệt, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phòng ngừa.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe và làm xét nghiệm hormon tuyến giáp để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Điều này giúp phát hiện và điều trị bướu cổ kịp thời.
- Khi có các dấu hiệu biểu hiện của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Kết luận
Bướu cổ là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp thích hợp. Việc hiểu rõ về bướu cổ, nguyên nhân gây bệnh, các phương pháp điều trị và cách phòng tránh không chỉ giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn có thể giúp đỡ những người xung quanh. Hãy luôn duy trì một chế độ ăn uống cân đối, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.