Phẫu thuật cắt bỏ bướu cổ: Khi nào cần thiết?
Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp. Phần lớn các loại bướu cổ lành tính và hầu như không phải phẫu thuật. Chỉ trong những trường hợp thật sự cần thiết mới có chỉ định phải dùng đến phương pháp mổ. Vậy phẫu thuật cắt bỏ bướu cổ: khi nào cần thiết? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây
Bướu cổ có nguy hiểm không?
Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp có biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.
Bướu cổ được chia làm ba nhóm là:
- Bướu cổ lành tính: Hay gặp nhất chiếm 80% các trường hợp. Bướu cổ lành tính là các trường hợp tuyến giáp tăng lên về kích thước mà không gây ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Do đó các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ thì có thể phẫu thuật cắt bướu.
- Ung thư
- Rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp
Bệnh bướu cổ có nguy hiểm không?
Đa phần bướu cổ không nguy hiểm. Với bướu cổ lành tính, nếu kích thước lớn có thể dẫn đến tổn thương thần kinh (liệt dây thần kinh phrenic, hội chứng Horner và liệt dây thần kinh thanh quản tái phát). Các tổn thương này sẽ chấm dứt sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Ngoài ra, tuyến giáp quá lớn chèn ép thực quản khiến người bệnh khó nuốt, khi ăn uống.
Với bướu cổ ác tính (ung thư tuyến giáp), ở giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh thường không rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện bướu cổ khi khám sức khỏe định kỳ qua siêu âm, chụp CT, MRI vùng cổ vì bệnh khác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bướu ác tính to lên nhanh chóng.
Ở giai đoạn trễ, khối u trở nên to và cứng, cố định trước cổ. Người bệnh bị khàn tiếng nặng, khó thở, khó nuốt, vùng da cổ sậm màu, thậm chí chảy máu. Siêu âm thấy rõ khối u tuyến giáp và phát hiện ung thư rõ ràng. Người bệnh ung thư tuyến giáp khi phát hiện không quá lo lắng vì có thể điều trị khỏi.
Với cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức do sản xuất nhiều hormone giáp hơn nhu cầu cơ thể và làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu. Khi bị cường giáp, người bệnh thường có triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp, ngất xỉu,… Cường giáp được chữa khỏi bằng thuốc, i-ốt phóng xạ, phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp này.
Khi nào cần cắt bỏ bướu cổ
Tùy thuộc vào loại bướu cổ mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị tương ứng, và không phải trường hợp bướu cổ nào cũng phải mổ.
- Đối với bướu cổ đơn thuần, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc sẽ có kết quả rất tốt. Bệnh nhân bướu cổ đơn thuần chỉ được chỉ định mổ khi chỉ định mổ khi kích thước bướu quá to, gây mất thẩm mỹ, chèn ép các cơ quan lân cận gây vướng víu, khó thở, khó nuốt.
- Đối trường hợp bướu giáp nhân, nếu nhân giáp là ác tính (ung thư tuyến giáp) thì buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Nếu nhân giáp lành tính kích thước nhỏ, bác sĩ có thể cho uống thuốc và theo dõi thường xuyên. Bướu giáp nhân lành tính kích thước lớn, gây chèn ép, khó thở, khó nuốt mới cần phẫu thuật. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, bướu giáp nhân lành tính kích thước dưới 4cm có thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp laser mà không cần phẫu thuật.
- Bệnh nhân suy giáp thường được chỉ định điều trị bằng thuốc hormon giáp và thường phải uống suốt đời. Chỉ cần uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ thì cơ thể sẽ trở lại bình thường.
- Với bướu cường giáp, điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng giáp tổng hợp, thuốc tim mạch, thời gian điều trị khoảng 12-18 tháng, thường cho kết quả rất tốt đối với bệnh cường giáp mà bướu giáp lan tỏa độ 1 hoặc tuyến giáp còn trong kích thước bình thường. Tuy nhiên, đối với bệnh cường giáp mà bướu giáp nhân hoặc tuyến giáp lớn độ 2, độ 3, sau khi điều trị nội khoa ổn định (lên cân, hết run tay, hết hồi hộp; tim đập bình thường, mạch hết nhanh) nên phối hợp với phẫu thuật sẽ cho kết quả điều trị tốt hơn.
Không nên phẫu thuật mổ bướu cổ trong các trường hợp:
– Bướu giáp thể lan tỏa điều trị nội khoa bảo tồn có kết quả tốt: bướu nhỏ đi, các dấu hiệu chức năng mất dần.
– Ung thư tuyến giáp ở giai đoạn cuối đã có di căn.
– Bệnh basedow điều trị nội khoa hoặc bằng chất iod đồng vị phóng xạ có kết quả tốt.
– Bệnh basedow trong giai đoạn chưa ổn định: mạch còn nhanh >90l/p, chuyển hóa cơ bản cao >+20%… Mổ ở giai đoạn này tỉ lệ tử vong rất cao do biến chứng cơn bão giáp trạng.
– Các loại bướu giáp sinh lý và viêm tuyến giáp trạng giả bướu loại Hashimoto hoặc Riedel.
Các biến chứng có thể xảy ra khi cắt bỏ bướu cổ
- Chảy máu vùng cổ có thể gây ra khó thở sau mổ, thường 24-48 giờ sau mổ.
- Thay đổi giọng nói, khàn tiếng tạm thời hay vĩnh viễn do tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản.
- Suy tuyến cận giáp có xuất hiện các triệu chứng của hạ canxi máu như: tê tay, tê chân sau mổ.
- Suy giáp vĩnh viễn, thường có triệu chứng mệt mỏi, ù lì, thiếu sức sống.
- Tụ dịch vết mổ thường xảy ra trễ hơn, có thể 5-7 ngày sau mổ.
- Nhiễm trùng vết mổ.
Người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà. Khi thấy bất cứ những biến chứng bất thường sau mổ bướu cổ cần tìm đến bác sĩ. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ có phương pháp xử trí kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.