Bướu cổ có thể di truyền không?
Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp. Trong đó bướu cổ lành tính là hay gặp nhất chiếm 80% các trường hợp. Vậy bướu cổ có thể di truyền không? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Bướu cổ là gì?
Tuyến giáp, một cơ quan có hình dạng cánh bướm nằm ở phía trước cổ, có chức năng sản xuất hormone để kiểm soát sự trao đổi chất. Cụ thể, hormone tuyến giáp như thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) giúp cơ thể sử dụng năng lượng, duy trì nhiệt độ, và đảm bảo các chức năng bình thường của não, tim, tiêu hóa, cơ và các cơ quan khác.
Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp có biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.
Bướu cổ được chia làm ba nhóm là:
- Bướu cổ lành tính: Hay gặp nhất chiếm 80% các trường hợp. Bướu cổ lành tính là các trường hợp tuyến giáp tăng lên về kích thước mà không gây ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Do đó các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ thì có thể phẫu thuật cắt bướu.
- Ung thư
- Rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp
Nguyên nhân gây ra bướu cổ
Hiện nay, thiếu iốt là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ trên toàn thế giới, nhưng còn nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:
Thiếu i-ốt
Tuyến giáp cần iốt để sản xuất hormone tuyến giáp. Nếu không có đủ iốt trong chế độ ăn uống, các tế bào tuyến giáp sẽ tăng sinh và phát triển để tạo ra đủ hormone giáp. Thiếu iốt là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh bướu cổ. Do đó, chế độ ăn uống cần được bổ sung iốt từ hải sản, sản phẩm từ sữa và sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm.
Bệnh Hashimoto
Đây cũng là một bệnh tự miễn, gây tình trạng viêm tuyến giáp. Một số người mắc bệnh Hashimoto có biểu hiện tuyến giáp phát triển to và kích thước khá lớn. Loại bướu này thường tự khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, một số trường hợp mắc bệnh Hashimoto cần điều trị bằng hormone tuyến giáp.
Bệnh Graves
Bệnh Graves là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp, khiến cho tuyến giáp phát triển lớn hơn. Bệnh Graves cũng gây ra tình trạng cường giáp và đòi hỏi phương pháp điều trị.
Mang thai
Gonadotropin là hormon nhau thai được sản xuất trong thai kỳ và có thể là nguyên nhân kích thích sự phát triển của tuyến giáp.
Viêm tuyến giáp
Những yếu tố như rối loạn tự miễn, nhiễm vi khuẩn/virus, hoặc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây viêm tuyến giáp. Viêm tuyến giáp thúc đẩy sự phát triển của tuyến giáp và có thể dẫn đến tình trạng cường giáp hoặc suy giáp.
Do thuốc
Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc (như lithium trị các bệnh về tâm thần) cũng có thể được coi là một nguyên nhân gây ra bướu cổ.
Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp thường gây ra biểu hiện tuyến giáp to nhưng không gây đau.
Đối tượng nguy cơ
Người có nguy cơ bị bướu cổ nếu rơi vào những trường hợp sau:
- Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, nhân giáp và các vấn đề khác ảnh hưởng đến tuyến giáp
- Không bổ sung đủ i-ốt trong chế độ ăn uống, thiếu i-ốt do các nguyên nhân khác
- Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ cao hơn nam giới
- Trên 40 tuổi. Lão hóa có thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của tuyến giáp
- Xạ trị vùng cổ hoặc ngực. Do bức xạ có thể làm thay đổi hoạt động của tuyến giáp.
- Béo phì
- Kháng insulin
- Hội chứng chuyển hóa
Bướu cổ có di truyền không
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng bệnh bướu cổ có di truyền. Tuy nhiên, nhiều ghi chép hay thống kê cho thấy bướu cổ có liên quan đến tính chất gia đình và địa phương sinh sống rất rõ do có chung yếu tố về nguồn nước, môi trường sống. Nếu trong gia đình bạn có người thân bị bướu cổ thì bạn hoàn toàn có thể bị bướu cổ, đặc biệt nếu bạn là nữ thì nguy cơ này lại càng cao hơn.
Bởi vậy, nếu 1 thành viên trong gia đình bạn được chẩn đoán bị bướu cổ thì tốt hơn hết bạn hay những người thân của bệnh nhân nên đi khám tuyến giáp để được tầm soát sớm và có thể can thiệp điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.