Bệnh cúm ở người cao tuổi và cách phòng ngừa
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus) bằng cách tấn công vào hệ hô hấp, bao gồm mũi, cổ họng và phổi với các biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Virus này có thể tồn tại trong không khí và xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta tiếp xúc với mắt, mũi, hoặc miệng bằng tay. Bệnh cúm lây lan nhanh và có thể gây thành dịch.
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm cúm đặc biệt nguy cơ cao với những người có sức đề kháng kém. Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) thường có hệ miễn dịch suy yếu và mắc nhiều bệnh lý nền, vì thế vào thời điểm thời tiết chuyển lạnh và mưa nhiều rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là cúm mùa.
Triệu chứng bệnh cúm ở người lớn tuổi
Ban đầu có thể gặp các triệu chứng thông thường như ở các đối tượng khác như:
- Sốt
- Ho
- Đau họng
- Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
- Đau đầu
- Đau thân mình
- Rét run
- Rất mệt mỏi
Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh cúm ở người trưởng thành bao gồm:
- Khó thở, hoặc thở nhanh nông.
- Đau hoặc cảm giác nặng ở ngực hoặc bụng kéo dài.
- Chóng mặt, choáng váng, lơ mơ khó đánh thức kéo dài.
- Co giật.
- Không đi tiểu.
- Đau cơ nghiêm trọng.
- Yếu cơ hoặc mất thăng bằng nghiêm trọng.
- Sốt hoặc ho đã cải thiện nhưng tái phát hoặc trở nặng hơn.
- Các bệnh lý mạn tính có thể trở nặng hơn.
Một số trường hợp có thể gặp nôn mửa và tiêu chảy. Đáng lo ngại là bệnh có thể chuyển biến xấu nhanh chóng ở người cao tuổi, gây biến chứng nặng như khó thở, đau tức ngực, mê man, thậm chí viêm phổi nặng và suy hô hấp cấp. Vì vậy nếu có bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc gây lo lắng, bạn nên đi khám sớm để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cúm ở người lớn tuổi
Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh cúm do một số yếu tố sau:
- Hệ miễn dịch yếu: Hệ miễn dịch giảm dần theo tuổi tác, làm cho người lớn tuổi dễ bị nhiễm virus cúm hơn.
- Bệnh lý nền: Các bệnh lý như tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, bệnh tim mạch, hay bệnh lý thận có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ bị cúm.
- Yếu tố môi trường: Người lớn tuổi thường có xu hướng sống cùng với những người khác, đặc biệt là trong các cộng đồng lớn hoặc các cơ sở chăm sóc dài hạn, nơi virus có thể dễ dàng lây lan.
- Khả năng chống lại cúm giảm đi: Dù đã tiêm vaccin, hiệu quả của vaccin có thể giảm xuống do hệ miễn dịch yếu.
- Khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe: Người lớn tuổi thường gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc sức khỏe và thường xuyên cần sự trợ giúp từ người khác, điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Phòng ngừa bệnh cúm ở người lớn tuổi
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vacxin cúm hàng năm. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên:
- Tránh những khu vực đông đúc: Cố gắng hạn chế việc đi đến những nơi có nhiều người để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus cúm.
- Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với người bệnh: Khi phải tiếp xúc với người khác, đặc biệt là những người có triệu chứng cúm, nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét.
- Rửa tay thường xuyên: Sử dụng xà phòng và nước sạch để rửa tay trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng gel rửa tay kháng khuẩn nếu không có nước.
- Giữ ấm cơ thể và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Đảm bảo cơ thể luôn ấm áp và cung cấp đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng.
- Tránh sử dụng các chất kích thích: Hạn chế hoặc ngừng sử dụng thuốc lá và rượu vì chúng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa: Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và các vật dụng cá nhân để giảm nguy cơ lây nhiễm virus cúm từ các bề mặt.
Người cao tuổi cần được chăm sóc đặc biệt khi bị cúm để giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, điều quan trọng là phải đi khám ngay để nhận được điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.