Bệnh mạch vành ở người lớn tuổi
Bệnh mạch vành ở người cao tuổi, bất cứ lúc nào cũng tiềm ẩn rủi ro hơn người trẻ tuổi, không chỉ là diễn tiến của bệnh mà ngay cả trong điều trị. Vì thế, những hiểu biết về bệnh và lưu ý trong chữa trị bệnh động mạch vành sẽ giúp làm giảm nhẹ sự nguy hiểm. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm về bệnh mạch vành ở người lớn tuổi, nguyên nhân gây bệnh. triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh mạch vành ở người lớn tuổi nhé.
Triệu chứng bệnh mạch vành ở người lớn tuổi
Các bệnh lý mạch vành xuất hiện nguyên nhân chủ yếu do sự tác động của các mảng xơ vữa, lượng máu về tim sẽ bị suy giảm và gây ra một loạt các triệu chứng bệnh mạch vành điển hình như:
- Đau thắt ngực, có cảm giác lồng ngực bị đè nén nặng nề, cơn đau có thể lan ra vai, lưng, cổ, hàm, cánh tay trái…
- Khó thở, thở nhanh và gấp
- Mệt mỏi
- Chóng mặt, choáng váng
Bệnh mạch vành ở người cao tuổi cũng không ngoại lệ, tuy nhiên, do quá trình lão hóa mà hệ thần kinh của họ mất đi độ nhạy bén, cùng với thể trạng cơ thể yếu ớt khiến cho khả năng cảm nhận những triệu chứng này bị thay đổi. Do đó các triệu chứng ở người bệnh mạch vành lớn tuổi thường không rõ rệt. Đôi khi, họ chỉ cảm nhận được những triệu chứng rất chung chung như cảm giác mệt mỏi, khó thở, đau nhói ở ngực… Những triệu chứng này thường chấm dứt khi người bệnh nghỉ ngơi nên dễ khiến người cao tuổi chủ quan bỏ qua. Điều này dẫn đến việc phát hiện bệnh mạch vành ở người cao tuổi trong giai đoạn đầu là khá khó khăn.
Đau ngực là biểu hiện của bệnh mạch vành
Nguyên nhân gây bệnh mạch vành ở người lớn tuổi
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh lý mạch vành là do mảng xơ vữa làm nghẽn lòng động mạch vành. Các yếu tố nguy cơ chính làm tăng xơ vữa động mạch gồm:
- Tình trạng cao huyết áp
- Bệnh đái tháo đường
- Rối loạn lipid máu
- Hút thuốc lá
Ngoài ra, những người có các yếu tố dưới đây dễ tăng nguy cơ bị bệnh động mạch vành:
- Tuổi cao: càng lớn tuổi càng tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm: trong gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh trước 55 tuổi; hoặc mẹ hay chị em gái bạn có bệnh này trước 65 tuổi.
- Thừa cân – béo phì: người có chỉ số BMI >23 sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch chuyển hóa, trong đó có bệnh mạch vành.
- Lối sống ít vận động: tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng, rối loạn mỡ máu), tăng nguy cơ bị bệnh.
- Thường xuyên stress: căng thẳng quá mức sẽ gây tổn hại cho động mạch,tăng quá trình viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp, nhiều muối và chất bột, đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ: nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột xảy ra khi ngưng thở lúc ngủ làm tăng huyết áp và gây stress trên hệ thống tim mạch, là yếu tố thuận lợi của bệnh lý mạch vành.
- Một số bệnh nội khoa như suy thận mạn, bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì,..), rối loạn lipid máu gia đình,… cũng làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Cách phòng ngừa bệnh mạch vành ở người lớn tuổi
Ngoài chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành. Với các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, việc từ bỏ, hạn chế hoặc khống chế tối đa chúng sẽ giúp phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Dưới đây là một số biện pháp giúp chúng ta chủ động ngăn ngừa bệnh mạch vành gồm:
- Duy trì cân nặng bình thường: những người thừa cân, béo phì cần kiểm soát chế độ ăn và thể dục để giảm cân lành mạnh về cân nặng tốt hơn.
- Kiểm soát lượng muối đưa vào cơ thể và hạn chế thực phẩm nhiều muối như: thực phẩm chế biến sẵn, dưa muối, cà muối,…
- Thường xuyên tập luyện thể thao: Thúc đẩy tăng lưu thông máu và tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Bỏ hút thuốc: Hóa chất độc hại trong khói thuốc sẽ phá hủy nhiều cơ quan nội tạng và mạch máu.
- Giữ tâm lý thoải mái: Tinh thần căng thẳng, mệt mỏi, áp lực tâm lý chính là yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh tim mạch, đặc biệt ở người lớn tuổi, béo phì hoặc mắc bệnh mạn tính khác.
- Hạn chế tối đa rượu bia và các chất kích thích.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe: để kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ gây ra bệnh mạch vành và biến chứng. Bác sĩ có sẽ đưa ra những lời khuyên điều trị tốt hơn dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh mạch vành
Kết luận
Bệnh mạch vành ở người lớn tuổi là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể quản lý và phòng ngừa được. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ để giữ gìn sức khỏe tim mạch. Chăm sóc bản thân không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là cách để chúng ta sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn cùng gia đình.