Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bí tiểu là gì? Những điều cần biết về bí tiểu
Đi tiểu là hình thức bài xuất chất thải ra khỏi cơ thể. Do đó, khi bị bí tiểu, người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới đời sống, công việc, thậm chí là đe dọa tính mạng. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về bí tiểu nhé.
Tổng quan chung
Bình thường cơ thể con người có thể đi tiểu một cách tự chủ, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động co bóp của bàng quang và giãn nở của cổ bàng quang. Bí tiểu là tình trạng bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không đi tiểu được hoặc đi tiểu nhưng bàng quang không rỗng hoàn toàn và người bệnh thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu.
Bí tiểu chủ yếu gặp ở người lớn, bao gồm cả nam và nữ, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn gấp 10 lần so với phụ nữ, nhất là nam giới trong độ tuổi từ 40 – 80 tuổi.
Bí tiểu được chia làm 2 loại, bao gồm:
- Bí tiểu mạn tính: bí tiểu diễn ra trong một thời gian dài. Người bệnh đi tiểu được nhưng bàng quang không hết nước tiểu. Bí tiểu mạn tính không có biểu hiện rõ ràng trong thời kỳ ban đầu, nhiều người bệnh không để ý sẽ không phát hiện tình trạng bất thường. Bí tiểu mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Bí tiểu cấp tính: tình trạng bí tiểu diễn ra đột ngột. Người bệnh muốn đi tiểu nhưng không thể đi được. Bí tiểu cấp tính gây tức bụng, đau bụng dưới. Người bệnh không được giải phóng nước tiểu kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng, cần đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Triệu chứng
Triệu chứng gặp phải ở bí tiểu cấp tính và mạn tính về cơ bản tương tự nhau, cụ thể là:
- Đau tức bụng dưới, vùng trước mu, bàng quang căng;
- Cảm thấy bứt rứt, khó chịu;
- Thường xuyên mắc tiểu, nhưng lại không tiểu được hoặc tiểu rất ít;
- Dòng chảy nước tiểu yếu ớt, vừa mới bắt đầu đã bị ngắt quãng, không thể đi tiếp được;
- Mất kiểm soát tiểu tiện, nước tiểu rò rỉ cả ngày;
- Cần đi tiểu gấp khi có cảm giác mắc tiểu, không có khả năng nhịn tiểu…
Nguyên nhân
Bàng quang co bóp không đủ mạnh
Quá trình đẩy nước tiểu ra ngoài sẽ được thực hiện như sau: Khi bàng quang có đủ lượng nước tiểu từ 300 – 400ml là xuất hiện cung phản xạ muốn đi tiểu. Khi có tác động nào đó ức chế sự phản xạ này không cho cơ vòng vân mở rộng. Ngược lại nếu muốn đi tiểu thì não thả lỏng cho cung phản xạ hoạt động và cơ vòng vân mở ra. Bàng quang khi đó sẽ co bóp và tống nước tiểu ra ngoài.
Trường hợp bàng quang không co bóp đủ mạnh sẽ xảy ra khi:
- Mất sự liên hệ với hệ thần kinh thực vật, đặc biệt là các chấn thương cột sống
- Thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính, mô đàn hồi bị thay thế bằng mô sợi làm bàng quang co bóp yếu
Các cơ vòng nhẵn không giãn nở
Hiện tượng các cơ vòng nhẵn không giãn nở khi gặp một số trường hợp sau đây:
- Mất liên lạc với hệ thần kinh thực vật hay gặp trường hợp chấn thương cột sống
- Cơ vòng bị xơ chai bẩm sinh hay do viêm mạn tính
- Cơ vòng bị biến dạng và chèn ép bởi u tiền liệt tuyến, bị bít kín do sỏi ở bàng quan.
Niệu đạo không thông suốt
Niệu đạo không thông suốt do các nguyên nhân như: Bị chít hẹp do viêm làm xơ hóa, bị bít lại do sỏi hoặc bị vỡ do các chấn thương.
Do một số bệnh viêm nhiễm trùng
Một số bệnh nam khoa, bệnh phụ khoa hoặc các bệnh viêm nhiễm gây bí tiểu như:
- Ở nam giới: viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu…
- Ở phụ nữ: Do viêm âm hộ, viêm âm đạo, u xơ tử cung, ung thư tử cung.
Do tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh
Một số loại thuốc trị bệnh làm giảm khả năng tống ép nước tiểu của bàng quang, từ đó tác động gây bí tiểu như:
- Thuốc kháng histamin.
- Thuốc giãn cơ.
- Một số thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc thần kinh hoặc thuốc giảm đau có chứa Opioid
Do một số bệnh khác
Một số bệnh làm ảnh hưởng đến dây thần kinh bàng quang và cơ thắt bàng quang có thể gây chứng bí tiểu như:
- Đột quỵ.
- Chấn thương sọ não.
- Chấn thương tủy sống.
- Bệnh tiểu đường.
- Do mang thai và sinh em bé (ở phụ nữ)…
Đối tượng nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bí tiểu cấp tính như:
- Nam giới lớn tuổi và sự gia tăng của u xơ tiền liệt tuyến lành tính.
- Nam giới lớn tuổi với tuyến tiền liệt to.
- Sỏi đường tiết niệu có thể tìm thấy ở thận, niệu quản hoặc trong bàng quang.
- Sự hiện diện của sa bàng quang ở nữ giới: sa bàng quang là tình trạng phồng lên của bàng quang đè lên âm đạo.
- Sự hiện diện của sa trực tràng ở nữ giới: sa trực tràng là tình trạng phồng lên của trực tràng đè lên âm đạo.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể gây ra tình trạng hẹp niệu đạo.
- Tiểu đường.
- Chấn thương tủy sống.
Chẩn đoán
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bí tiểu chỉ bằng cách thu thập bệnh sử chi tiết, gồm các triệu chứng và thực hiện khám thực thể bộ phận sinh dục và trực tràng.
Khi bác sĩ cần thêm thông tin, họ có thể sử dụng một trong các xét nghiệm hoặc thủ thuật sau đây:
- Mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu.
- Đo lượng nước tiểu còn sót lại sau khi đi tiểu (PVR).
- Soi bàng quang.
- Siêu âm và chụp CT.
- Xét nghiệm niệu động học.
- Điện cơ đồ.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng bệnh bí tiểu là:
- Tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn, chơi thể thao…
- Không nhịn tiểu quá lâu.
- Không nên ngồi lâu, đặc biệt là với những người có bệnh bàng quang mạn tính.
- Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, bệnh tiểu khung (nếu có).
Điều trị như thế nào?
- Thông tiểu: Ống thông tiểu cản được đặt để giải thoát nước tiểu ra khỏi bằng quang nếu không giải quyết ngay được nguyên nhân gây bí tiểu.
- Nong niệu đạo
- Thủ thuật này được sử dụng để nong rộng nơi hẹp niệu đạo, giúp lưu thông nước tiểu dễ dàng hơn.
- Loại ống được sử dụng thường có đường kính tăng dần hoặc loại ống có bóng được đưa vào niệu đạo, sau đó bơm cáng bong bóng dẫn.
- Nội soi bàng quang: Ống nội soi bàng quang mềm được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Bác sĩ có thể tìm và lấy sỏi hoặc các vật thể lạ ra khỏi bàng quang, cổ bàng quang hoặc niệu đạo.
- Thuốc: Một số loại thuốc cải thiện tình trạng bí tiểu có thể được sử dụng dưới sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
- Thay đổi thói quen: Bạn có thể kiểm soát bàng quang bằng cách kiểm soát lượng nước uống và thời gian uống trong ngày.
- Tập luyện các bài tập cơ vùng chậu: Áp dụng các bài tập và kỹ thuật phục hồi bàng quang.
- Phẫu thuật: Nếu thuốc và các biện pháp điều trị khác không hiệu quả, có thể tiến hành phẫu thuật. Ở nam giới, hầu hết các thủ thuật phẫu thuật được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ chuyên dụng qua niệu đạo và tiến hành phẫu thuật bằng tia laser hoặc các công cụ khác.
Tóm lại, cả bí tiểu cấp tính và mãn tính thường dễ chẩn đoán và có thể kết hợp các phương pháp điều trị để tránh các biến chứng lâu dài. Trong trường hợp không thể điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh có thể cản đặt ống thông tiểu cách quãng nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hoặc sinh hoạt hàng ngày.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.