Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bong gân cổ chân là gì? Những điều cần biết về bong gân cổ chân
Bong gân cổ chân xảy ra khi có sự giãn hoặc rách dây chằng do chấn thương. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại. Tình trạng này không hiếm gặp, nhất là ở những người phải làm việc nặng nhọc hay thường xuyên chơi thể thao.
Tổng quan chung
Bong gân cổ chân là tình trạng các dây chằng xung quanh khớp cổ chân bị căng giãn quá mức, có thể dẫn đến rách một phần hoặc rách toàn bộ dây chằng quanh cổ chân dưới các tác động gây chấn thương.
Bong gân khớp cổ chân có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với mức độ tổn thương từ nhẹ đến nặng khác nhau, tùy thuộc cường độ của tác nhân và mức độ tổn thương dây chằng.
Tình trạng bong gân cổ chân thường bị chúng ta xem nhẹ, không lường được hậu quả khi điều trị không đúng, không kịp thời.
Triệu chứng
Khi bị bong gân cổ chân, bạn có thể nhận thấy một số biểu hiện như:
- Bầm tím và sưng tại vị trí mắt cá chân, tùy vào mức độ bong gân mà có thể sưng đến mức nếu dùng ngón tay ấn vào sẽ để lại vết lõm tại vị trí đó.
- Sau khi bị bong gân, phần khớp cổ chân xuất hiện cơn đau nhói từ âm ỉ đến dữ dội, mức độ đau tăng dần khi phải di chuyển.
- Trường hợp chấn thương nặng, người bệnh có thể nghe thấy tiếng “rắc”, sau đó mất cơ năng cổ chân giống gãy xương.
Nguyên nhân
Sự vận động đặc biệt là xoay, và gập chân là nguyên nhân chính của bong gân cổ chân. Nguy cơ bị bong gân cổ chân lớn nhất trong các hoạt động liên quan đến chuyển động từ bên này sang bên kia, chẳng hạn như bóng đá, cầu lông, quần vợt hoặc bóng rổ. Bong gân cũng có thể xảy ra trong các hoạt động bình thường hàng ngày như bước trượt ra khỏi lề đường hoặc trượt trên bề mặt nhấp nhô. Điều này có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là tình trạng bất ổn cổ chân mãn tính, và tăng nguy cơ bong gân cổ chân.
Bàn chân bạn có thể bất ngờ căng ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Vận động trên các bề mặt gồ ghề;
- Bị té;
- Trong khi chơi thể thao, bạn có thể bị đạp lên chân khi đang chạy dẫn đến bàn chân bị vặn sang một bên.
Đối tượng nguy cơ
Bong gân là dạng chấn thương rất phổ biến ở mọi độ tuổi và có khả năng xảy ra khi bạn hoạt động với cường độ cao, chơi thể thao hoặc bị tai nạn.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây bong gân cổ chân bao gồm:
- Từng bị bong gân nghiêm trọng trong quá khứ;
- Yếu cơ;
- Chơi những môn thể thao thường phải xoay chân như cầu lông, bóng rổ, tennis, bóng bầu dục và bóng đá.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám cổ chân, bàn chân và các tổn thương đi kèm. Cổ chân cần được đánh giá bằng các nghiệm pháp khám như: nghiệm pháp vẹo trong, vẹo ngoài, ngăn kéo trước để đánh giá mức độ tổn thương. Đối với tình trạng chấn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh:
- Chụp X-quang: Nhằm loại trừ nguyên nhân gãy xương, đánh giá vị trí các xương vùng cổ chân.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nhằm tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của các cấu trúc phần mềm bên trong cổ chân, bao gồm các dây chằng.
- Siêu âm: Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng tổn thương dây chằng cổ chân.
- Chụp CT: Có thế thấy được hình ảnh chi tiết về xương và khớp trong cổ chân.
Phòng ngừa bệnh
Tình trạng bong gân ở cổ chân có thể được phòng ngừa hiệu quả thông qua một số biện pháp như:
- Khởi động trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao.
- Cẩn thận khi chạy bộ, đi bộ hoặc vận động trên các bề mặt không bằng phẳng.
- Sử dụng nẹp hoặc băng để hỗ trợ vùng cổ chân nếu từng bị thương trước đó
- Mang giày vừa vặn với chân và phù hợp với từng hoạt động (đá bóng, đi bộ, chạy bộ…).
- Hạn chế đi giày cao gót.
- Tăng cường luyện tập để duy trì sức mạnh và tính linh hoạt của cơ bắp.
Điều trị như thế nào?
Để chữa chân bị bong gân, bạn cần được sơ cứu tại chỗ trước khi đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ. Bạn nên:
- Chườm đá ngay lập tức do chân sẽ bị sưng nhanh chóng. Không được chườm nóng trong 72 tiếng sau khi bị thương do sẽ khiến sưng nhiều hơn.
- Nghỉ ngơi cổ chân, dùng nạng khi đi lại.
- Hạn chế tối đa việc đi lại.
- Bó ép hoặc dùng thanh nẹp cổ chân lại.
- Nâng cổ chân lên cao.
- Liệu pháp vật lý trị liệu có thể làm khỏe cơ, giúp hồi phục và giúp tránh bị chấn thương nhiều hơn.
- Dùng thuốc kháng viêm không kê toa (ibuprofen) để làm bớt sưng và giảm đau.
Tuy bong gân cổ chân có thể chữa tại nhà song một số trường hợp bong gân nghiêm trọng cần phải phẫu thuật và trị liệu vật lý.