Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bỏng nắng là gì? Những điều cần biết về bỏng nắng
Nếu da tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, có thể gây ra tình trạng bỏng nắng. Để hỗ trợ quá trình lành và làm dịu da, điều quan trọng là ngay khi phát hiện bỏng nắng, bạn nên tránh tiếp xúc tiếp với ánh nắng mặt trời. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bỏng nắng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bỏng nắng là hiện tượng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nhất là mùa nắng nóng gây tổn thương bề mặt da dẫn đến da bị bỏng và trở nên bong tróc. Bỏng nắng thường là bỏng cấp độ một (mức độ nhẹ nhất) và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, tuy vậy, bỏng nắng khiến người bệnh cảm thấy đau rát, khó chịu ở vết bỏng, do đó, nên được xử trí sớm.
Triệu chứng
Dấu hiệu và triệu chứng của bỏng nắng thay đổi theo từng loại da và thời gian tiếp xúc tia UV. Tiếp xúc ánh sáng mặt trời vào giữa trưa trong 15 phút gây bỏng nắng ở người da trắng, trong khi người da sậm màu có thể dung nạp được nếu tiếp xúc trong vài giờ. Dấu hiệu và triệu chứng thường xảy ra sau 2 – 6 giờ tiếp xúc và đạt đỉnh sau 12 – 24 giờ với các biểu hiện gồm:
- Đỏ da
- Phù nề
- Đau và kích ứng da
- Da cảm thấy nóng khi sờ, đau
- Xuất hiện mụn nước, bóng nước, sốt và ớn lạnh trong trường hợp nặng
- Trường hợp rất nặng sẽ dẫn đến bỏng độ 2, mất nước, rối loạn điện giải, bội nhiễm, sốc hay có thể gây tử vong.
Nguyên nhân
Phổ ánh nắng mặt trời được chia thành các nhóm chính dựa vào bước sóng là tia cực tím (<400nm), ánh sáng khả kiến (400–760nm) và hồng ngoại (>760nm). Tia cực tím (ultraviolet, UV) gồm có ba phổ chính là UVA (320–400nm), UVB (290–320nm) và UVC (<290nm). Trong đó, UVB là nguyên nhân chính gây bỏng nắng.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có thể bị bỏng nắng, tuy nhiên, những trường hợp dưới đây có nguy cơ bỏng nắng cao hơn:
- Sinh sống ở khu vực có thời tiết nắng nóng (gần xích đạo, vùng đồi núi cao,…)
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều
- Người có màu da càng sáng thì nguy cơ bỏng nắng càng cao, tức là người có loại da tuýp I sẽ dễ bị bỏng nắng hơn người có loại da tuýp VI
- Người có thói quen ra ngoài lúc trời nắng nhưng lại không mặc áo khoác, đeo mắt kính, khẩu trang, găng tay, vớ tất,…
Chẩn đoán
Bỏng nắng sẽ từ từ lành lại theo thời gian. Khi bệnh nhân có các triệu chứng mất nước như vết thương ngứa rát da, nổi mụn nước, sốt, thậm chí lú lẫn, hầu như không đi tiểu được, mắt trũng sâu, da chùng và nhăn nheo, cực kỳ khô lưỡi. Hãy chắc chắn đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng chống những tác hại khôn lường từ tia UV, người dân cần chủ động các biện pháp để bảo vệ cơ thể như:
- Chủ động cập nhật dự báo thời tiết
- Hạn chế ra nắng giờ cao điểm
- Khi ra nắng cần đảm bảo các biện pháp chống nắng: sử dụng kem chống nắng (lựa chọn loại kem chống nắng có quang phổ rộng (broad spectrum) đủ khả năng chống lại tia UVB (SPF), UVA (PA)
- Nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ đồng hồ giờ hoặc sau khi bạn tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da, kính mắt có tác dụng chống tia UV, đội mũ, quần áo chống nắng,…
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Cần thường xuyên tắm rửa, luôn đảm bảo cho làn da khô thoáng và sạch sẽ, gội rửa hết bụi bẩn trên da, nhất là sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc sau khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Dù vậy, không nên quá lạm dụng việc tắm rửa.
- Uống đủ nước, ăn rau củ quả tươi, nước ép trái cây giàu Vitamin.
- Khi có dấu hiệu mắc các bệnh da liễu, hãy đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị bỏng nắng bạn có thể áp dụng các cách sau:
- Thường xuyên tắm nước mát hoặc tắm vòi sen để giúp giảm đau. Sau khi tắm xong, hãy nhẹ nhàng lau khô người nhưng để lại một ít nước trên da.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa lô hội hoặc đậu nành để giúp làm dịu làn da bị cháy nắng. Không điều trị cháy nắng bằng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
- Cân nhắc dùng thuốc giảm đau nếu da tấy đỏ và khó chịu.
- Bổ sung thêm nhiều nước vì vết cháy nắng thường khiến da mất nước.
- Nếu da bạn bị phồng rộp nhiều có thể da bị cháy nắng cấp độ hai. Bạn không nên nặn hoặc chích mụn nước vì khả năng nhiễm trùng cao. Nên đến khám khi mụn nước xuất hiện nhiều.
- Hãy cẩn thận hơn để bảo vệ làn da bị cháy nắng trong khi nó lành lại. Mặc áo chống nắng, sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài.
Trên đây là những chia sẻ về bỏng nắng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.