Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chậm phát triển tâm thần là gì? Những điều cần biết về chậm phát triển tâm thần
Chậm phát triển tâm thần là một khuyết tật phát triển trí não, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tư duy, học tập và hành vi của trẻ. Đây không phải là một căn bệnh cụ thể, mà là một tình trạng khiếm khuyết khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày. Những trẻ bị chậm phát triển tâm thần thường hạn chế trong các kỹ năng giao tiếp, vận động, và xã hội. Hiểu rõ về chậm phát triển tâm thần giúp cha mẹ và cộng đồng có cách tiếp cận và hỗ trợ phù hợp, giúp trẻ phát triển kỹ năng cần thiết và hòa nhập xã hội.
Tổng quan chung
Chậm phát triển tâm thần là một dạng khuyết tật ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ, thường được phát hiện khi trẻ có chỉ số IQ dưới 70 và gặp khó khăn trong việc học tập và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Trẻ chậm phát triển tâm thần thường gặp nhiều khó khăn trong các kỹ năng vận động, giao tiếp, và kỹ năng xã hội. Việc chẩn đoán và can thiệp sớm là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển tốt hơn và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trẻ chậm phát triển tâm thần là một khiếm khuyết rủi ro ngoài ý muốn và đi kèm với chậm phát triển trí tuệ. Do đó, trẻ cần nhận được sự cảm thông, tình thương và tôn trọng của gia đình và cộng đồng. Trẻ cần nhận được sự đảm bảo về mặt y tế, giáo dục, xã hội như những trẻ bình thường khác. Nếu được hỗ trợ giáo dục, hướng dẫn phù hợp thì trẻ sẽ phát triển được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và giảm bớt được gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Triệu chứng
Chậm phát triển tâm thần tác động trực tiếp làm suy giảm nhận thức ở: ngôn ngữ, học tập, kỹ năng xã hội,… Các dấu hiệu cũng vì thế mà biểu lộ qua hành vi, cách tư duy, lời nói,..
Khả năng tư duy học tập
- Học kém, chậm tiếp thu, kỹ năng tập trung kém
- Gặp khó khăn với những vấn đề liên quan đến logic, tư duy
- Không có khả năng giải quyết vấn đề dù là chuyện nhỏ
- Không có khả năng lập kế hoạch, lên kế hoạch cho bản thân
Trẻ chậm phát triển không có khả năng giải quyết vấn đề dù là chuyện nhỏ
Hành vi thích ứng
- Khó khăn khi tập đi vệ sinh, hoặc tự vệ sinh cá nhân
- Không sợ hãi khi nhìn thấy người lạ
- Tư duy kém về tiền bạc, về thời gian
- Gặp khó khăn khi học cách tự làm việc nhà đơn giản: nấu cơm, quét nhà,…
- Không hiểu, không nhận biết được các mối quan hệ gia đình, bạn bè
Các bệnh có thể mắc đồng thời
Các rối loạn từ sự phát triển thần kinh cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Do vậy, những người chậm phát triển tâm thần cũng có nguy cơ mắc thêm các bệnh lý tâm thần kinh như:
- Rối loạn lo âu
- Trầm cảm
- Rối loạn kiểm soát xung lực
- Rối loạn phổ tự kỷ
- Rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD)
Người bệnh cần tham gia khám và điều trị cùng bác sĩ chuyên khoa để phát hiện ra các dạng bệnh hỗn hợp này.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân gây ra bệnh chậm phát triển tâm thần bao gồm:
- Bệnh di truyền: bao gồm những bệnh như hội chứng Down và hội chứng suy yếu nhiễm sắc thể X;
- Các vấn đề xảy ra trong quá trình mang thai: những vấn đề có thể gây trở ngại cho sự phát triển não bộ của thai nhi bao gồm sử dụng rượu hoặc ma túy, suy dinh dưỡng bào thai, một số nhiễm trùng hoặc tiền sản giật;
- Các vấn đề xảy ra trong khi sinh: khuyết tật trí tuệ có thể xảy ra nếu bé bị thiếu oxy trong khi sinh hoặc sinh cực non;
- Bệnh tật hoặc chấn thương: các nhiễm trùng như viêm màng não, ho gà hoặc bệnh sởi có thể dẫn đến khuyết tật trí tuệ. Chấn thương nặng ở đầu, suýt chết đuối, suy dinh dưỡng cực nặng, nhiễm trùng trong não, tiếp xúc hoặc lạm dụng các chất độc hại như chì cũng có thể gây ra bệnh;
- Nguyên nhân khác: trong 2/3 trẻ bị khuyết tật trí tuệ, các nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được rõ ràng.
Đối tượng nguy cơ
Chậm phát triển tâm thần có thể ảnh hưởng đến bất kì ai trong mọi lứa tuổi.
Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chậm phát triển tâm thần, chẳng hạn như:
- Có người cùng huyết thống, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột, mắc bệnh tâm thần
- Căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như vấn đề tài chính, mất người thân hoặc ly dị
- Bệnh mạn tính, chẳng hạn như tiểu đường
- Tổn thương não do chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như cú đánh mạnh vào đầu
- Trải qua chấn thương, chẳng hạn như chiến đấu trong quân đội hoặc bị tấn công
- Sử dụng rượu hoặc chất kích thích
- Bị lạm dụng hoặc bỏ rơi khi còn nhỏ
- Có ít bạn hoặc các mối quan hệ không tốt
- Từng mắc bệnh tâm thần.
Chẩn đoán
Tiêu chí chẩn đoán bệnh
Một người được đánh giá là chậm phát triển tâm thần, khi có các tiêu chí như sau:
- IQ dưới ngưỡng 70.
- Có các hạn chế trong các hành vi thích ứng: về nhận thức, về kỹ năng xã hội và các kỹ năng cần thiết để sống, hòa nhập cộng đồng.
- Có các biểu hiện bất thường kể trên xảy ra trước 22 tuổi.
Để đi tới kết luận, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá trên nhiều phương diện: điều tra bệnh sử, đánh giá hành vi, thực hiện test trắc nghiệm,… Chúng đều có tác dụng hỗ trợ đưa ra phán đoán đúng cho kết quả chẩn đoán.
Sau đó, bác sĩ sẽ phân loại các mức độ nghiêm trọng của bệnh theo độ tuổi tâm thần của người bệnh.
- Mức độ nhẹ: tuổi tâm thần từ 9 – 12 tuổi. Đây là mức độ nhẹ nhất trong các dạng chậm phát triển tâm thần. Ở phân loại này, người bệnh có thể làm việc và tự lập (làm các công việc đơn giản).
- Mức trung bình: với độ tuổi 6 – 9 tuổi. Đặc trưng với các đặc điểm như: giao tiếp đơn giản, học được tới trình độ tiểu học, có thể sống độc lập dù vẫn cần sự hỗ trợ từ người thân.
- Mức nặng: với độ tuổi tâm thần từ 3 – 6 tuổi, trẻ chỉ sử dụng được các từ đơn, kết hợp cùng với các cử chỉ đơn giản khi giao tiếp. Người bệnh cần được hỗ trợ chăm sóc hàng ngày.
- Mức nghiêm trọng người bệnh có độ tuổi tâm thần từ 3 đổ xuống. Người bệnh có nhận thức giống một đứa trẻ 3 tuổi nên cần được chăm sóc mọi lúc.
Cách thức chẩn đoán
Người bệnh cần thực hiện nhiều chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Điều này sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sau bước khám lâm sàng.
- Xét nghiệm máu, nước tiểu: xác định nguyên nhân khởi phát bệnh.
- Tư vấn về di truyền: giúp ngăn ngừa hoặc hạn chế các biến chứng có liên quan đến tình trạng tiềm ẩn này.
- Xét nghiệm hình ảnh: theo dõi cấu trúc não bộ nhằm xác định các chi tiết quan trọng như rối loạn não.
- Quan sát hành vi: theo dõi các dấu hiệu bất thường từ hành động để phán đoán.
- Test trắc nghiệm hành vi: giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng của người bệnh, làm rõ kết quả chẩn đoán bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa chậm phát triển tâm thần các bà mẹ cần lưu ý:
- Tầm soát ngay sau sinh những dấu hiệu bất thường
- Tiêm chủng đầy đủ theo lịch, tiêm phòng rubella trước khi có thai
- Xử lý môi trường trong sạch và lấy các chất kim loại nặng như chì, thủy ngân ra khỏi môi trường sống để giảm tổn thương của não trẻ
- Đội mũ bảo hiểm phòng ngừa các chấn thương sọ não
Bổ sung axit folic cho mẹ để giảm nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh.
Điều trị như thế nào?
Trẻ bị chậm phát triển sẽ được học tập trong chương trình giáo dục và huấn luyện đặc biệt. Nội dung học của trẻ tại trường chuyên biệt tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các kỹ năng:
- Giao tiếp
- Tự chăm sóc như tự tắm rửa, ăn uống, thay quần áo, đánh răng, đi vệ sinh,…
- Học hiểu các kiến thức tổng quát về sức khỏe và an toàn cá nhân căn bản;
- Giúp các công việc ở nhà như quét nhà, rửa chén bát, sắp bàn
- Tập giao tiếp xã hội, học hiểu các quy luật ứng xử thông thường
- Học đọc, viết và làm các phép tính đơn giản
- Khi trẻ trưởng thành sẽ được học các nghề nghiệp đơn giản và tạo việc làm ổn định cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cần dành nhiều thời gian gần gũi, giúp đỡ con trong các sinh hoạt hàng ngày. Để đạt được kết quả tốt cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở y tế, trường học và gia đình nhằm đưa đến cho trẻ sự chăm sóc tối ưu trong nhiều lĩnh vực.
Kết luận
Chậm phát triển tâm thần là một tình trạng khuyết tật ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Việc nhận thức và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bằng cách hiểu rõ về chậm phát triển tâm thần và các biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể giúp trẻ phát triển tốt hơn và hòa nhập cộng đồng. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe tinh thần của trẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.