Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chứng mất ngôn ngữ – Aphasia là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
Aphasia là hội chứng bất lực ngôn ngữ (nói cách khác là mất ngôn ngữ, hay đứt mạch tư duy). Vậy chúng ta cùng tham khảo chứng mất ngôn ngữ dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Chứng mất ngôn ngữ là gì?
Chứng mất ngôn ngữ (tiếng Anh: Aphasia) hay còn gọi là vong ngôn, thất ngôn là tình trạng suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng tạo và hiểu ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp.
- Chứng mất ngôn ngữ là một dạng của rối loạn ngôn ngữ có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Hội chứng này có nguyên nhân từ những tổn thương thực thể ở não bộ chứ không liên quan tới sự thiếu hụt chức năng trí tuệ, tâm lý hay tri giác. Đây cũng không phải là hội chứng gây ra bởi sự suy yếu cơ bắp hay ảnh hưởng từ sự rối loạn nhận thức.
- Chứng Aphasia ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống, người mắc chứng này gặp nhiều cản trở trong quá trình giao tiếp, tính toán, viết. Các trường hợp mắc hội chứng này đều phải tham gia điều trị. Chỉ một số trường hợp rất nhỏ có thể tự hồi phục mà không cần điều trị.
- Chứng mất ngôn ngữ cũng có thể đi kèm với các vấn đề rối loạn ngôn ngữ khác như: loạn vận ngôn (dysarthria) hay mất phối hợp động tác (apraxia).
Triệu chứng
Các triệu chứng của chứng mất ngôn ngữ được các bác sĩ thần kinh giàu kinh nghiệm xác định và đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau. Qua đó, các triệu chứng này sẽ giúp xác định vị trí và nguyên nhân gây tổn thương và thường đi kèm với các triệu chứng của đột quỵ, nhồi máu não.
Thông thường, các triệu chứng của chứng mất ngôn ngữ sẽ được tiếp cận theo các phân loại rối loạn ngôn ngữ trên ba khả năng hiểu, lưu loát và lặp lại. Có các hội chứng rối loạn ngôn ngữ sau:
- Rối loạn ngôn ngữ Broca: Các dấu hiệu hiểu tốt, nhưng lưu loát và lặp lại giảm. Thường đi kèm với tình trạng yếu và mất cảm giác ở nửa bên phải cơ thể.
- Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ não: Vẫn hiểu và lặp lại tốt, nhưng không diễn đạt ngôn ngữ trôi chảy. Biểu hiện điển hình là bệnh nhân thay đổi cách phát âm và giọng điệu nói trở nên bối rối.
- Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ não: Lời nói vẫn lưu loát, lặp lại tốt nhưng khả năng hiểu giảm. Cụ thể, bệnh nhân vẫn có thể nói những câu dài, rõ ràng, đúng ngữ pháp và trôi chảy, không phù hợp với câu hỏi.
- Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ não hỗn hợp: Bệnh nhân vừa giảm khả năng lưu loát, vừa giảm khả năng hiểu, trong khi khả năng lặp lại vẫn tốt. Cụ thể, bệnh nhân chỉ có thể nói một cách tự phát, những câu ngắn có xu hướng lặp lại giống nhau khi được hỏi.
- Rối loạn ngôn ngữ Wernicke: Bệnh nhân vẫn diễn đạt trôi chảy bằng lời nói với những câu dài, trôi chảy, đúng ngữ pháp; Phát âm và nhịp điệu nói bình thường. Tuy nhiên, khả năng lắng nghe, hiểu và thực hiện đúng yêu cầu hoặc trả lời đúng câu hỏi lại kém.
- Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền: Chỉ gây ra tình trạng lặp lại bị suy giảm trong khi khả năng hiểu và trôi chảy vẫn tốt. Theo đó, bệnh nhân vẫn trả lời đúng các câu hỏi bằng những câu dài, trôi chảy. Tuy nhiên, khi yêu cầu bệnh nhân nhắc lại một câu hoặc kể lại câu chuyện, đọc to các từ, các từ trở nên lẫn lộn và có hiện tượng thay thế từ.
- Rối loạn ngôn ngữ tổng quát: Là loại rối loạn ngôn ngữ nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân bị mất nghiêm trọng tất cả các chức năng nói, bao gồm chức năng ngôn ngữ vận động và cảm giác.
Nguyên nhân
Chủ yếu những nguyên nhân của chứng bệnh này đến từ các tổn thương tại não.
- Hiện tượng phổ biến nhất là tai biến mạch máu não – di chứng hậu đột quỵ. Quá trình lưu thông bình thường của máu trong não bất ngờ bị phá vỡ, có thể xảy ra theo hai cách: mạch máu bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc mạch máu bị vỡ (xuất huyết não). Sự gián đoạn này khiến não bộ mất máu, dẫn đến các tế bào hoại tử hoặc tổn thương ở những vùng kiểm soát ngôn ngữ.
- Các chấn thương nặng ở đầu, khối u, nhiễm trùng hoặc quá trình thoái hóa có thể gây ra chứng mất ngôn ngữ tiến triển. Đây là thuật ngữ chỉ tình trạng khả năng ngôn ngữ diễn biến xấu dần đi. Do các tế bào não tổn thương nằm trong mạng lưới ngôn ngữ nên bệnh nhân dần đánh mất khả năng viết và nói. Đôi khi chứng bệnh này sẽ tiến triển thành chứng sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ).
- Ở một số trường hợp, có thể xảy ra giai đoạn thất ngôn tạm thời. Đây có thể là do chứng đau nửa đầu, động kinh hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). TIA xảy ra khi động mạch cấp máu cho vùng não bị nghẽn lại trong một thời gian ngắn. Những người từng bị TIA có nguy cơ đột quỵ cao hơn trong tương lai gần.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng bị bệnh đa số ở độ tuổi trung niên trở lên, nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, kể cả trẻ nhỏ.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác chứng mất ngôn ngữ, bác sĩ tiến hành thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng qua các hoạt động như:
- Kiểm tra khả năng nói – nghe hiểu – đọc – viết.
- Kiểm tra khả năng lặp lại từ, cụm từ.
- Giải câu đố.
- Kiểm tra khả năng gọi tên đồ vật, diễn tả từ ngữ.
Thực hiện cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh học: chụp cộng hưởng từ MRI, cắt lớp vi tính, đo điện não đồ, chụp X-quang…
Phòng ngừa bệnh
Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Điều trị như thế nào?
Trong trường hợp bệnh nhân có khả năng tự phục hồi, sau một thời gian thử nghiệm, chứng mất ngôn ngữ tiến triển sẽ tự động biến mất, chỉ cần sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè trong việc luyện nói, cũng như rèn luyện trí nhớ cho bệnh nhân mà không cần các phương pháp điều trị khác.
Trong một số trường hợp nặng hơn, cần sử dụng liệu pháp ngôn ngữ cho bệnh nhân. Ngoài ra, người thân cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ liệu pháp ngôn ngữ cho những bệnh nhân này. Một số điều mà người thân của bệnh nhân cần lưu ý như sau:
- Dành thời gian chăm sóc, trò chuyện và tương tác với bệnh nhân.
- Khi nói chuyện với bệnh nhân, nên sử dụng nhiều cử chỉ và hành động hơn.
- Sử dụng câu ngắn và từ ngữ đơn giản mà bệnh nhân dễ hiểu.
- Kiên nhẫn khi trò chuyện với bệnh nhân, không chuyển sang các yêu cầu hoặc câu chuyện khác cho đến khi bệnh nhân đã trả lời các câu hỏi trước đó.
- Không ngắt lời những gì bệnh nhân đang cố nói.
- Không để bệnh nhân một mình khi nói chuyện với nhiều người.
- Không hét vào tai bệnh nhân.
- Người thân cần chú ý và kiên nhẫn hơn với bệnh nhân để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
Mất ngôn ngữ tiến triển là một căn bệnh thường xảy ra do một số tổn thương não, làm suy yếu khả năng nói và viết của bệnh nhân. Việc điều trị mất ngôn ngữ tiến triển rất phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhân viên y tế, gia đình và bệnh nhân để giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về chứng mất ngôn ngữ.