Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau bụng kinh là gì? Những điều cần biết về đau bụng kinh
Đau bụng kinh còn gọi là thống kinh, là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng xuất hiện những cơn đau co thắt, cơn đau quặn ở vùng bụng dưới, thường xuất hiện trước và trong thời gian hành kinh do sự co bóp của tử cung. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về đau bụng kinh.
Tổng quan chung về đau bụng kinh
Đau bụng kinh (hay thống kinh) là triệu chứng rất phổ biến, liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Hầu hết mọi phụ nữ đều đã từng trải qua đau bụng kinh một vài lần trong đời. Tình trạng này thường gây đau kiểu co thắt vùng bụng dưới, cơn đau có thể lan ra sau lưng và xuống hai đùi.
Đau bụng kinh là những cơn đau, cơn co thắt có lúc rất mạnh, nhưng thông thường sẽ là cảm giác đau âm ỉ một chút ở bụng. Những cơn đau bụng kinh có thể sẽ khác nhau giữa những đợt hành kinh. Vì đôi khi có những chu kỳ bạn không cảm thấy đau, song lại có những chu kỳ thì lại đau cả ngực, cả lưng dưới và bụng dưới.
Đau bụng kinh nguyên phát xảy ra do sự co bóp của tử cung. Các cơn co nhỏ, vị trí đau dọc từ trên xuống dưới tử cung, tuy nhiên các cơn co thắt tử cung này thường khá yếu và khó có thể cảm nhận rõ ràng được. Những cơn đau thường bắt đầu trước 1–2 ngày hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt và thường kéo dài trong 12 – 72 giờ.
Triệu chứng đau bụng kinh
Thông thường, các triệu chứng thường thấy của cơn đau bụng kinh là:
- Đau trằn trọc, đau quặn ở vùng bụng dưới, có lúc rất đau.
- Cơn đau thường xuất hiện trước khi có kinh 1 – 3 ngày.
- Khoảng thời gian cơn đau dữ dội nhất là 24 giờ trước khi hành kinh.
- Cơn đau bụng kinh hay đau bụng tới tháng có thể lan ra vùng lưng dưới, bụng dưới và dưới đùi.
Bên cạnh các dấu hiệu và triệu chứng đau bụng kinh ở trên, một số phụ nữ đôi khi gặp thêm những hiện tượng khác trong kỳ kinh như: buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, đầy hơi, chướng bụng, táo bón và tăng cảm giác mệt mỏi.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Bình thường, trứng sẽ rụng theo tính chất đều đặn hàng tháng. Trường hợp tinh trùng gặp trứng và thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng để đến tử cung làm tổ và phát triển thành thai nhi. Nếu tinh trùng không gặp trứng và quá trình thụ tinh không xảy ra, tử cung sẽ co bóp để đẩy lớp niêm mạc và trứng ra khỏi cơ thể, được gọi là kinh nguyệt.
Khi thành tử cung co lại, mạch máu ở niêm mạc tử cung sẽ bị chèn ép, dẫn đến các mô trong tử cung bị thiếu oxy nên phóng ra các chất gây co thắt tử cung mạnh hơn khiến chị em cảm thấy đau hơn.
Bên cạnh đó, vào những ngày đầu hành kinh, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất một chất trung gian hóa học khác có tên là prostaglandin. Chất này khiến cơ tử cung co bóp nhiều hơn với lực mạnh hơn, dẫn đến làm tăng mức độ đau trong khoảng thời gian này.
Đối tượng nguy cơ
Việc mắc một số bệnh lý có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau bụng kinh, gồm:
- U xơ tử cung;
- Lạc nội mạc tử cung;
- Bệnh tuyến tử cung;
- Hẹp cổ tử cung;
- Viêm vùng chậu.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đau bụng kinh, bao gồm:
- Hút thuốc lá;
- Phụ nữ đang giảm cân;
- Béo phì;
- Trầm cảm, lo âu;
- Dậy thì sớm;
- Phụ nữ chưa có con;
- Tiền căn gia đình rối loạn kinh nguyệt.
Chẩn đoán
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa, khai thác thông tin bệnh sử bản thân, tiền sử gia đình để phát hiện các yếu tố nguy cơ. Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh sản nếu có.
Trong trường hợp nghi ngờ đau bụng kinh thứ phát có liên quan đến bệnh lý, bác sĩ sẽ yêu cầu chị em tham gia một số kiểm tra cần thiết, có thể là:
- Siêu âm: để xem hình ảnh tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.
- Chụp CT, MRI hoặc kết hợp CT và X-quang tùy từng trường hợp cụ thể.
- Nội soi ổ bụng: phát hiện tình trạng u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng hoặc mang thai ngoài tử cung.
Phòng ngừa đau bụng kinh
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, các bài tập thể dục nhịp điệu, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội, giúp tạo ra các chất hóa học ngăn chặn cơn đau.
- Chườm nóng: Tắm nước ấm hoặc đặt một miếng đệm nóng hoặc chai nước ấm lên bụng của bạn có thể giúp làm dịu cơn đau
- Giấc ngủ: Ngủ đủ giấc trước và trong kỳ kinh nguyệt là điều quan trọng. Nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp làm giảm cơn đau.
- Thư giãn: Ngồi thiền hoặc tập yoga cũng có thể giúp bạn đối phó với cơn đau.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Điều trị đau bụng kinh như thế nào?
Để giảm thiểu cơn đau bụng kinh, chị em có thể áp dụng các giải pháp sau:
- Sử dụng túi chườm ấm đặt lên vùng bụng dưới.
- Tắm bằng nước ấm.
- Tập các bài tập thư giãn, giải tỏa tâm lý như thiền, yoga…
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất kích thích vì có thể làm tăng cơn đau.
- Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý cũng là cách giảm thiểu sự khó chịu của đau bụng kinh.
- Sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh. Tuy nhiên, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách, tuyệt đối không lạm dụng thuốc.
Hi vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về đau bụng kinh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.