Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau cổ là gì? Những điều cần biết về đau cổ
Đau cổ là tình trạng rất phổ biến trong đời sống hằng ngày. Trung bình một người sẽ phải trải qua tình trạng đau cổ ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng mang lại nhiều ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.
Tổng quan chung
Đau cổ khá phổ biến, ảnh hưởng đến 10% đến 20% người lớn. Thông thường, phụ nữ dễ gặp phải tình trạng này hơn nam giới và khi bạn già đi, nguy cơ sái cổ của bạn cũng tăng lên.
Đau cổ được phân thành 2 loại:
- Đau cổ cấp tính
- Đau cổ mạn tính.
Đau cổ (sái cổ) thường không để lại biến chứng, nhưng nếu kéo dài sẽ khiến bạn gặp thêm nhiều vấn đề khác khó chịu hơn, chẳng hạn như đau đầu, mất ngủ. Thông thường, các vấn đề về cơ – xương – khớp vùng cổ là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Hầu hết các trường hợp đều xuất hiện tạm thời nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng này có thể tiến triển thành mạn tính.
Triệu chứng đau cổ
Đau cổ cũng có thể dẫn tới đau đầu, khi kéo dài nhiều tháng có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bạn. Các dấu hiệu và triệu chứng mà một số người mô tả cơn đau là:
- Một cơn đau dai dẳng.
- Một cơn đau như dao đâm hoặc bỏng rát.
- Một cơn đau nhói chạy từ cổ đến vai hoặc cánh tay của họ.
Đau cổ có thể liên quan đến các triệu chứng khác, bao gồm:
- Đau đầu.
- Cứng cổ, vai và lưng trên.
- Không thể quay cổ hoặc nghiêng đầu.
- Cảm giác tê hoặc ngứa ran (kim châm) ở vai hoặc cánh tay của bạn.
Nguyên nhân đau cổ
Đau cổ xuất phát từ những nguyên nhân phổ biến sau:
Căng cơ
Khi những sợi cơ bị kéo dãn thường xuyên sẽ dẫn đến căng cơ vùng cổ, hình thành triệu chứng đau nhức, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng này xuất hiện khi rèn luyện thể dục thể thao quá sức, tác động lực lớn lên cổ, bật dậy đột ngột vào buổi sáng. Thông thường, những cơn đau nhức này có khả năng tự biến mất sau khi kiểm soát những tác nhân dẫn đến căng cơ.
Ngồi sai tư thế
Thực tế cho thấy các mô, gân, cơ vùng cổ có cấu tạo mềm, dễ bị co giãn khi ngồi sai tư thế trong thời gian dài. Nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên,… là những đối tượng thường gặp trong trường hợp này.
Gối ngủ không phù hợp
Một số người sau khi tỉnh giấc có cảm giác đau nhức, mỏi nhừ tại vùng cổ, vai, gáy. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy gối ngủ của bạn đang sử dụng có độ cao, cấu tạo không phù hợp. Gối ngủ quá cao hoặc quá cứng, mềm sẽ gây nhiều tác động đến vùng cổ, dẫn đến ảnh hưởng tới giấc ngủ, hình thành cơn đau sau khi thức giấc.
Chấn thương
Đau cổ có thể là dấu hiệu của những tổn thương liên quan đến cơ bắp, dây chằng, gân, nguy hiểm hơn là cột sống. Bên cạnh đó, những chấn thương do mang vác vật nặng, tai nạn lao động, giao thông hay té ngã,… cũng là tác nhân dẫn đến đau mỏi ở cổ.
Một số bệnh lý về xương khớp
Một số bệnh lý liên quan đến cột sống hay đĩa đệm như: hẹp ống sống cổ, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm,… có thể hình thành nên cơn đau từ nhẹ nhàng đến dữ dội tại cổ. Những bệnh lý này nếu không sớm tiến hành điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động cơ thể.
Tuổi tác
Tuổi tác là tác nhân gây nên nhiều bệnh lý, trong đó đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến. Bước qua độ tuổi 35, hệ thống xương khớp bắt đầu thoái hóa, suy giảm chức năng và khả năng phục hồi. Từ đó hình thành nên những cơn đau mỏi ở cổ, tay chân và các vị trí xương khớp khác.
Đối tượng nguy cơ mắc đau cổ
- Những người phải ngồi lâu trước máy tính hoặc làm việc trong tư thế không thoải mái có nguy cơ cao bị đau cổ.
- Công việc hoặc hoạt động hàng ngày đòi hỏi cúi đầu lâu dài, chẳng hạn như việc đọc sách, sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng.
- Vận động viên, những người tham gia các môn thể thao đòi hỏi chuyển động cổ nhiều như bóng đá, bóng chày, võ thuật.
- Người ít tập thể dục hoặc có lối sống ít vận động có nguy cơ cao bị đau cổ do cơ cổ yếu và thiếu sự linh hoạt.
- Người già
- Nếu trong gia đình có tiền sử đau cổ hoặc các vấn đề liên quan đến cột sống, có thể tăng nguy cơ cho người khác trong gia đình.
- Người mắc các bệnh như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp có thể làm tăng nguy cơ đau cổ.
Chẩn đoán đau cổ
Chụp X-quang
Chụp X-quang có thể cho thấy các vấn đề về xương hoặc mô mềm có thể gây đau cổ. Chúng bao gồm các vấn đề về căn chỉnh cột sống cổ, gãy xương và trượt đĩa đệm. Đồng thời, X quang còn giúp phát hiện bệnh khớp khác.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ có thể cho thấy các vấn đề với tủy sống, dây thần kinh, tủy xương đĩa đệm và mô mềm cột sống. Xét nghiệm này cho biết liệu đĩa đệm có bị trượt ra khỏi vị trí hay không, các dấu hiệu nhiễm trùng và các khối u hoặc u nang có thể gây đau cổ.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT có thể được sử dụng nếu không có sẵn MRI. Nó có thể cho thấy gai xương và dấu hiệu thoái hoá xương.
Phòng ngừa đau cổ
- Tránh sai tư thế, gây áp lực lên cổ khi làm việc, sinh hoạt, lao động, làm việc.
- Xây dựng thói quen rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập thể dục thể thao mỗi ngày.
- Thường xuyên vận động phù hợp, tránh ngồi hoặc đứng lâu trong một tư thế.
- Chế độ ăn uống nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất có lợi cho xương khớp như: Canxi, Kali, Vitamin B, C, E,…
- Cơ thể nên được giữ ấm, tránh các tác nhân đột ngột gây nhiễm lạnh.
- Không nên xoa bóp, bấm huyệt hay thực hiện các bài tập, tư thế vận động mạnh trong trường hợp cấp tính.
- Không đột ngột xoay vặn hoặc tạo các áp lực lớn lên cổ cũng như hệ xương khớp.
Điều trị đau cổ như thế nào?
Điều trị nhằm mục đích giảm đau và cải thiện biên độ vận động cổ. Hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ có thể được kiểm soát tại nhà. Bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng của bạn, bao gồm:
Thuốc giảm đau và giãn cơ
Bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và viêm cổ, thuốc giãn cơ để giúp cơ cổ phục hồi. Đây là phương pháp điều trị đầu tay phổ biến cho chứng đau cổ.
Vật lý trị liệu
Bạn có thể làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên thể hình để học các bài tập và động tác giúp tăng cường sức mạnh và độ dẻo dai của cơ và gân ở cổ.
Thiết bị kích thích dây thần kinh bằng điện xuyên da (TENS)
Thiết bị TENS đưa một dòng điện cường độ thấp lên vùng da gần dây thần kinh để phá vỡ tín hiệu đau.
Tiêm steroid
Tiêm vào gần rễ thần kinh có thể làm giảm viêm và giảm đau.
Các liệu pháp thay thế
Gồm châm cứu để giảm đau, xoa bóp để giãn cơ, nắn chỉnh cột sống.
Phẫu thuật
Hầu hết các nguyên nhân gây đau cổ không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu một hoặc nhiều đốt sống bị lệch khỏi vị trí, đè nén lên dây thần kinh thì phẫu thuật là cần thiết.
Đau cổ là bệnh lý thường gặp, quá trình điều trị đau cổ nên được kết hợp nhiều phương pháp phù hợp kết hợp thay đổi thói quen sống khoa học, lành mạnh. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần sớm nhận biết các dấu hiệu và nguyên nhân đến đau cổ, từ đó có thể phòng tránh bệnh hiệu quả.