Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Khô khớp là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Khô khớp gối là bệnh khá phổ biến hiện nay. Hiện tượng khớp gối đau, cảm giác cứng khớp ở một hoặc cả hai đầu gối là vấn đề phổ biến không chỉ ở người lớn tuổi. Nếu không được điều trị, khớp gối bị khô sẽ có nguy cơ bị biến dạng… Hãy cùng tìm hiểu về bệnh khô khớp qua bài viết này.
Tổng quan chung
Khô khớp là tình trạng dịch tại các khớp giảm tiết hoặc không tiết ra để giúp bôi trơn khớp khi vận động. Điều này dẫn đến đau, khó chịu, tê cứng khi thực hiện các hoạt động liên quan đến khớp.
Khô khớp thường xảy ra phổ biến ở khớp cổ, vai, khuỷu tay,… Khô khớp thường xuất hiện cùng với tuổi tác. Tuy nhiên, xu hướng bị khô khớp đang dần trẻ hóa hơn. Nhiều người có thể bị khô cứng khớp ngay khi vừa mới thức dậy.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh khô khớp giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng, về lâu dài người bệnh để ý sẽ nhận ra một số dấu hiệu bất thường như sau:
- Đau nhức khớp: Người bị khô khớp sẽ cảm nhận thấy cơn đau dữ dội khi thay đổi tư thế một cách đột ngột;
- Khớp phát ra âm thanh khi cử động: dịch bôi trơn khớp không tiết đủ sẽ gây ra tiếng kêu răng rắc khi di chuyển hoặc khi vận động, đây cũng là dấu hiệu khô khớp gối đặc trưng;
Nếu người bệnh cảm nhận rõ những dấu hiệu này thì có thể tình trạng khô khớp đã diễn tiến sang giai đoạn mãn tính, bệnh nhân nên đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ khô khớp, các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị kịp thời, đảm bảo sự dẻo dai cho xương.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân phổ biến gây khô khớp gồm:
- Tuổi tác và thoái hóa khớp: Quá trình lão hóa tự nhiên có thể khiến bao khớp không sản xuất đủ dịch khớp, từ đó gây khô dịch khớp.
- Mất cân bằng dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, thiếu hụt vitamin, khoáng chất có thể làm giảm sản xuất dịch khớp. Điều này khiến xương khớp có nguy cơ tổn thương cao. Người bệnh rất dễ bị mắc bệnh xương khớp, gồm khô dịch khớp.
- Thói quen sinh hoạt: Lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá, lối sống lười vận động hoặc lạm dụng khớp quá mức, thường xuyên vận động sai tư thế… cũng có thể là một trong các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này.
- Thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể càng tăng cao, các khớp càng phải chịu nhiều áp lực. Tình trạng này có thể làm mất sự ổn định của ổ khớp, khiến khớp dễ tổn thương, tăng nguy cơ mắc những bệnh lý xương khớp.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng thường bị khô khớp gối là:
- Người già (từ 60 tuổi trở lên) gặp tình trạng thoái hóa xương khớp.
- Dân văn phòng ngồi cả ngày, ít vận động.
- Người lao động phải thường xuyên bưng bê, mang vác vật nặng dẫn đến mòn sụn khớp, gây ra hiện tượng khô khớp gối.
- Người thừa cân, béo phì gây tổn thương khớp gối do phải chịu lực lớn.
- Người gặp các vấn đề: viêm khớp gối, trật khớp gối (do chấn thương khi chơi thể thao, lao động hoặc tai nạn), đau đầu gối.
- Người thường xuyên sử dụng chất kích thích (uống rượu bia, hút thuốc lá) hoặc ăn uống thiếu chất cần thiết (canxi, sắt, magie, kali…) dễ gây tổn thương xương khớp.
Chẩn đoán
- Khám lâm sàng: Bác sĩ thăm khám những biểu hiện bên ngoài khớp, sau đó yêu cầu người bệnh thực hiện một vài động tác nhằm kiểm tra khả năng vận động và phạm vi mở rộng của khớp. Người bệnh cần cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới tiền sử bệnh, các khớp bị ảnh hưởng, tình trạng đau nhức như thế nào… Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Xét nghiệm máu: Mục đích để chẩn đoán nguyên nhân gây khô khớp và chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khớp viêm khác (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm xương khớp, bệnh gút…). Phương pháp này giúp kiểm tra có mặt vi khuẩn trong khớp không, tốc độ lắng máu, protein phản ứng C… để xác định đánh giá tình trạng viêm khớp.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI có thể được chỉ định để kiểm tra gai xương, tổn thương xương dưới sụn, đánh giá mức độ tổn thương các mô mềm, tình trạng hao mòn sụn và các bất thường khác làm quá trình tiết dịch khớp không diễn ra.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa khô khớp, điều bạn cần phải làm ngay từ hôm nay là chú ý bảo vệ và chăm sóc hệ xương khớp khỏe mạnh bằng những hành động thiết thực sau:
- Duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, khoa học: Khi cơ thể của chúng ta bước vào quá trình lão hóa thì việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng giúp tăng chất nhờn cho khớp là điều vô cùng cần thiết. Bạn nên tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, rượu bia hay các chất kích thích. Thay vào đó, hãy sử dụng những món ăn nhiều chất xơ và vitamin (đặc biệt là canxi).
- Áp dụng chế độ tập luyện đều đặn và vừa sức: Đây được coi là liều thuốc bổ giúp cơ thể chăm sóc tốt nhất cho xương khớp. Một số bộ môn thể thao như đạp xe, yoga, đi bộ,… sẽ tốt cho quá trình tiết nhờn của khớp gối. Ngoài ra, bạn không nên làm hoạt động quá sức, việc này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên xương khớp của bạn.
- Ngồi làm việc đúng tư thế: Ngồi làm việc sai tư thế dễ gây ảnh hưởng tới xương khớp.
- Hạn chế stress, căng thẳng trong quá trình làm việc: Duy trì lối sống khoa học, tích cực kết hợp với thăm khám sức khỏe định kỳ là phương pháp tốt để phòng ngừa triệu chứng khô khớp.
Điều trị như thế nào?
Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể ổn định bệnh khô khớp trong thời gian dài. Nếu có biểu hiện của bệnh khô khớp, cần tới cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và phát hiện bệnh sớm. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các thuốc giúp phục hồi khớp bị tổn thương.
Hiện nay, có cả liệu pháp tiêm axit hyaluronic nội khớp, thường là vào khớp gối, vai. Phương pháp tiêm này nhằm cung cấp axit hyaluronic là một thành phần của dịch khớp, giúp bôi trơn khớp, giảm ma sát, giảm xóc, do vậy, làm khớp vận động trơn tru. Thông thường, bệnh nhân có thể được tiêm 3 – 5 mũi tiêm vào một khớp, mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tuần.
Ngoài ra, cần bổ sung canxi vitamin D, các khoáng chất khác như: magie, vitamin K hàng ngày qua các thực phẩm như sữa, rau, trái cây để giúp xương chắc khỏe. Nếu cần thiết có thể bổ sung mỗi ngày 1 viên đa sinh tố chứa magie, vitamin K, acid folic, vitamin B6 và B12 theo chỉ định của bác sĩ.