Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Lác mắt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Lé mắt (lác mắt) là bệnh lý hay gặp ở trẻ em, bệnh cũng có thể gặp ở người lớn và có thể di truyền trong gia đình. Lé mắt gây ảnh hưởng khá nhiều tới thị lực, tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vậy lác mắt là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Mắt lác là tình trạng nhìn 2 hướng khác nhau, thiếu sự phối hợp giữa 2 mắt, khiến mắt bị lác. Đôi mắt sẽ không tập trung vào một hình ảnh cùng một lúc. Trong đó, một mắt quay vào, ra, lên hoặc xuống và mắt còn lại nhìn thẳng về phía trước. Điều này làm giảm thị lực hoặc não có thể ưu tiên một mắt hơn mắt kia. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ em.
Cấu tạo mắt có 6 cơ vận nhãn gồm: 4 cơ thẳng, 2 cơ chéo. Các cơ này phần đầu dẹp, độ dày trung bình 4cm và thường bám quanh để dịch chuyển nhãn cầu. Hầu hết, mắt lác xảy ra do các cơ vận nhãn mất cân bằng bẩm sinh. Ngoài ra, tật khúc xạ, tổn thương dây thần kinh thị giác, tổn thương cơ vận nhãn, biến chứng của những bệnh lý mãn tính khác như tiểu đường, dị dạng hốc mắt hoặc chấn thương sọ não cũng gây bệnh mắt lác.
Triệu chứng
Các triệu chứng của lác mắt bao gồm:
- Mắt lệch hướng: Một hoặc cả hai mắt lệch ra khỏi hướng nhìn thẳng.
- Mất thị lực ở một mắt: Mắt bị lệch có thể dần mất thị lực nếu không được điều trị.
- Khó khăn trong việc ước lượng khoảng cách: Khả năng nhìn 3D và ước lượng khoảng cách bị ảnh hưởng.
- Nhức đầu và mỏi mắt: Cố gắng điều chỉnh thị lực có thể gây ra mệt mỏi và đau đầu.
- Đôi khi nhìn đôi (song thị): Nhìn thấy hai hình ảnh của một vật thể.
Nguyên nhân
Mắt có 6 cơ vận nhãn: 4 cơ trực và 2 cơ chéo bám xung quanh giúp mắt nhìn sang các hướng. Nếu một trong các cơ này không còn phối hợp đồng bộ sẽ dẫn đến hiện tượng mắt lác.
Nguyên nhân gây lác mắt bao gồm:
- Di truyền: Lác mắt có thể di truyền trong gia đình.
- Các bệnh lý mắt: Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) không được điều chỉnh đúng cách.
- Chấn thương mắt hoặc đầu: Gây tổn thương cơ mắt hoặc các dây thần kinh điều khiển chuyển động mắt.
- Các bệnh lý hệ thần kinh: Như bại não, hội chứng Down.
- Bệnh lý toàn thân: Như bệnh tiểu đường, cao huyết áp.
Đối tượng nguy cơ
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị lác mắt, trong đó có thể kể đến các yếu tố như:
- Tiền sử gia đình có người từng bị bệnh.
- Mắt bị tật khúc xạ.
- Bị hội chứng down hoặc bại não, hay đã từng trải qua các cơn đột quỵ, chấn thương đầu, bị tiểu đường hoặc hội chứng Guillain-Barré.
Đối với trẻ em, những trẻ mắc các bệnh sau sẽ có nguy cơ bị lác mắt cao: Bại não, hội chứng Down, Não úng thủy, u não, trẻ đẻ non..
Chẩn đoán
Hầu hết bác sĩ có thể chẩn đoán lác mắt qua thăm khám lâm sàng với sự hỗ trợ của kính y học trong việc tìm ra điểm khác nhau giữa hai mắt. Ngoài ra, thần kinh và võng mạc mắt cũng được kiểm tra để loại trừ nguyên nhân giảm thị lực, khó nhìn do vấn đề ở hai bộ phận này.
Chẩn đoán lác mắt bao gồm các bước:
- Khám mắt toàn diện: Kiểm tra thị lực, chức năng cơ mắt và khả năng nhìn 3D.
- Kiểm tra ánh sáng: Sử dụng đèn khe để kiểm tra phản xạ ánh sáng từ giác mạc.
- Đo khúc xạ: Kiểm tra tật khúc xạ để điều chỉnh thị lực.
Lác mắt ở trẻ có thể xảy ra đột ngột nên cần đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng một lần hoặc tự kiểm tra để phát hiện bệnh sớm. Khi phát hiện bệnh, cần điều trị sớm để hiệu quả cao hơn, tỉ lệ thành công lớn hơn. Các thống kê khoa học cho biết, nếu lác mắt phát hiện sớm ở trẻ dưới 3 tuổi thì điều trị tích cực đem lại tỉ lệ thành công lên đến 92%.
Còn lác mắt người lớn thường là bệnh lý tiến triển nên điều trị khó khăn hơn. Không nên chủ quan vì lác mắt nếu phát hiện và điều trị muộn, thói quen rất khó thay đổi ảnh hưởng đến khả năng nhìn cũng như tính thẩm mỹ.
Phòng ngừa bệnh
Khách hàng có thể phòng ngừa bệnh mắt lác bằng một số phương pháp sau, trừ trường hợp lác do bẩm sinh hoặc do dị dạng hốc mắt. Bao gồm:
- Khám mắt định kỳ để phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Nếu bạn dùng cần đảm bảo đủ ánh sáng, giữ thiết bị xa mắt.
- Khi học tập hoặc làm việc cần ngồi đúng tư thế và dành chút thời gian để mắt nghỉ ngơi.
- Với người cao tuổi cần có biện pháp kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tiểu đường và dẫn đến mắt lác.
- Giữ chế độ ăn uống phù hợp như thực phẩm chứa nhiều omega 3, Vitamin A, C và chất chống Oxy hóa gồm cá hồi, hạt hướng dương, khoai lang, cà rốt, ớt chuông, bông cải xanh,…
- Ngừng sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê,…
Điều trị như thế nào?
Mục đích điều trị
- Ở trẻ em: Bảo toàn chức năng hợp thị của 2 mắt, ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực hoàn toàn ở mắt lé;
- Ở người trưởng thành: Chỉnh lé để phục vụ mục đích thẩm mỹ.
Tùy từng trường hợp bị lé mắt, bệnh nhân có thể áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách điều trị sau:
- Đeo kính để giúp mắt nhìn thẳng cho các trường hợp bị lé do quy tụ điều tiết hoặc kèm tật khúc xạ.
- Tập luyện: Tập quy tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều mắt bị lé để tập cho mắt lé có thể nhìn chính xác vào các vật. Tiếp theo là tập trên máy chỉnh quang để hợp thị 2 mắt.
- Che mắt ở mắt khỏe hơn và tập nhìn mọi vật bằng mắt lé để cải thiện thị lực;
- Tiêm thuốc Botulinum toxin cho các trường hợp lé thứ phát ở người lớn do liệt cơ vận nhãn trong thời gian chờ phẫu thuật. Phương pháp này giúp giải quyết tạm thời tình trạng song thị ở bệnh nhân.
- Phẫu thuật chỉnh lại cơ vận nhãn không cân bằng . Ở trẻ bị lác dai dẳng, phẫu thuật sớm giúp cải thiện cơ hội phục hồi hoặc tăng cường thị lực ở 2 mắt. Ở người lớn, phẫu thuật giúp khôi phục lại diện mạo bình thường, cải thiện thị lực 2 mắt, làm mất hoặc giảm nhìn đôi, cải thiện chức năng xã hội – giao tiếp.
Lác mắt là một tình trạng có thể gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng hoàn toàn có thể điều trị và cải thiện. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời không chỉ giúp cải thiện thẩm mỹ mà còn bảo vệ thị lực của bạn. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào của lác mắt, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và điều trị. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp đôi mắt bạn luôn khỏe mạnh và sáng rõ.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về lác mắt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.