Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Loạn thị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Loạn thị là một tật khúc xạ phổ biến, tỷ lệ loạn thị tăng rõ rệt từ 14,3% ở nhóm dưới 15 tuổi lên 67,2% ở nhóm trên 65 tuổi. Vậy loạn thị là gì? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Loạn thị là tật khúc xạ ở mắt do giác mạc ghi nhận những hình dạng khác thường so với hình thực tế những tia sáng khi đi vào mắt thay vì hội tụ lại một điểm lại bị khuếch tán trên võng mạc, khiến hình ảnh thu được có hình dạng méo mó và nhoè.
Bất kỳ ai cũng có thể bị loạn thị. Loạn thị rất phổ biến, cứ 3 người thì có 1 người bị loạn thị. Loạn thị có thể phát triển tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống; thậm chí ngay từ khi sinh ra.
Hãy đến gặp bác sĩ khi mắt có bất kỳ thay đổi nào hoặc nhận thấy thị lực không rõ như trước.
Triệu chứng
Những người mắc tật loạn thị thường gặp các triệu chứng ban đầu sau:
- Mắt mờ, nhìn hình ảnh bị mờ, nhòe hoặc méo mó.
- Tầm nhìn đôi, nhìn một vật có hai hoặc ba bóng mờ.
- Khó khăn khi nhìn ở mọi khoảng cách.
- Một số dấu hiệu kèm theo khác như nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, đau đầu, đau cổ, đau vai gáy… cũng có thể xảy ra.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra loạn thị là do:
- Hình dạng không đều của giác mạc: Giác mạc có hình dạng không đều, không thể tập trung ánh sáng đúng cách lên võng mạc.
- Thủy tinh thể không đều: Thủy tinh thể cũng có thể bị biến dạng, gây loạn thị.
- Di truyền: Loạn thị có thể di truyền từ gia đình, nếu bố mẹ bị loạn thị, nguy cơ con cái mắc phải cũng cao hơn.
Đối tượng nguy cơ
Loạn thị thường có nguy cơ xảy ra cao ở một số đối tượng sau:
- Người có người thân trong gia đình bị mắc tật loạn thị hoặc có các rối loạn ở mắt. Đặc biệt, nếu có cả bố và mẹ bị loạn thị thì nguy cơ bị tật loạn thị là tương đối cao.
- Người từng bị tổn thương vùng mắt, sẹo giác mạc.
- Người bị cận thị hoặc viễn thị ở mức độ quá nặng.
- Người có tiền sử phẫu thuật mắt (VD: phẫu thuật đục thủy tinh thể).
- Người cao tuổi: tuổi tác cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắt bị loạn thị. Thực tế, người cao tuổi có nguy cơ mắc tật loạn thị cao hơn so với người trẻ.
Chẩn đoán
Triệu chứng loạn thị thường xuất hiện một cách từ từ. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ khi thấy tầm nhìn bị thay đổi hoặc hạn chế. Khi thực hiện thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ nhìn rõ sự vật bằng cách yêu cầu bạn đo thị lực. Ngoài ra, họ cũng sẽ sử dụng các dụng cụ khác để đo lường tầm nhìn của bạn, cụ thể là:
- Phoropter: Bạn nhìn qua một loạt các ống kính để tìm ra tầm nhìn rõ nét nhất.
- Keratometer/topographer: Sử dụng một vòng tròn ánh sáng để đo đường cong giác mạc.
- Autorefractor: Chiếu ánh sáng vào mắt và đo xem nó thay đổi như thế nào trên màn hình. Điều này giúp bác sĩ chọn được loại kính mà bạn cần.
Phòng ngừa bệnh
Các chuyên gia khuyến cáo phòng ngừa và hạn chế loạn thị bằng các biện pháp như:
- Học tập và làm việc tại nơi đủ ánh sáng. Dùng các loại đèn với ánh sáng phù hợp để bảo vệ mắt.
- Cho mắt nghỉ ngơi sau thời gian làm việc căng thẳng đặc biệt khi sử dụng máy tính trong thời gian dài.
- Khi có các triệu chứng bệnh cần đi kiểm tra và điều trị sớm để tránh trường hợp bệnh nặng và tiến triển.
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng cho mắt đặc biệt là Vitamin A.
Điều trị như thế nào?
Trường hợp nhẹ, bệnh loạn thị có thể không cần điều trị. Nhưng nếu bị nặng, cần phải áp dụng các biện pháp điều trị để tránh bệnh diễn biến nặng hoặc gây ra nhược thị. Các biện pháp điều trị phổ biến:
- Kính thuốc: Hầu hết các trường hợp loạn thị đều có thể điều chỉnh bằng kính thuốc. Đây là biện pháp đơn giản, được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, ít để lại biến chứng. Bệnh nhân nên tìm hiểu và đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn loại kính phù hợp với mức độ và nhu cầu.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp bị loạn thị nặng và phương pháp điều chỉnh bằng kính thuốc không đạt kết quả, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật. Đây là phương pháp sử dụng tia laser hoặc dao vi phẫu để định hình lại giác mạc vĩnh viễn. Phổ biến nhất có thể kể đến thay đổi khúc xạ định hình nhu mô giác mạc (LASIK), thay đổi khúc xạ cắt bỏ biểu mô giác mạc (PRK), thay đổi khúc xạ định hình giác mạc vạt dưới biểu mô (LASEK).
- Ortho-K (Orthokeratology) customize: Đây là phương pháp điều trị sử dụng kính áp tròng cứng, được thiết kế đặc biệt đeo vào ban đêm nhằm làm thay đổi tạm thời hình dáng của giác mạc trong khi ngủ, giúp mắt có thể nhìn rõ vào sáng hôm sau và duy trì tình trạng này suốt cả ngày. Cứ như vậy, lặp lại quy trình gắn Ortho-K customize vào ban đêm để có thị lực tốt vào ngày hôm sau.
Loạn thị là một tình trạng ảnh hưởng đến tầm nhìn nhưng có thể được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt tốt hơn. Hãy kiểm tra mắt định kỳ và thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt để duy trì tầm nhìn rõ ràng và sức khỏe tốt. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của các chuyên gia mắt khi gặp phải các vấn đề về tầm nhìn, vì điều này không chỉ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ đôi mắt quý giá của bạn.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về loạn thị.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.