Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm độc giáp là gì? Những điều cần biết về nhiễm độc giáp
Nhiễm độc giáp dẫn đến rối loạn nhiều chức năng của cơ thể và tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Hội chứng nhiễm độc giáp là một tình trạng lâm sàng xảy ra khi nồng độ hormone tuyến giáp lưu hành trong máu tăng cao bất thường do bất kỳ nguyên nhân nào.
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình bướm, nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp tạo ra và giải phóng hai loại hormone giáp là: triiodothyronine (còn gọi là T3) và thyroxine (còn gọi là T4). Tuyến giáp và các hormone của nó đóng một vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể như: tăng nhiệt độ cơ thể, tăng hoạt động hệ tim mạch, tăng quá trình trao đổi chất và ảnh hưởng đến sự phát triển xương cũng như thần kinh trung ương.
Khi bị nhiễm độc giáp, lượng hormone tuyến giáp dư thừa trong cơ thể sẽ thúc đẩy quá mức các quá trình kể trên, gây ra các triệu chứng như nhịp tim nhanh, sụt cân và một số biến chứng nhất định.
Một số tài liệu thường sử dụng thuật ngữ “nhiễm độc giáp” thay cho “cường giáp”. Tuy nhiên hai khái niệm này có một chút khác biệt.
Để hiểu một cách đơn giản, nhiễm độc giáp (thyrotoxicosis) chỉ một hội chứng gồm các triệu chứng lâm sàng gây nên do tăng hormone giáp nói chung (có thể do nguyên nhân từ tuyến giáp hoặc không). Trong khi đó, bệnh cường giáp (hyperthyroidosis) là một loại bệnh nhiễm độc giáp do nguyên nhân từ tuyến giáp, khi nó tăng sản xuất và phóng thích hormone giáp quá mức bình thường.
Triệu chứng
Các triệu chứng và dấu hiệu của tuyến giáp sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây ra bệnh, cũng thay đổi mức độ giữa các cá thể khác nhau. Sau đây sẽ là những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp nhất của nhiễm độc tuyến giáp:
- Phàn nàn về thần kinh dễ kích thích, bồn chồn
- Sợ nóng, vã mồ hôi
- Mệt mỏi, yếu, chuột rút
- Sôi bụng
- Thay đổi trọng lượng cơ thể (thường gầy sút)
- Có thể hồi hộp trống ngực hoặc cơn đau thắt ngực
- Ở phụ nữ thường kinh nguyệt không đều
- Bệnh Graves thường có các dấu hiệu của bướu giáp (có tiếng thổi)
- Bệnh lý mắt do bệnh Graves biểu hiện trên lâm sàng thường gặp là phù kết mạc, viêm kết mạc và lồi mắt nhẹ
- Nhiễm độc giáp mạn tính có thể gây loãng xương. Có thể có ngón tay hình chùy và sưng (ngón tay dùi trống)
Ngoài ra, nhiễm độc tuyến giáp cũng có các dấu hiệu như nhìn chằm chằm, dấu hiệu von Graefe, run đầu chi, da nóng ẩm, nhịp tim nhanh hoặc rung nhĩ, tăng phản xạ gân xương, tóc mềm, móng dễ gãy, và suy tim (hiếm gặp hơn).
Nguyên nhân
Nhiễm độc giáp là một hội chứng do tăng nồng độ hormon giáp trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng này. Nhìn chung có thể phân thành 2 nhóm nguyên nhân: nhiễm độc giáp có cường giáp và nhiễm độc giáp không có cường giáp.
Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất và giải phóng quá nhiều hormone tuyến giáp, là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh nhiễm độc giáp. Bệnh cường giáp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Bệnh Graves
- Bướu cổ đa nhân độc
- U tuyến độc
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang di căn
- Struma buồng trứng
- Dư thừa iod
- Đột biến kích hoạt thụ thể TSH
- U tuyến yên tiết TSH
- HCG qua trung gian từ các khối u tiết tuyến sinh dục mãn tính, mang thai
- Nhiễm độc giáp thai kỳ
Nhiễm độc giáp không có cường giáp
Một số tình trạng khác cũng có thể gây ra nhiễm độc giáp như:
- Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp xảy ra do một số vi khuẩn, nấm, các thuốc như lithium, interferon và có thể do chính hệ miễn dịch của bạn. Khi tuyến giáp bị viêm, các hormon sẽ bị rò rỉ vào máu dẫn đến lượng hormone cao hơn nhu cầu của cơ thể. Viêm tuyến giáp cũng có thể xảy ra sau khi sinh con.
- Nhiễm độc giáp do tiêu thụ hormon giáp ngoại sinh: Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân suy giáp khi dùng thuốc. Những bệnh nhân này sẽ được kê các thuốc hormon giáp ngoại sinh và khi dùng quá liều (vô tình hay cố ý) những thuốc này, họ có thể gặp tình trạng nhiễm độc giáp.
- Nhiễm độc giáp do tiêu thụ mô tuyến giáp: Bạn cũng có thể có quá nhiều hormone tuyến giáp trong cơ thể do ăn thịt bò bị nhiễm mô tuyến giáp từ cổ bò. Tình trạng này thường được gọi là “viêm tuyến giáp bánh hamburger” và là nguyên nhân rất hiếm gặp gây nhiễm độc giáp.
Đối tượng nguy cơ
Những trường hợp dưới đây thường có nguy cơ mắc bệnh nhiễm độc cường giáp cao hơn so với những người khác:
- Người bị bệnh tự miễn như đái tháo đường type 1,..
- Người mắc bệnh viêm tuyến giáp.
- Những người sử dụng quá liều thuốc điều trị suy giáp so với chỉ định của bác sĩ
- Phụ nữ vừa sinh con.
- Những người mà gia đình có bệnh lý về tuyến giáp, nhất là basedow
Chẩn đoán
Để xác định được bệnh nhiễm độc tuyến giáp và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ thường sử dụng những phương pháp sau đây:
Xét nghiệm
Xét nghiệm TSH nhạy cảm chính xác là xét nghiệm tốt nhất để xác định nhiễm độc giáp. Xét nghiệm này cho phép xác định các chỉ số T3, T4 của tuyến giáp. Những trường hợp T3, T4 huyết thanh tăng, T4 tự do tăng hay nồng độ T4 có thể bình thường nhưng T3 lại cao thì được xác định là có bệnh lý nhiễm độc tuyến giáp.
Ngoài ra các bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân là những xét nghiệm bất thường khác như tăng calci máu, tăng phosphatase kiềm, thiếu máu và giảm bạch cầu hạt.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp MRI hốc mắt là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh, thường được lựa chọn để chẩn đoán các bệnh lý mắt Graves ảnh hưởng tới cơ ngoài mắt. Đồng thời, chụp cắt lớp CT và siêu âm cũng có thể được sử dụng để cho kết quả thăm khám chính xác nhất.
Phương pháp chẩn đoán nhiễm độc tuyến giáp bằng hình ảnh thường được yêu cầu trong các trường hợp nặng hoặc lồi mắt mà bình giáp. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn cần phải chẩn đoán phân biệt với lồi mắt do khối u hoặc do các bệnh khác.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh nhân bị nhiễm độc tuyến giáp sẽ cần được chỉ định trong các trường hợp:
- Tăng thyroxin huyết thanh mà không gây biểu hiện lâm sàng.
- Loạn thần tuyến giáp không to và xét nghiệm chức năng giáp vẫn bình thường.
Ở các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần cấp sẽ có khoảng 30% trường hợp bị tăng thyroxin máu mà không có nhiễm độc giáp. Vì vậy bệnh nhân cần tiến hành chẩn đoán phân biệt giữa rối loạn tâm thần và cường giáp thực sự bằng định lượng TSH.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Không dùng các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp quá liều chỉ định của bác sĩ.
- Rèn luyện sức khỏe thường xuyên bằng việc tập thể dục và có chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Đối với các trường hợp bị nhiễm độc tuyến giáp cận lâm sàng, tức TSH thấp, T4 tự do ở mức bình thường và trên lâm sàng là bình giáp thì chưa cần phải can thiệp điều trị. Nguyên nhân là vì ở những trường hợp này không có triệu chứng của sự tăng mất xương.
Dựa trên các nguyên nhân gây bệnh như bệnh cảnh lâm sàng, tuổi tác, mức độ bệnh sẽ quyết định lựa chọn một trong các phương pháp điều trị như sau:
- Iod phóng xạ 131l;
- Sử dụng Propranolol;
- Sử dụng chất cản quang chứa iod;
- Dùng các thuốc thiourea;
- Phẫu thuật tuyến giáp;
Trong số các phương pháp điều trị nêu trên, điều trị iod phóng xạ thường được phổ biến rộng rãi nhất. Bác sĩ thường chỉ định biện pháp phẫu thuật tuyến giáp đối với những trường hợp phụ nữ đang mang thai.
Mặc dù vậy, phẫu thuật tuyến giáp cũng có nguy cơ gây ra các biến chứng như làm liệt dây thanh âm do tổn thương thần kinh thành quản. Vì vậy sau khi thực hiện phẫu thuật tuyến giáp thì bệnh nhân cần phải dành ra một đêm tại viện để theo dõi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.