Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm lậu cầu là gì? Những điều cần biết về nhiễm lậu cầu
Nhiễm lậu cầu, hay còn gọi là bệnh lậu mủ, là một trong những căn bệnh xã hội phổ biến hiện nay, lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Bệnh do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra và có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như niệu đạo, cổ tử cung, và thậm chí là mắt hay họng. Để giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh này và cách phòng ngừa, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, và điều trị bệnh lậu cầu.
Tổng quan chung
Lậu là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khá phổ biến hiện nay, có tác nhân gây bệnh là song cầu khuẩn lậu – còn được biết đến với tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae. Đây là loại vi khuẩn ưa môi trường ấm và ẩm nên đặc biệt thích hợp với đường sinh dục, bao gồm cổ tử cung, ống dẫn trứng, tử cung ở nữ giới và trong niệu đạo của cả nam và nữ giới. Ngoài ra, lậu cầu khuẩn cũng được phát hiện trong mắt, họng, miệng và hậu môn của người bệnh.
Bệnh lậu mủ có thể xuất hiện ở nam giới và nữ giới trong mọi lứa tuổi, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở độ tuổi sinh sản. Theo thống kê, có tới 90% những người mắc bệnh lậu là do quan hệ tình dục qua ngả âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người bệnh. Ngoài ra, thai phụ nhiễm bệnh lậu có thể lây cho con trong quá trình chuyển dạ, lây qua đường máu, qua sử dụng chung vật chung đồ dùng cá nhân, những người đã khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần nếu không thực hiện sinh hoạt tình dục an toàn.
Triệu chứng nhiễm lậu cầu
Các triệu chứng bệnh nhiễm lậu cầu sẽ khác nhau ở nam giới và nữ giới.
Triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới: Vị trí nhiễm bệnh lậu phổ biến nhất ở nữ giới là cổ tử cung (80 – 90%), tiếp đến là niệu đạo (80%), trực tràng (40%) và hầu họng (10 -20%). Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 10 ngày kể từ khi vi khuẩn xâm nhập. Một số dấu hiệu điển hình có thể kể đến như:
- Khó tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau vùng bụng dưới.
- Sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn (thường ít gặp hơn).
Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới: Khi đàn ông nhiễm khuẩn lậu cầu, thời gian ủ bệnh là từ 3 – 5 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên với khuẩn lậu cẩu, có thể là tính từ thời điểm lần quan hệ tình dục gần nhất, lần tiếp xúc với người bị bệnh lậu.
Triệu chứng lâm sàng gặp phải bao gồm
- Viêm niệu đạo: Là biểu hiện chủ yếu của nhiễm lậu cầu ở nam giới; các đặc điểm ban đầu bao gồm nóng rát khi đi tiểu và tiết dịch huyết thanh; vài ngày sau, dịch tiết ra thường nhiều hơn, có mủ và đôi khi nhuốm máu
- Tiểu buốt, tiểu rắt
- Viêm mào tinh hoàn cấp tính: Thường là một bên và thường xảy ra cùng với dịch tiết niệu đạo
- Dương vật có thể sưng nề, rõ rệt hơn ở quy đầu và lỗ sáo
- Hẹp niệu đạo: đây là biến chứng rất ít gặp, triệu chứng thường là tiểu khó, dòng tiểu yếu.
- Nhiễm trùng trực tràng: Có thể biểu hiện đau, ngứa, tiết dịch hoặc mót rặn, thường xảy ra ở những bệnh nhân có giao hợp theo đường hậu môn.
Triệu chứng bệnh lậu ở trẻ: Viêm kết mạc hai bên (ophthalmia neonatorum) thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh do nhiễm vi khuẩn từ người mẹ mắc bệnh lậu. Khả năng lây truyền cũng có thể xảy ra trong tử cung hoặc thời kỳ hậu sản. Một số triệu chứng dễ nhận thấy gồm:
- Đau mắt.
- Đỏ mắt.
- Chảy mủ.
Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng hầu họng, hô hấp, trực tràng hoặc nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa (DGI). Hoạt động của vi khuẩn sẽ gây tổn thương nhanh chóng cho mắt, thậm chí là thương tích vĩnh viễn, dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng có thể xuất hiện ở da đầu tại các vị trí đặt điện cực theo dõi thai nhi.
Nguyên nhân nhiễm lậu cầu
Vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae là nguyên nhân chính gây nên bệnh lậu – một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay.
Vi khuẩn N. gonorrhoeae là một “song cầu gram âm” có hình cầu và thường xuất hình thành từng cặp như hạt cà phê nằm cạnh nhau khi quan sát dưới kính hiển vi.
Bệnh có thể lây qua các con đường sau:
- Quan hệ tình dục: là con đường lây nhiễm chủ yếu nên bệnh lậu gặp nhiều ở các cô gái làm nghề mại dâm, các đối tượng nam có nhu cầu mại dâm, đồng tính nam,…Việc quan hệ tình dục không chỉ lây nhiễm qua đường âm đạo mà còn bằng đường miệng, quan hệ qua hậu môn đều có thể lây nhiễm.
- Lây từ mẹ sang con: Người mẹ bị mắc bệnh trước đó hoặc mang thai với biết mình mắc bệnh thì sau khi sinh con ra, con có nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Vi khuẩn bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con qua 3 con đường: nhiễm trùng nước ối, nhiễm trùng qua âm đạo hoặc khi trẻ em bú sữa mẹ và nhiễm trùng.
- Qua tiếp xúc vết thương hở với người bị bệnh thì người bình thường cũng có thể nhiễm vi khuẩn lậu.
- Ngoài ra còn do sử dụng chung đồ cá nhân với người mắc bệnh: quấn áo, đồ lót, khăn tắm, kim tiêm thì người bình thường cũng có nguy cơ lây bệnh cao.
Đối tượng nguy cơ nhiễm lậu cầu
Bệnh lậu cầu có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, độ tuổi dễ mắc bệnh lậu nhất dao động từ 15 – 35 tuổi. Đây là lứa tuổi trưởng thành, thường xuyên tiếp xúc với các nhóm đối tượng bị nhiễm bệnh lậu.
Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh lậu có thể điểm qua như:
- Người hoạt động trong lĩnh vực mua bán mại dâm, người sử dụng dịch vụ mại dâm.
- Đối tượng quan hệ tình dục với nhiều người, không có sự bảo vệ an toàn. Đây chính là con đường lây nhiễm bệnh lậu chủ yếu.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể ốm yếu sẽ có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn khi tiếp xúc với người bệnh.
- Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm vi khuẩn lậu
Chẩn đoán nhiễm lậu cầu
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh ngoài dựa vào tiểu sử và các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh, các bác sĩ còn có thể dựa vào việc thực hiện các xét nghiệm.
- Phương pháp xét nghiệm trực tiếp: nhuộm bệnh phẩm, soi thấy vi khuẩn lậu bắt màu gram (-), nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân.
- Phương pháp nuôi cấy, phân lập: trong môi trường chọn lọc Thayer-martin hoặc thạch sôcôla, nhiệt độ 35- 36°C, CO2 3%- 10%. Các bác sĩ có thể xác định được sự có mặt các khuẩn lạc nghi ngờ lậu từ 24 đến 48 giờ.
- PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật mới có độ đặc hiệu và độ nhạy cao.
Cần khám lâm sàng và xét nghiệm tìm căn nguyên để chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với các viêm niệu đạo không phải do vi khuẩn lậu như viêm niệu đạo do nấm Candida, do ký sinh trùng Trichomonas, do tụ cầu, liên cầu.
Phòng ngừa bệnh nhiễm lậu cầu
Để phòng ngừa tình trạng bị lây nhiễm bệnh lậu cũng như tránh lây truyền tới người khác cần:
- Luôn luôn sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục nếu có nhiều bạn tình
- Duy trì mối quan hệ chung thủy một vợ một chồng.
- Không nên có nhiều đối tác tình dục.
- Xét nghiệm định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Điều trị như thế nào?
Điều trị bệnh lậu (hay còn gọi là bệnh lậu mủ) thường được thực hiện bằng các loại thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra bệnh. Các kháng sinh điều trị :
- Cefixim 400mg.
- Cetriaxone 250mg
- Spectinomycin 2 gam
- Cefotaxim
Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và không ngừng sử dụng thuốc trước khi hoàn tất liệu trình điều trị. Việc điều trị kịp thời và đầy đủ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh lậu và ngăn ngừa sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.
Kết luận
Việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm lậu cầu là một nỗ lực chung của cả cộng đồng. Bằng cách nâng cao nhận thức về bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, chúng ta có thể giảm thiểu được sự lây lan của bệnh này. Hơn nữa, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là điều cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách tối đa.