Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Polyp mũi là gì? Những điều cần biết về polyp mũi
Polyp mũi thực chất là lớp niêm mạc mũi và các xoang phát triển bất thường, gây cản trở đường thở và dễ dẫn đến các bệnh đường hô hấp. Hầu hết polyp mũi là lành tính. Căn cứ vào kích thước và số lượng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
Polyp mũi là gì?
Polyp mũi là một u có cuống mềm, không đau, không phải là ung thư phát triển trên niêm mạc mũi hoặc xoang. Polyp mũi là tình trạng xảy ra ở lớp niêm mạc mũi và các xoang, là 4 khoang trống trên và sau mũi. Tuy nhiên polyp mũi thường không được xem là bệnh lý. Chính xác hơn, đây là hậu quả của phản ứng viêm gây ra do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi chống lại các vi nấm.
Tình trạng viêm mạn tính làm tăng tính thấm của các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang, gây tích tụ nước bên trong các tế bào. Theo thời gian, dưới tác động của trọng lực, các mô ứ nước này bị kéo xuống dưới, hình thành nên các polyp.
Polyp mũi có thể xảy đến với mọi người, nhưng thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em bị các chứng như hen phế quản, viêm xoang mạn, sổ mũi mùa và xơ nang phổi (cystic fibrosis).
Polyp mũi gây ra các tình trạng: Khó thở, chảy nước mũi liên tục, thay đổi về khứu giác. Có thể đó là triệu chứng của viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang mạn. Nhưng trong một số trường hợp, các triệu chứng và dấu hiệu đó có thể do polyp mũi, những chồi mô mềm, lành tính phát triển từ niêm mạc lót của mũi và các xoang. Polyp mũi nhỏ ít gây triệu chứng, nhưng polyp lớn sẽ làm khó thở và giảm khứu giác. Chúng còn gây nhức đầu âm ỉ và ngáy. Một số trường hợp hiếm gặp, polyp quá lớn có thể thay đổi hình dạng khuôn mặt.
Triệu chứng
Nếu kích thước của polyp mũi còn nhỏ thì sẽ không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Chỉ khi polyp gia tăng về kích thước thì cơ thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu rõ rệt hơn, cụ thể đó là:
- Thường xuyên bị sổ mũi, nghẹt mũi kéo dài;
- Mất vị giác, khứu giác;
- Đau nhức đầu âm ỉ, ngoài ra còn bị đau nhức vùng mặt và răng hàm trên;
- Hay bị chảy máu cam;
- Ngáy nhiều, ngáy to (có thể nhận thấy rõ ở những người trước đây không có thói quen ngáy khi ngủ);
- Có cảm giác nặng nề ở trên trán và trên mặt;
- Viêm đa xoang mạn tính.
Mặc dù không phải là bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng trong trường hợp polyp phát triển quá lớn có thể dẫn đến những biến chứng sau:
- Cản trở hoạt động hô hấp với các biểu hiện như giảm chức năng khứu giác, khó thở, thậm chí là ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm;
- Lòi polyp ra cửa mũi trước và đi vào cửa mũi sau;
- Làm giãn rộng hốc mũi, hủy hoại xương hốc mũi và gây biến dạng khuôn mặt khiến mắt nhìn song thị hoặc 2 mắt bị tách xa nhau bất thường. Đây là biến chứng ít gặp và hay xảy ra ở những người bị xơ nang phổi.
Vì vậy các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh khi nhận thấy cơ thể đang có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên thì hãy đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân
Các phản ứng viêm nhiễm phù nề do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, dị ứng hoặc cơ thể phản ứng miễn dịch chống lại các vi nấm dẫn đến thoái hoá đa ổ của niêm mạc mũi xoang. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hình thành polyp mũi.
Cụ thể polyp mũi thường có nguyên nhân từ các tác nhân sau:
Viêm xoang mạn tính hay tái phát
Tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang kéo dài không được chữa trị tích cực sẽ hình thành những thương tổn tại mũi xoang. Polyp mũi là một trong những tổn thương như vậy.
Hen suyễn
Tình trạng viêm đường hô hấp phổ dị ứng rất dễ đi kèm với polyp mũi. Mối liên quan giữa hen suyễn và polyp mũi được ghi nhận từ 7-20%.
Viêm mũi xoang dị ứng
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây polyp mũi và tái phát polyp mũi.
Xơ nang
Là một rối loạn di truyền do sự sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường từ màng mũi và xoang.
Hội chứng Churg – Strauss
Đây là căn bệnh hiếm gặp, gây viêm mạch máu và sự hình thành của polyp mũi.
Nhạy cảm với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Đây là một kiểu phản ứng giống như dị ứng với các thuốc kháng viêm. Phổ biến nhất là thuốc ibuprofen hoặc aspirin có thể dẫn đến sự hình thành của polyp mũi.
Di truyền
Các gen gây ra đáp ứng của niêm mạc mũi với các tác nhân gây viêm đã được ghi nhận là tác nhân di truyền polyp mũi.
Đối tượng nguy cơ
Tất cả mọi người đều có thể bị bệnh polyp mũi, nhưng xảy ra chủ yếu ở người trên 40 tuổi và ở trẻ em bị các bệnh như hen phế quản, viêm xoang mãn, sổ mũi và xơ nang phổi.
Chẩn đoán
Vì bệnh có các triệu chứng gần giống như viêm mũi xoang hoặc cảm cúm nên rất khó để nhận biết. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết sau 1-2 tuần trong khi các triệu chứng của polyp thường kéo dài. Lúc này, người bệnh cần thăm khám ngay tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời và có chỉ định điều trị thích hợp.
Để chẩn đoán polyp mũi, cần khai thác bệnh sử kỹ lưỡng, khám lâm sàng, nội soi mũi, hình ảnh học và xét nghiệm bổ sung cho dị ứng, vi khuẩn học, xét nghiệm chức năng phổi; độ nhạy aspirin,…
Qua phương pháp soi mũi thông thường, polyp có thể được nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu polyp mũi nằm sâu trong xoang, nội soi mũi sẽ được thực hiện.
Có 4 mức độ polyp mũi được xác định theo kích thước, tình trạng tiến triển qua các giai đoạn khác nhau:
- Mức độ 1: Polyp có kích thước nhỏ, mềm, nằm gọn trong vùng khe giữa mũi. Polyp lúc này chỉ có thể phát hiện được thông qua nội soi.
- Mức độ 2: Polyp có kích thước vừa phải, đã chiếm hết khe giữa mũi và chạm tới cuốn mũi giữa.
- Mức độ 3: Kích thước của polyp to, chạm tới lưng cuốn mũi dưới gây nghẹt thở, rối loạn khứu giác. Khi lấy tay nâng mũi lên và soi gương có thể thấy được polyp.
- Mức độ 4: Polyp mũi phình rất to, lấp kín gần hết hốc mũi và thò tới cửa lỗ mũi.
Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ mũi xoang
Khi phát hiện các khối polyp kích thước lớn hoặc lan tỏa 2 bên, bệnh nhân có thể cần được chụp phim để xác định mức độ nặng của bệnh và hỗ trợ lên kế hoạch điều trị. Nội soi mũi xoang và phương tiện hình ảnh học không những giúp chẩn đoán có polyp mũi và phân biệt với các tổn thương dạng u khác trong vùng mũi xoang.
Test dị ứng tìm nguyên nhân gây viêm mũi kéo dài
Đối với các polyp mũi ở trẻ nhỏ, cần thực hiện các xét nghiệm những bệnh lý về gen. Ví dụ như xét nghiệm bệnh xơ nang.
Phòng ngừa bệnh
Polyp mũi có thể là bẩm sinh hoặc phát triển trong quá trình trưởng thành. Có thể phòng ngừa tuyệt đối được polyp mũi và có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển hoặc tái phát bệnh bằng các biện pháp như:
- Kiểm soát các bệnh hen phế quản và dị ứng.
- Tránh xa môi trường có các chất kích thích mũi, các chất có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như khói thuốc, bụi…
- Dùng xà phòng để vệ sinh tay thường xuyên nhằm tránh lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm mũi và xoang.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và xoang hằng ngày nhằm giảm viêm trong mũi cũng như làm khô chất nhầy đang gây nghẹt mũi, đồng thời làm chậm quá trình sản sinh chất gây viêm adiponectin trong cơ thể.
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch: Ngủ đủ giấc, áp dụng chế độ ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Điều trị như thế nào?
Có hai phương pháp điều trị polyp mũi chính là điều trị nội khoa và phẫu thuật.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa được chỉ định cho các trường hợp polyp mũi nhỏ, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc ít gây biến chứng. Thuốc điều trị chủ yếu được dùng là Corticosteroids đường uống hoặc tiêm toàn thân. Thuốc có tác dụng nhanh nhưng nhiều tác dụng phụ, nếu dùng đường uống cần lưu ý tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Bên cạnh đó, polyp mũi thường đi kèm với bệnh dị ứng và nhiễm trùng nên có thể dùng kết hợp thuốc chống dị ứng và thuốc điều trị nhiễm trùng.
Thuốc kháng histamin là thuốc chống dị ứng dùng khi bệnh nhân polyp mũi bị dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên, giúp người bệnh giảm ngạt mũi và các triệu chứng khó chịu. Nếu nhiễm trùng cấp ở mũi xoang sẽ dùng thêm kháng sinh điều trị.
Như vậy, điều trị polyp mũi bằng nội khoa không loại bỏ hoàn toàn polyp, chủ yếu tác dụng làm giảm triệu chứng do polyp mũi gây ra.
Điều trị bằng nội khoa với polyp mũi kích thước nhỏ
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị lựa chọn với những bệnh nhân bị polyp mũi lớn, gặp phải tình trạng khó thở, ù tai, giảm hoặc mất khứu giác. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này là dù loại bỏ được polyp mũi nhưng bệnh dễ tái phát trở lại.
Phẫu thuật polyp mũi bằng nội soi được chỉ định phổ biến do ít xâm lấn, ít gây đau và tốc độ hồi phục nhanh. Polyp được cắt bỏ sẽ làm thông thoáng khoang mũi xoang, từ đó các triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm.
Sau mổ loại bỏ polyp mũi, để phòng ngừa polyp mũi mọc lại hoặc tăng thể tích lại, người bệnh cần điều trị bằng thuốc kết hợp với theo dõi, thăm khám thường xuyên.
Như vậy, mỗi phương pháp điều trị polyp mũi đều có ưu nhược điểm nhất định, do vậy dựa trên mức độ, kích thước polyp cùng sức khỏe toàn thân của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.