Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tổng quan về rối loạn nhịp tim: Những điều bạn cần biết
Rối loạn nhịp tim đang là nguyên nhân của rất nhiều trường hợp đột tử hiện nay. Tình trạng rối loạn nhịp có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Bài viết dưới sẽ chia sẻ những kiến thức về rối loạn nhịp tim một cách tổng quát nhất.
Tổng quan chung
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.
Trong rối loạn nhịp tim, rối loạn nhịp nhanh thường gây nguy hiểm hơn cho người bệnh. Tất cả các vấn đề về rối loạn nhịp tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, đối với những trường hợp rối loạn nhịp tim nặng, tim ngừng đập sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào.
Rối loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần nó là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện bất thường, cần sớm gặp bác sĩ, thăm khám để phòng tránh những biến cố nguy hiểm do bệnh gây ra.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim rất đa dạng, với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhưng hoàn toàn không có biểu hiện nào, hoặc các biểu hiện khá mơ hồ như cảm giác không khỏe, cảm giác khó chịu ngực. Những triệu chứng thường gặp trong rối loạn nhịp gồm:
- Hồi hộp
- Cảm giác đánh trống ngực/tim đập mạnh
- Hụt hơi, khó thở
- Ran ngực
- Yếu sức
Bên cạnh đó, các triệu chứng liên quan rối loạn nhịp cần được lưu ý đặc biệt vì có khả năng bị loạn nhịp nặng bao gồm:
- Đau ngực
- Vã mồ hôi
- Chóng mặt, hoa mắt, tối sầm mắt
- Gần ngất hoặc ngất
- Mệt đừ
Một số rối loạn nhịp hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe như ngoại tâm thu nhĩ hoặc ngoại tâm thu thất thưa – không triệu chứng. Tuy nhiên, cũng có những loại loạn nhịp có thể làm suy giảm chức năng tim theo thời gian, hoặc gây ra các triệu chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Do đó, khi có những triệu chứng nghi ngờ, đặc biệt là triệu chứng nặng như ngất, gần ngất thì bạn cần khám chuyên khoa loạn nhịp tim để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Nhiều trường hợp bị rối loạn nhịp không biết rõ nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ thể làm phát triển rối loạn nhịp tim chức năng như:
- Rối loạn tâm lý
- Lao động gắng sức
- Liên quan đến ăn uống
- Hút thuốc lá
- Uống rượu bia
- Sử dụng caffein
Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do tổn thương thực thể tại tim như:
- Thiếu máu cơ tim
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh cơ tim
- Bệnh van tim
- Bệnh tim bẩm sinh
Một số tình trạng khác cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim là:
- Bệnh lý tuyến giáp
- Viêm phổi – phế quản cấp tính/mạn tính
- Thiếu máu
- Rối loạn cân bằng toan – kiềm
- Rối loạn điện giải
- Do một số loại thuốc
Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim.
Đối tượng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào, tuy nhiên theo các kết quả nghiên cứu, bệnh dễ gặp ở các đối tượng sau:
- Người trên 60 tuổi.
- Người bệnh có bệnh sử tăng huyết áp.
- Người mắc bệnh động mạch vành.
- Bệnh nhân suy tim.
- Bệnh về van tim.
- Người từng phẫu thuật tim mở.
- Người có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Đái tháo đường.
- Bệnh phổi mạn tính.
- Uống nhiều rượu và sử dụng chất kích thích.
- Người trên 60 tuổi từng bị nhiễm trùng hoặc các bệnh nội khoa.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, bác sĩ chuyên khoa loạn nhịp sẽ khám và đánh giá tình trạng tim mạch chung, hỏi bệnh sử và các triệu chứng liên quan của bạn. Bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá độ nặng của tình trạng rối loạn nhịp (nếu có). Qua việc thăm khám lâm sàng và có kết quả của các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn tình trạng bệnh và tư vấn cho bệnh nhân các hướng điều trị thích hợp.
Cũng cần lưu ý rằng một số loạn nhịp tim có tính chất xảy ra từng lúc hoặc thoáng qua. Khi bệnh nhân đã về nhịp bình thường (do cơn loạn nhịp tự chấm dứt) và đến khám thì kết quả khám có thể bình thường, không phát hiện được các dấu hiệu bất thường và gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh. Do đó, một khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ liên quan loạn nhịp, nên đến khám chuyên khoa loạn nhịp sớm nhất có thể, nhất là khi đang còn triệu chứng.
Những kiểm tra cận lâm sàng thường được chỉ định để chẩn đoán rối loạn nhịp tim là:
- Điện tâm đồ (ECG): Trong quá trình đo điện tâm đồ, các cảm biến (điện cực) giúp phát hiện hoạt động điện của tim được gắn vào ngực, cánh tay hoặc chân. Phương pháp này nhằm đo thời gian của mỗi pha điện trong nhịp tim.
- Máy theo dõi điện tim (Holter ECG) 24 giờ: Thiết bị theo dõi điện tim di động này có thể được đeo trong một hoặc nhiều ngày để ghi lại hoạt động của điện tim trong thời gian lâu hơn giúp tăng khả năng phát hiện loạn nhịp tim. Máy hữu ích trong việc đánh giá các triệu chứng nghi liên quan loạn nhịp cũng như theo dõi đáp ứng trong quá trình điều trị. Máy cũng được dùng để tầm soát, phát hiện những bệnh nhân có nguy cơ bị loạn nhịp để điều trị kịp thời.
- Máy ghi sự kiện: được sử dụng để phát hiện các rối loạn nhịp tim lẻ tẻ. Máy thường được đeo trong thời gian dài (lên đến 30 ngày hoặc cho đến khi bạn xuất hiện các triệu chứng loạn nhịp tim điển hình).
- Siêu âm tim: Một thiết bị cầm tay (đầu dò) đặt trên ngực sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc và chuyển động của tim.
- Máy ghi vòng lặp cấy ghép (loop recorder): Nếu các triệu chứng không thường xuyên, bác sĩ sẽ cấy máy này dưới da ở vùng ngực để liên tục ghi lại hoạt động điện của tim và phát hiện nhịp tim không đều.
Phòng ngừa bệnh
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh rối loạn nhịp tim, cần tuân thủ những biện pháp dưới đây:
Điều chỉnh lối sống lành mạnh:
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, caffeine và các chất gây nghiện khác.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Hạn chế chất béo xấu như đồ ăn sẵn, cholesterol, đồ ngọt,…
- Tập thể dục đều đặn và duy trì một cường độ phù hợp với sức khỏe của bản thân.
Giảm căng thẳng và kiểm soát stress:
- Học cách giảm căng thẳng và kiểm soát stress thông qua các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, tập thể dục, hoặc các hoạt động giải trí yêu thích.
- Tìm hiểu các phương pháp quản lý stress để giúp giảm áp lực và căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác:
- Kiểm soát và điều trị các bệnh lý liên quan như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, và các bệnh lý ngoại vi khác.
- Tuân thủ đúng các chỉ định và đơn thuốc của bác sĩ, và tham khảo ý kiến chuyên gia khi cần thiết.
Tránh sử dụng các loại thuốc gây rối loạn nhịp tim:
- Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng và hỏi xem có ảnh hưởng đến nhịp tim không. Tránh sử dụng các thuốc gây rối loạn nhịp tim nếu không cần thiết.
Kiểm tra định kỳ và điều trị các bệnh lý tim mạch:
- Định kỳ kiểm tra tim và nhịp tim tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch.
- Theo dõi sự phát triển của bất kỳ bệnh lý tim mạch nào và điều trị kịp thời nếu cần.
- Tránh tiếp xúc với các chất độc hại
Điều trị rối loạn nhịp tim
Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim thường được áp dụng là điều trị nội khoa và phẫu thuật. Trong đó điều trị nội khoa là chỉ định đầu tay. Nếu phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả mới tính đến phương pháp phẫu thuật.
Mục đích điều trị bằng thuốc hướng đến là ngăn ngừa nhịp tim tự động bất thường, điều chỉnh tốc độ dẫn truyền xung điện và đẩy nhanh quá trình phục hồi cơ tim.
Một số thuốc điều trị rối loạn nhịp tim thường dùng bao gồm:
- Thuốc chống loạn nhịp tim (amiodaron, sotalol, dronedaron,…) có tác dụng tăng thời gian trơ của tim và ngăn chặn tính tự động bất thường của nhịp tim.
- Thuốc chẹn beta (metoprolol, atenolol, bisopropol) có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim nên làm giảm gánh nặng hoạt động của tim và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
- Thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem…) có tác dụng giãn mạch và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về rối loạn nhịp tim. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.