Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tăng canxi máu là gì? Những điều cần biết về tăng canxi máu
Tăng canxi máu là tình trạng canxi huyết vượt ngưỡng bình thường do nhiều nguyên nhân gây nên như cường cận giáp, ngộ độc vitamin D, ung thư… Nhìn chung canxi máu tăng cao là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến các triệu chứng như yếu cơ, rối loạn ý thức, thậm chí là hôn mê.
Tổng quan chung
Tăng canxi máu là tình trạng nồng độ canxi (Ca2+) trong huyết thanh cao hơn mức bình thường. Giới hạn bình thường của nồng độ canxi là 2,1–2,6 mmol/L (8,8–10,7 mg/dL hay 4,3-5,2 mEq/L). Mức độ lớn hơn 2,6 mmol/L được xác định là tăng canxi máu. Khi nồng độ canxi trong máu quá nhiều có thể khiến xương bị suy yếu, gây sỏi thận, can thiệp vào cách thức hoạt động của tim và não.
Triệu chứng
Người bệnh tăng canxi máu ở mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, nồng độ canxi trong máu tăng cao sẽ xuất hiện gây ra một số triệu chứng ở các bộ phận trên cơ thể như:
- Ở thận: Lượng canxi trong cơ thể dư thừa, thận sẽ làm việc nhiều hơn. Điều này khiến người bệnh khát nước và đi tiểu thường xuyên hơn.
- Hệ thống tiêu hóa: Người bệnh tăng canxi máu thường khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn và táo bón.
- Xương và cơ: Hầu hết, người bệnh tăng canxi máu, cơ thể sẽ lọc lượng canxi dư thừa ra khỏi xương. Điều này khiến xương yếu, người bệnh thường thấy đau xương và yếu cơ.
- Não: Tăng canxi máu gây cản trở hoạt động của não. Người bệnh thường lú lẫn, đờ đẫn và mệt mỏi, đặc biệt có thể mắc trầm cảm.
- Tim: Tăng canxi máu nặng có thể ảnh hưởng đến chức năng của tim. Tuy nhiên, dấu hiệu bệnh này hiếm khi xảy ra. Người bệnh tăng canxi máu có thể cảm thấy đánh trống lồng ngực, nhịp tim rối loạn, ngất xỉu và các vấn đề khác ở tim.
Nguyên nhân
Chức năng chính của canxi là góp phần làm xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra khoáng chất này còn giúp cơ bắp hoạt động hiệu quả, tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh. Trong trường hợp lượng canxi trong máu không đủ, tuyến cận giáp sẽ tiết ra một loại hormone nhằm:
- Kích hoạt hệ tiêu hóa để hấp thụ nhiều canxi
- Kích hoạt xương giải phóng canxi vào máu
- Kích hoạt thận để bài tiết ít canxi và tạo nhiều vitamin D hơn
Nồng độ canxi trong máu bị mất cân bằng do nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến các nguyên nhân chính gây tăng canxi máu như:
-
Tuyến cận giáp hoạt động quá mức
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tình trạng tăng canxi máu. Tuyến cận giáp hoạt động quá mức hay còn gọi là cường cận giáp có thể do sự phì đại của một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoặc xuất phát từ một khối u nhỏ, không ung thư (lành tính).
-
Ung thư
Ung thư vú và ung thư phổi cũng như một số bệnh ung thư di căn xương, ung thư máu đều có thể làm tăng nguy cơ gây tăng canxi máu.
-
Một số tình trạng bệnh khác
Bệnh u hạt (sarcoidosis) và bệnh lao có thể làm tăng nồng độ vitamin D trong máu từ đó kích thích đường tiêu hóa hấp thụ nhiều canxi hơn gây tăng canxi huyết tương.
-
Các yếu tố di truyền
Sự gia tăng canxi trong máu có thể do một rối loạn di truyền hiếm gặp từ các thụ thể canxi bị lỗi. Tình trạng này không gây ra các dấu hiệu, triệu chứng hoặc biến chứng bệnh.
-
Tình trạng không vận động
Những người bệnh phải ngồi hoặc nằm trong thời gian trên giường bệnh hoặc xe lăn có thể bị tăng canxi máu. Cụ thể phần xương không chịu trọng lượng sẽ giải phóng canxi vào máu theo thời gian.
-
Một số nguyên nhân khác
- Mất nước nghiêm trọng: một nguyên nhân phổ biến gây tăng canxi máu thoáng qua, tình trạng nhẹ là do mất nước.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể kích thích giải phóng hormon tuyến cận giáp, ví dụ như lithium được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực.
- Viên uống bổ sung: uống quá nhiều vitamin D hoặc canxi trong thời gian dài có thể làm tăng mức canxi trong máu trên mức bình thường.
- Các yếu tố rủi ro: phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ tăng canxi máu cao hơn do mắc phải tình trạng tuyến cận giáp hoạt động quá mức.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng tăng calci máu gồm:
- Người dư thừa hormon tuyến cận giáp.
- Cơ thể thiếu nước.
- Người mắc bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư phổi và ung thư vú, hoặc ung thư đã di căn đến các cơ quan trong cơ thể.
- Người có quá nhiều vitamin D trong máu.
- Người không hoạt động một khoảng thời gian dài, trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần (chủ yếu ở trẻ em).
- Bổ sung quá nhiều canxi trong chế độ ăn uống, dẫn đến hội chứng Burnett, thường xảy ra khi một người dùng hơn 2000 miligam chất bổ sung calci bicarbonate mỗi ngày cùng với Vitamin D liều cao.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức.
- Người mắc bệnh thận mạn tính hoặc suy thận.
- Người sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu lithium và thiazid.
- Một số bệnh nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe như bệnh Paget, bệnh lao và bệnh u hạt (sarcoidosis).
- Người có gen di truyền ảnh hưởng đến khả năng quản lý calci của cơ thể.
- Đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị tăng calci máu. Tuy nhiên, bệnh này phổ biến nhất ở phụ nữ trên 50 tuổi (sau mãn kinh).
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ canxi trong máu. Ngoài ra, cũng cần thêm xét nghiệm nước tiểu để đo canxi, protein và các chất khác.
Nếu bác sĩ phát hiện thấy mức canxi cao, họ sẽ yêu cầu thêm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán cường cận giáp và các bệnh lý khác. Các xét nghiệm có thể cho phép bác sĩ kiểm tra bằng chứng của bệnh ung thư hoặc các bệnh khác gây tăng canxi máu, bao gồm:
- X-quang ngực có thể phát hiện ung thư phổi.
- Chụp nhũ ảnh, giúp chẩn đoán ung thư vú.
- Chụp CT, hình ảnh chi tiết hơn về cơ thể bạn.
- Quét MRI, tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc khác của cơ thể bạn.
- Kiểm tra mật độ khoáng xương DEXA, đánh giá sức mạnh của xương.
Phòng ngừa bệnh
Một số điều chỉnh lối sống nhất định có thể giúp giữ mức canxi cân bằng và duy trì sức khỏe xương:
- Uống nhiều nước: uống đủ nước có thể làm giảm lượng canxi trong máu và có thể giúp ngăn sỏi thận.
- Bỏ hút thuốc lá: hút thuốc có thể làm tăng tình trạng loãng xương. Ngoài việc cải thiện sức khỏe của xương, việc bỏ thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
- Tập thể dục: rèn luyện sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng và sức khỏe của xương.
- Tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ: giúp giảm nguy cơ tiêu thụ quá nhiều vitamin D và canxi máu.
Điều trị như thế nào?
Điều trị tăng canxi máu phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu người bệnh tăng canxi máu mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh thêm, đặc biệt là ở xương và thận. Đồng thời, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh một số điều như:
- Uống nhiều nước.
- Chuyển sang thuốc điều trị huyết áp không chứa thiazid, thuốc lợi tiểu.
- Ngưng dùng hoặc giảm liều thuốc kháng axit giàu canxi.
- Ngừng dùng hoặc giảm liều thuốc bổ sung canxi hoặc chứa canxi.
Với tình trạng tăng canxi máu nặng bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, cụ thể:
- Thuốc
- Calcitonin (Miacalcic): Hormone trong cá hồi này giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy người, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn nhẹ.
- Thuốc canxi: Thuốc này giúp tuyến cận giáp được kiểm soát không hoạt động quá mức.
- Bisphosphonates – Thuốc loãng xương tiêm tĩnh mạch: Thuốc có tác dụng giảm nồng độ canxi nhanh nên thường được dùng điều trị tăng canxi máu do ung thư. Phương pháp này có thể xảy ra một số tác dụng phụ như gãy xương hàm, xương đùi.
- Denosumab: Thuốc này dùng điều trị người bệnh tăng canxi máu do ung thư. Thông thường, bác sĩ dùng thuốc Denosumab để điều trị nếu thuốc bisphosphonates không đạt hiệu quả.
- Prednisone: Dùng thuốc này điều trị bệnh tăng canxi máu do hàm lượng vitamin D cao trong thời gian ngắn thường đạt hiệu quả nhanh.
- Truyền dịch và thuốc lợi tiểu: Khi người bệnh tăng canxi máu nặng phải nhập viện ngay. Bác sĩ sẽ điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch và thuốc lợi tiểu để kịp thời hạ thấp mức canxi.
- Phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác
Nếu người bệnh tăng canxi máu do tuyến cận giáp hoạt động quá mức, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ mô gây vấn đề này. Trong nhiều trường hợp chỉ có 1 trong 4 tuyến ảnh hưởng. Vì vậy, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm đặc biệt, tiêm lượng nhỏ chất phóng xạ để xác định tuyến không hoạt động bình thường.