Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thoái hóa khớp cổ chân là gì? Những điều cần biết về thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng gây đau đớn, sưng và cứng khớp, đặc biệt là sau đi bộ. Vậy thoái hóa khớp cổ chân là gì? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Thoái hóa khớp cổ chân là tình trạng sụn khớp bị bào mòn theo thời gian, khiến các xương cọ vào nhau khi di chuyển, kèm với phản ứng viêm nên gây đau, cứng và các triệu chứng khác cho người bệnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sụn mà còn có thể gây tổn thương xương, dây chằng, gân xung quanh khớp.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở nhóm người trên 45 tuổi và nữ giới chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam giới.
Cấu trúc của khớp cổ chân khá đặc biệt, gồm 3 mặt khớp: sên mác ở bên ngoài, chày sên ở trên và mắt cá trong – sên ở bên trong. Diện tích của mặt khớp cổ chân nhỏ, khoảng 350mm. Độ dày sụn khớp cổ chân không nhiều, có chỗ nhỏ hơn <1mm, nên áp lực lên sụn khớp cổ chân rất lớn. Tuy nhiên, lực bẻ gãy và độ cứng của sụn cao gấp nhiều lần so với gối và háng, nên khớp cổ chân ít bị thoái hóa nguyên phát hơn khớp gối và khớp háng. Khớp cổ chân thoái hóa chủ yếu là do nguyên nhân thứ phát sau chấn thương.
Triệu chứng
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây ra triệu chứng hoặc những triệu chứng ít nghiêm trọng và không diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, nếu cơ thể xảy ra những dấu hiệu bất thường, dù ở mức độ nhẹ hay nghiêm trọng, bạn vẫn nên đi khám càng sớm càng tốt. Bệnh thoái hóa khớp cổ chân có thể tiến triển âm thầm và gây ra những hệ lụy sức khỏe vô cùng nghiêm trọng. Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể của bệnh:
- Người bệnh bất chợt bị đau nhức mà không phải do va đập. Khi lao động nặng hoặc gắng sức thì cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn.
- Cứng khớp: Khớp cổ chân bị cứng, khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt vào buổi sáng.
- Khi nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ thuyên giảm rõ rệt.
- Cảm giác đau nhức sẽ khiến cho khớp cổ chân giảm biên độ và phạm vi hoạt động.
- Tiếng kêu khi cử động: Nghe thấy tiếng kêu lục cục hoặc lạo xạo khi cử động khớp cổ chân.
Nguyên nhân
Theo các chuyên gia cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, có rất nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp cổ chân. Việc xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Tuổi tác: Thoái hóa khớp có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Thời gian làm các lớp sụn khớp bị bào mòn, mỏng đi, kém linh hoạt và dễ bị thoái hóa.
Chấn thương: đứt/rách dây chằng cổ chân
Mắt cá chân đặc biệt dễ bị bong gân, gãy xương và các chấn thương khác trong quá trình sinh hoạt, chơi thể thao, làm việc… Khớp bị chấn thương sẽ có nguy cơ bị viêm, thoái hóa nhiều hơn các khớp khác đến 7 lần. Một số thống kê cho thấy, 70-80% trường hợp khớp cổ chân bị thoái hóa xảy ra ở mắt cá chân từng bị chấn thương trước đó.
Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn
Một số trường hợp thoái hóa khớp cổ chân có liên quan đến tình trạng bệnh lý có từ trước. Các tình trạng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp và viêm khớp phản ứng. Các bệnh khớp toàn thân này có thể gây tổn thương xương khớp theo thời gian
- Bệnh huyết học như máu khó đông, bệnh huyết sắc tố
- Bàn chân khoèo hoặc các khuyết tật bẩm sinh ở chân khác dẫn đến liên kết khớp mắt cá chân kém
- Bệnh hoại tử vô mạch và chứng thoái hóa xương khiến cho xương và sụn của khớp cổ chân dễ bị tổn thương cho do lưu thông máu kém
Không rõ nguyên nhân
Một số trường hợp cổ chân bị thoái hóa không do chấn thương hoặc tình trạng bệnh lý trước đó được gọi là viêm khớp cổ chân nguyên phát. Tình trạng này thường chiếm khoảng 10% trường hợp. Người bị thoái hóa cổ chân nguyên phát có xu hướng ít bị đau hơn và có phạm vi vận động tốt hơn những trường hợp khác.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc thoái hóa khớp cổ chân bao gồm:
- Người cao tuổi: Tỷ lệ thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác.
- Những người lao động nặng: Những người làm công việc yêu cầu vận động cổ chân nhiều.
- Vận động viên: Đặc biệt là những môn thể thao yêu cầu cổ chân hoạt động liên tục như bóng đá, điền kinh, vũ công múa ba lê,…
- Người có tiền sử chấn thương cổ chân: Những người đã từng bị chấn thương cổ chân.
Chẩn đoán
Để xác định tình trạng này, bác sĩ sẽ dành thời gian hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định các biện pháp dưới đây.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng ở cổ chân của người bệnh, hỏi bệnh sử và tình trạng sức khỏe. Người bệnh cũng được yêu cầu đi lại để xem dáng đi và mức độ ảnh hưởng của tình trạng thoái hóa khớp.
Chẩn đoán hình ảnh
Các biện pháp chẩn đoán hình ảnh cũng được chỉ định để bác sĩ có thêm thông tin về mức độ viêm khớp và/hoặc loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây đau cổ chân.
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang sẽ cho thấy tình trạng thu hẹp không gian khớp cổ chân, mất sụn ở mắt cá chân và các gai xương, một dấu hiệu cho thấy sự bù đắp lượng sụn bị mất bằng sự phát triển thêm của xương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kết quả chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh của mô mềm (dây chằng, gân và cơ) và xương ở vùng cổ chân. Nhờ đó, bác sĩ có thể loại trừ nguyên nhân viêm xương khớp, tổn thương dây chằng hoặc gân ở mắt cá chân.
Xét nghiệm máu
Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định làm các xét nghiệm máu để loại trừ các dạng viêm khớp khác.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ chân là:
- Hạn chế việc mang vác nặng làm cho các cơ phải hoạt động quá sức, khiến cổ chân chịu một khối lượng lớn dẫn tới tình trạng viêm khớp cổ chân hoặc thoái hóa khớp.
- Lựa chọn giày dép phù hợp, có kích cỡ ôm chân giúp nâng đỡ chân, hạn chế việc đi giày cao gót trong thời gian dài; hạn chế sử dụng dép quá cứng bởi điều này dễ gây tổn thương cho khớp cổ chân.
- Duy trì thói quen luyện tập thể thao thường xuyên với những bộ môn nhẹ nhàng và tốt cho cử động nhịp nhàng của phần khớp như: bơi lội, đạp xe, chạy bộ, đi bộ, tập yoga,…
- Thường xuyên thực hiện ngâm chân với nước muối ấm, cho thêm một vài lát gừng tươi kết hợp với việc massage, xoa bóp cổ chân và bàn chân, đặc biệt là trong những ngày cần phải di chuyển nhiều, đi đứng nhiều.
- Tăng cường việc bổ sung canxi và chất dinh dưỡng, vitamin,… để giúp xương khớp được chắc khỏe, giúp phòng ngừa loãng xương cũng như các bệnh thoái hóa khớp.
- Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về việc mình mắc bệnh về khớp, bệnh nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám ngay và được tư vấn đúng đắn.
- Người cao tuổi cần tập luyện nhẹ nhàng cho phần khớp xương cổ chân như: xoa bóp cổ chân, xoay khớp nhẹ nhàng, đi lại trong nhà,… Đi bộ được xem là phương pháp khá hiệu quả và được đa số mọi người thực hiện. Tuy nhiên với bệnh nhân không nên đi quá xa vì có thể làm tăng quá trình bị thoái hóa khớp.
Có thể thấy, thoái hóa khớp ở cổ chân là một loại bệnh thoái hóa xương phổ biến hiện nay và gây ảnh hưởng tới cuộc sống. Do đó, hãy thường xuyên thăm khám bệnh định kỳ để nắm rõ tình trạng khớp của bản thân và biết cách phòng tránh bệnh thoái hóa kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Khi bệnh nhân cảm thấy đau nhức, cần giảm đau thì việc đầu tiên là dùng khăn hoặc túi lạnh để chườm, sau đó chườm lại bằng nước nóng. Hoặc bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp xoa bóp nhẹ nhàng, dùng dầu gió xoa vào khớp làm cho khớp nóng lên. Khi thấy khớp cổ chân bị cứng thì nên tập co, duỗi khớp cổ chân.
Nếu thực hiện những động tác nêu trên một cách đều đặn nhưng bệnh tình không thuyên giảm thì người bệnh nên tranh thủ đi khám để được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc đúng cách.
Điều trị thoái hóa khớp cổ chân bao gồm nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh:
- Dùng thuốc: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giãn cơ, thuốc bảo vệ sụn khớp.
- Vật lý trị liệu: Các bài tập và phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm đau và tăng cường vận động.
- Tiêm corticosteroid: Tiêm thuốc giảm viêm trực tiếp vào khớp.
- Phẫu thuật: Trong trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được chỉ định để thay thế hoặc sửa chữa khớp cổ chân.
Thoái hóa khớp cổ chân là một bệnh lý phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán kịp thời và áp dụng các biện pháp thích hợp. Việc hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp điều trị sẽ giúp bạn quản lý và bảo vệ sức khỏe khớp cổ chân tốt hơn. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của thoái hóa khớp cổ chân, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chăm sóc sức khỏe khớp cổ chân không chỉ giúp bạn duy trì cuộc sống năng động mà còn tránh được các biến chứng nguy hiểm về sau.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về thoái hóa khớp cổ chân.