Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư thận: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Ung thư thận chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư thận cao hơn so với phụ nữ. Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán trong độ tuổi từ 60 đến 70. Trong hai mươi năm qua, số ca ung thư thận đã tăng nhẹ, nhưng tỷ lệ sống sót cũng đã được cải thiện. Nhờ những tiến bộ trong hình ảnh học như siêu âm và công nghệ chụp cắt lớp vi tính, việc chẩn đoán chính xác ngày càng được cải thiện, giúp phát hiện nhiều trường hợp ung thư thận ở giai đoạn sớm.
Tổng quan chung
Ung thư thận là gì?
Ung thư thận là kết quả của một số tế bào thận phát triển không kiểm soát, dẫn đến một khối ác tính. Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể có chức năng lọc máu và thải nước, muối và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Ung thư thận không triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm.
Đa số các trường hợp ung thư thận được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân kiểm tra sức khỏe tổng quát. Khi bệnh đã tiến triển, bắt đầu có triệu chứng đau nhiều vùng thắt lưng kèm thường xuyên đi tiểu ra máu, sờ thấy khối u vùng bụng, gầy sút cân… Đây là căn bệnh phổ biến thứ ba trong ung thư hệ tiết niệu sau ung thư tiền liệt tuyến và ung thư bàng quang. Ung thư thận thường gặp nhất ở những người 50-70 tuổi.
Có nhiều loại ung thư thận. Một số rất hiếm gặp. Loại phổ biến nhất được gọi là ung thư biểu mô tế bào thận (RCC). Ngoài ra còn có các loại dưới nhóm của RCC giúp bác sĩ biết bạn cần phương pháp điều trị nào.
Triệu chứng ung thư thận
Triệu chứng của ung thư thận được biểu hiện bởi tam chứng cổ điển: tiểu máu, khối u vùng thắt lưng và đau.
- Tiểu máu: Triệu chứng này khá phổ biến, với khoảng 80% bệnh nhân đều gặp phải. Tình trạng đái máu thường có những đặc điểm như: đại thể, toàn bãi, không xuất hiện máu cục, đái máu một cách vô cớ. Sẽ có những trường hợp đái máu vi thể hoặc nhiều, có xuất hiện thêm máu cục và đôi khi cũng là do những cơn đau quặn.
- Đau vùng thắt lưng: Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau âm ỉ, đau do khối u phát triển với kích thước to ra khiến cho bao thận bị căng. Có một vài trường hợp có thể đi kèm theo những cơn đau quặn thận vì máu cục làm cho đường niệu bị tắc nghẽn.
- Khối u vùng bụng: bệnh nhân có thể tự sờ tay lên bụng và cảm nhận thấy khối u. Tuy nhiên đa số các khối u thận ở sâu trong ổ bụng nên khó sờ thấy, chỉ có thể phát hiện trên chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính.
- Ngoài ra còn một số triệu chứng không đặc hiệu sau:
- Mệt mỏi: Mệt mỏi kéo dài có thể thực sự là một dấu hiệu của ung thư thận. Tốt hơn là bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây mệt mỏi.
- Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân: Thận đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa và tiêu hóa. Khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn sẽ bị ảnh hưởng nếu thận bị ảnh hưởng. Do vậy, giảm cân là một triệu chứng phổ biến của ung thư thận.
- Các rối loạn liên quan đến máu: Các khối u thận có thể dẫn tới thiếu máu, mất cân bằng điện giải hoặc canxi hoặc các rối loạn liên quan đến máu khác. Do vậy, cần đi khám bác sĩ trong những trường hợp này.
- Sốt không phải do cảm lạnh và không dứt
Ung thư thận được chia thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: giai đoạn sớm nhất, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sau 5 năm cao nhất. Khối u tương đối nhỏ và chỉ xuất hiện ở một bên thận.
- Giai đoạn 2: khối u có kích thước lớn nhất khoảng 7cm, còn khu trú ở thận. Tế bào ung thư chưa lây lan tới các hạch bạch huyết lân cận hay những cơ quan khác.
- Giai đoạn 3: Trong giai đoạn III, tế bào ung thư đã xâm lấn tĩnh mạch thận, xâm lấn mỡ quanh thận nhưng chưa vượt ra ngoài cân mạc bọc thận (cân Gerota), có thể xâm lấn các hạch lympho gần quanh thận, chưa xâm lấn tuyến thượng thận.
- Giai đoạn 4: Trong giai đoạn IV tế bào ung thư đã xâm lấn tuyến thượng thận, xâm lấn ra ngoài cân Gerota, đến các hạch bạch huyết xa và các cơ quan khác. Giai đoạn ung thư di căn thường diễn biến với mức độ phức tạp và nguy hiểm. Phương pháp điều trị cho người bệnh lúc này chú trọng giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế sự di căn của khối u.
Nguyên nhân gây ung thư thận
Nguyên nhân gây ung thư thận chưa được khẳng định, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ đã được chứng minh có thể dẫn tới ung thư thận như:
- Hút thuốc lá: Đây là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây nên ung thư thận. Trung bình, có đến khoảng 30% nam giới và khoảng 24% nữ giới khi hút nhiều thuốc lá thì đều mắc phải căn bệnh quái ác này.
- Tiếp xúc hóa chất: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người làm việc có tiếp xúc với những hóa chất này có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, điển hình như công nhân nghề in, hóa chất, công nhân nhuộm hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với xăng dầu.
- Yếu tố di truyền: Bệnh có khả năng khởi phát ở nhiều người trong cùng một gia đình. Những đối tượng bị khuyết một đoạn ở NST 3 hoặc chuyển vị của các NST 3 và NST 8 cũng sẽ có tỷ lệ mắc ung thư thận khá cao.
Đối tượng nguy cơ
Ung thư thận không phải là loại ung thư phổ biến. Một số đối tượng nguy cơ của ung thư thận:
- Nam giới hút thuốc lá nhiều năm
- Người béo phì
- Người làm việc trong môi trường độc hại hóa chất công nghiệp, kim loại nặng.
- Người sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
- Có người thân bị mắc ung thư thận, đặc biệt mắc ung thư thận ở trẻ em.
Chẩn đoán ung thư thận
Chẩn đoán ung thư thận dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng như:
- Phân tích nước tiểu: Nước tiểu được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xem có máu hoặc tế bào ung thư không
- Xét nghiệm hóa sinh máu: Những xét nghiệm này cho thấy thận hoạt động tốt đến mức nào.
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC): Xét nghiệm này đo số lượng tế bào máu trong máu, như bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Những người mắc ung thư thận thường có số lượng hồng cầu thấp. (Điều này được gọi là thiếu máu)
- X-quang ngực: X-quang có thể được thực hiện để xem nếu ung thư đã lan đến phổi chưa.
- Chụp CT: còn được gọi là “chụp CAT”, dụng một loại tia X đặc biệt chụp ảnh chi tiết bên trong cơ thể để xem ung thư đã lan rộng chưa.
- Chụp MRI: Xét nghiệm này sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh thay vì tia X để tạo ra hình ảnh các phần mô mềm của cơ thể. Xét nghiệm này có thể được sử dụng để xem ung thư đã lan rộng chưa.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Xét nghiệm này có thể giúp cho thấy khối trong thận đặc hay chứa chất lỏng. (Ung thư thận thường là đặc.) Nếu cần sinh thiết thận, siêu âm có thể được sử dụng để hướng dẫn chọc kim vào khối u để lấy ra một số tế bào để xét nghiệm
- Sinh thiết thận: bác sĩ lấy ra một mảnh mô nhỏ để kiểm tra tế bào ung thư. Đối với hầu hết các bệnh ung thư, sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn có bệnh ung thư không. Nhưng sinh thiết không phải lúc nào cũng cần thiết để biết bạn có bị ung thư thận hay không. X-quang hoặc chụp CT/MRI đôi khi là đủ.
Phòng ngừa ung thư thận
Điều chỉnh lối sống tốt giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư thận, một số biện pháp như:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Chế độ ăn nhiều rau, bao gồm các loại rau cải như bông cải xanh, cải bruxen, cải bắp, cải xoăn, các loại đậu giàu chất xơ và trái cây có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Mọi người cũng nên hạn chế ăn nhiều thịt đỏ, nhất là thịt chế biến sẵn, thịt tẩm ướp có nhiều chất bảo quản, vì chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích:
- Hạn chế rượu bia: Việc này góp phần giảm nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào thận. Đối với nam giới, tối đa uống không quá 2 ly, với nữ không uống quá một ly trong ngày.
- Tránh hoặc bỏ hút thuốc: Hút thuốc là nguyên nhân của khoảng 30% ung thư thận ở nam giới và 25% ở nữ giới, càng hút nhiều năm nguy cơ càng cao. Khói thuốc thụ động cũng được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào thận. Do đó, mọi người nên bỏ thuốc nếu đang hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá và giảm tối đa nguy cơ hít khói thuốc lá thụ động để giảm nguy cơ mắc ung thư.
- Hạn chế phơi nhiễm chất độc hại: Một số độc tố môi trường có liên quan đến ung thư thận. Tiếp xúc với các chất độc hại thường xuyên, thận dễ bị tổn thương do phải làm việc liên tục để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Những hóa chất có liên quan đến ung thư thận bao gồm benzen và benzidine (trong xăng, dệt và sơn), cadimi (trong pin, sơn và vật liệu hàn), chất tẩy dầu mỡ kim loại, một số loại thuốc diệt cỏ, trichloroethylene…
- Nếu công việc của bạn thường xuyên tiếp xúc với các chất nêu trên, bạn bên dùng các phương pháp bảo hộ đúng cách khi làm việc như: đeo găng tay, khẩu trang và mặt nạ phòng độc hoặc giới hạn thời gian tiếp xúc.
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng ổn định, duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên có thể giúp giảm cân, đồng thời giảm nguy cơ mắc ung thư thận.
- Kiểm soát các bệnh lý nền như huyết áp: Huyết áp cao là một yếu tố rủi ro gây ung thư thận. Nguy cơ này cao hơn ở những người được chẩn đoán mắc huyết áp cao lâu năm và kiểm soát huyết áp kém. Việc kiểm soát huyết áp ổn định bằng các biện pháp khoa học góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, trong đó có ung thư thận.
- Xét nghiệm và sàng lọc di truyền: Tiền sử gia đình mắc ung thư thận làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh, đặc biệt là ở những người thân cấp một (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái).
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: 6 tháng hoặc 1 năm/lần, đặc biệt kiểm tra chức năng thận, bệnh được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi cao hơn.
Điều trị ung thư thận như thế nào?
Có nhiều phương pháp để điều trị ung thư thận. Lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Giai đoạn và phân độ ung thư
- Độ tuổi của người bệnh
- Các vấn đề sức khỏe khác mắc kèm
Một số phương pháp chữa trị như:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật được sử dụng để điều trị hầu hết các ung thư thận.
- Đốt điện khối u: Đốt điện sẽ phá hủy khối u mà không cần lấy nó ra bằng phẫu thuật. Phương pháp này có thể được thực hiện nếu người bệnh quá yếu để phẫu thuật. Có nhiều cách để thực hiện, như làm nóng khối u bằng sóng vô tuyến hoặc vi sóng, đóng băng khối u hoặc tiêu diệt khối u bằng cách chặn nguồn cung cấp máu nuôi thận.
- Xạ trị: Xạ trị đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư thận ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật. Phương pháp này có thể gây ra 1 số tác dụng phụ phụ thuộc vào loại bức xạ được sử dụng như: thay đổi da nơi chiếu xạ (đỏ hoặc bong tróc da như cháy nắng), cảm thấy rất mệt mỏi và hầu hết các tác dụng phụ sẽ nhẹ hơn sau khi điều trị kết thúc.
- Liệu pháp miễn dịch: liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của chính bạn hoặc sử dụng các phần nhân tạo của hệ thống miễn dịch để giúp tấn công các tế bào ung thư thận. Nhiều loại liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị ung thư thận
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Liệu pháp nhắm trúng đích hoạt động trên những thay đổi trong các tế bào gây ung thư. Những loại thuốc này tác động chủ yếu đến các tế bào ung thư chứ không phải các tế bào bình thường trong cơ thể. Các phương pháp này có thể có tác dụng ngay cả khi các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng. Các thuốc nhắm trúng đích thường ở dạng viên để uống ở nhà hoặc có thể được tiêm truyền qua tĩnh mạch. Những loại thuốc này có tác dụng phụ khác với hóa trị.
- Hóa trị: Hóa trị là viết tắt của liệu pháp hóa trị – là các loại thuốc chống ung thư. Thuốc có thể được đưa vào tĩnh mạch hoặc dùng dưới dạng viên. Những loại thuốc này đi vào máu và lan khắp cơ thể. Chúng tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh, chẳng hạn như tế bào ung thư và thậm chí cả tế bào tốt, như những tế bào trong ruột và tóc. Hóa trị được cho theo chu kỳ. Mỗi đợt điều trị được theo sau bởi một khoảng nghỉ. Hóa trị không hoạt động tốt đối với ung thư thận, nhưng có thể được thử nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.