Cách phòng ngừa bệnh ung thư thận
Ung thư thận là kết quả của một số tế bào thận phát triển không kiểm soát, dẫn đến một khối ác tính. Đây là căn bệnh phổ biến thứ ba trong ung thư hệ tiết niệu sau ung thư tiền liệt tuyến và ung thư bàng quang.
Ung thư thận thường không triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm. Đa số các trường hợp ung thư thận được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân kiểm tra sức khỏe tổng quát. Khi bệnh đã tiến triển, bắt đầu có triệu chứng đau nhiều vùng thắt lưng kèm thường xuyên đi tiểu ra máu, sờ thấy khối u vùng bụng, gầy sút cân… Vậy có cách nào phòng ngừa bệnh ung thư thận không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Những ai dễ mắc bệnh ung thư thận?
Ung thư thận không phải là loại ung thư phổ biến. Một số đối tượng dễ mắc bệnh ung thư thận như:
- Những người trong độ tuổi 50-70 tuổi: Ung thư thận hiếm gặp trước 45 tuổi
- Nam giới hút thuốc lá nhiều năm: Những người hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ cao hơn, nhưng nguy cơ bắt đầu giảm sau khi người đó bỏ thuốc lá.
- Người béo phì: Những người bị béo phì có nguy cơ cao hơn, có thể do các yếu tố nội tiết tố.
- Người làm việc trong môi trường độc hại hóa chất công nghiệp, kim loại nặng.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc một số loại thuốc giảm đau cũng có thể khiến một người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Có người thân bị mắc ung thư thận, đặc biệt mắc ung thư thận ở trẻ em.
Nguyên nhân gây ung thư thận là gì?
Nguyên nhân gây ung thư thận chưa được khẳng định, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ đã được chứng minh có thể dẫn tới ung thư thận như:
- Hút thuốc lá: Đây là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây nên ung thư thận. Trung bình, có đến khoảng 30% nam giới và khoảng 24% nữ giới khi hút nhiều thuốc lá thì đều mắc phải căn bệnh quái ác này.
- Tiếp xúc hóa chất: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người làm việc có tiếp xúc với những hóa chất này có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, điển hình như công nhân nghề in, hóa chất, công nhân nhuộm hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với xăng dầu.
- Yếu tố di truyền: Bệnh có khả năng khởi phát ở nhiều người trong cùng một gia đình. Những đối tượng bị khuyết một đoạn ở NST 3 hoặc chuyển vị của các NST 3 và NST 8 cũng sẽ có tỷ lệ mắc ung thư thận khá cao.
Biện pháp phòng ngừa ung thư thận
Điều chỉnh 1 số lối sống giúp giảm nguy cơ ung thư thận, cụ thể:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: Chế độ ăn nhiều rau, bao gồm các loại rau cải như bông cải xanh, cải bruxen, cải bắp, cải xoăn, các loại đậu giàu chất xơ và trái cây có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Mọi người cũng nên hạn chế ăn nhiều thịt đỏ, nhất là thịt chế biến sẵn, thịt tẩm ướp có nhiều chất bảo quản, vì chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích:
- Hạn chế rượu bia: Việc này góp phần giảm nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào thận. Đối với nam giới, tối đa uống không quá 2 ly, với nữ không uống quá một ly trong ngày.
- Tránh hoặc bỏ hút thuốc: Hút thuốc là nguyên nhân của khoảng 30% ung thư thận ở nam giới và 25% ở nữ giới, càng hút nhiều năm nguy cơ càng cao. Khói thuốc thụ động cũng được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào thận. Do đó, mọi người nên bỏ thuốc nếu đang hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá và giảm tối đa nguy cơ hít khói thuốc lá thụ động để giảm nguy cơ mắc ung thư.
- Hạn chế phơi nhiễm chất độc hại: Một số độc tố môi trường có liên quan đến ung thư thận. Tiếp xúc với các chất độc hại thường xuyên, thận dễ bị tổn thương do phải làm việc liên tục để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Những hóa chất có liên quan đến ung thư thận bao gồm benzen và benzidine (trong xăng, dệt và sơn), cadimi (trong pin, sơn và vật liệu hàn), chất tẩy dầu mỡ kim loại, một số loại thuốc diệt cỏ, trichloroethylene…
Nếu công việc của bạn thường xuyên tiếp xúc với các chất nêu trên, bạn bên dùng các phương pháp bảo hộ đúng cách khi làm việc như: đeo găng tay, khẩu trang và mặt nạ phòng độc hoặc giới hạn thời gian tiếp xúc.
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng ổn định, duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên có thể giúp giảm cân, đồng thời giảm nguy cơ mắc ung thư thận.
- Kiểm soát các bệnh lý nền như huyết áp: Huyết áp cao là một yếu tố rủi ro gây ung thư thận. Nguy cơ này cao hơn ở những người được chẩn đoán mắc huyết áp cao lâu năm và kiểm soát huyết áp kém. Việc kiểm soát huyết áp ổn định bằng các biện pháp khoa học góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, trong đó có ung thư thận.
- Xét nghiệm và sàng lọc di truyền: Tiền sử gia đình mắc ung thư thận làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh, đặc biệt là ở những người thân cấp một (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái).
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: 6 tháng hoặc 1 năm/lần, đặc biệt kiểm tra chức năng thận, bệnh được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi cao hơn.
Tóm lại, thận là cơ quan quan trọng của cơ thể và ung thư thận là căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh ung thư thận.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.