Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư vú ở nam là gì? Những điều cần biết về ung thư vú ở nam
Ung thư vú ở nam giới là bệnh lý ung thư ít gặp, chỉ chiếm 1% tổng ca ung thư vú. Tuy là bệnh hiếm gặp nhưng cần được phát hiện và điều trị kiểm soát kịp thời, ung thư vú ở nam giới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này thông qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Ung thư vú ở nam giới chiếm 0,5-1% tổng số bệnh nhân ung thư vú. Lý do của tỷ lệ mắc bệnh thấp ở nam giới là do lượng mô vú tương đối thấp cùng với sự khác biệt trong môi trường nội tiết tố của nam giới. Trong khoảng thời gian 18 năm, chỉ có khoảng 62 trường hợp được chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCCS), so với 1.300 trường hợp mới mắc ung thư vú nữ hàng năm. Trong năm 2014, NCCS chỉ ghi nhận một trường hợp ung thư vú ở nam giới, năm trường hợp vào năm 2013 và sáu trường hợp vào năm 2010 và 2006. Tại Australia, có khoảng 150 nam giới bị mắc ung thư vú mỗi năm.
Loại ung thư vú phổ biến nhất ở nam giới là ung thư biểu mô ống xâm lấn, chiếm khoảng 90% tổng số ung thư vú ở nam giới. Các loại khác có liên quan là u tủy, u nhú và tiểu thùy. Ung thư biểu mô ống tại chỗ thường không phát hiện được nên dẫn đến chẩn đoán chậm trễ và tiên lượng sống kém.
Sau khi thực hiện sinh thiết để tìm ra loại ung thư vú cụ thể, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ cho biết liệu ung thư đã lan sang các mô xung quanh hay chưa. Tên của loại ung thư vú sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ của ung thư.
- Ung thư vú tại chỗ.
- Ung thư xâm lấn hoặc xâm nhập đã lan rộng (xâm lấn) vào mô vú xung quanh.
- Ung thư vú dạng viêm
- Bệnh Paget của núm vú.
Triệu chứng ung thư vú ở nam
Các triệu chứng ung thư vú ở nam giới cần theo dõi bao gồm:
- Núm vú có hiện tượng co rút và thụt vào trong.
- Dưới quầng vú hình thành cục u cứng nhưng không đau.
- Núm vú đau, ngứa, đóng vảy hoặc bị tấy đỏ.
- Tiết dịch bất thường ở đầu núm vú.
- Vú tăng kích thước, da đổi màu, mô vú trở nên cứng và sưng hơn bình thường.
- Nhăn nheo vùng da quanh ngực.
- Khó thở, buồn nôn, thường xảy ra khi ung thư vú bước vào giai đoạn di căn.
- Các biểu hiện khác cần lưu ý: quanh vú có nổi hạch, vú sưng to không rõ nguyên nhân, xuất hiện các hạch bạch huyết ở nách và có thể sờ được chúng, ung thư càng lan rộng thì hạch hiện càng rõ.
Nguyên nhân ung thư vú ở nam
Đến nay, nguyên nhân của hầu hết các bệnh ung thư vú ở nam giới vẫn chưa được biết rõ.
Giống như phụ nữ, đàn ông có thành phần mô vú giống với nữ, mặc dù với số lượng nhỏ mô ít hơn. Điều này có nghĩa là nam giới có thể bị ung thư vú nhưng tỉ lệ hiếm hơn nhiều. Nguy cơ một người đàn ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trước tuổi 85 là 1:688. Nguy cơ một phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trước 85 tuổi là 1:8.
Một điều quan trọng cần nhớ là nguyên nhân của ung thư vú vẫn chưa rõ ràng và có nhiều yếu tố kết hợp trong đó. Vì vậy, khi mắc ung thư vú, bạn không nên tập trung vào câu hỏi vì sao mắc ung thư vú mà thay vào đó, hãy cố gắng chuyển sự tập trung của bạn sang những vấn đề mà bạn có thể kiểm soát, như quyết định điều trị và chăm sóc bản thân. Có một số yếu tố nguy cơ đã biết cần chú ý. Ví dụ, đột biến gen ung thư vú (BRCA), đặc biệt là BRCA2, cũng như quá trình lão hóa, uống rượu và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những người trong gia đình có người bị ung thư vú, hoặc đang bị bệnh gan, tiếp xúc với phóng xạ cũng nên nghi ngờ về khối u ở vú.
Đối tượng nguy cơ mắc ung thư vú ở nam
Ung thư vú sẽ xuất hiện ở nam giới nếu có sự gia tăng đột biến một lượng lớn hormone estrogen trong cơ thể. Ngoài ra, đối tượng nam giới sau có nguy cơ mắc ung thư vú như:
- Bệnh nhân thừa cân, béo phì.
- Lạm dụng rượu bia, thường xuyên hít khói thuốc lá và dùng những chất kích thích.
- Trước đây từng tiếp xúc với chất phóng xạ.
- Đang gặp các vấn đề về gan (xơ gan, viêm gan,…) dẫn đến tình trạng thiếu hụt Androgen.
- Bị hội chứng Klinefelter – một dạng hội chứng di truyền hiếm gặp.
- Đột biến gen.
- Do di truyền: thành viên trong gia đình từng bị ung thư vú.
- Nam giới bị bệnh vú to. Nguyên nhân là do nhiễm trùng, ngộ độc, điều trị nội tiết hoặc tác dụng phụ của thuốc.
- Gặp phải các bệnh về tinh hoàn như quai bị, tinh hoàn lạc chỗ hoặc tinh hoàn bị chấn thương.
Chẩn đoán ung thư vú ở nam
Khai thác bệnh sử của cá nhân và gia đình để tìm ra nguyên nhân có thể gây ra bất kỳ triệu chứng nào và liệu một người có nguy cơ mắc ung thư vú hay không.
Bên cạnh đó kiểm tra mô vú bằng cách khám vú và nách để tìm các hạch và khối u, đồng thời kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Các chẩn đoán thường được thực hiện trong chẩn đoán ung thư vú bao gồm:
- Chụp X-quang tuyến vú: Chụp X-quang vú cho phép các bác sĩ xác định những thay đổi trong mô vú. Kết quả X-quang có thể gợi ý, người bệnh có cần phải thực hiện sinh thiết để biết khu vực bất thường có phải là ung thư hay không.
- Siêu âm vú: Siêu âm vú thường được thực hiện nhằm khảo sát những thay đổi ở vú được phát hiện trong quá trình chụp X-quang tuyến vú hoặc khám sức khỏe. Chẩn đoán này có thể phân biệt được sự khác biệt giữa u nang chứa đầy chất lỏng (không có khả năng là ung thư) và khối rắn (có thể cần xét nghiệm thêm để chắc chắn rằng chúng có phải là ung thư hay không).
- Sinh thiết vú: Sinh thiết vú thường được chỉ định khi các chẩn đoán trước đó gợi ý có thể có ung thư vú. Có nhiều loại sinh thiết vú khác nhau, việc sử dụng loại sinh thiết nào sẽ tùy thuộc vào tình huống cụ thể của mỗi người bệnh.
- Sinh thiết phẫu thuật (sinh thiết mở): Sinh thiết phẫu thuật ít khi cần phải sử dụng trong chẩn đoán ung thư vú. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn bộ khối hoặc khu vực bất thường, cũng như phần rìa xung quanh của mô vú bình thường để sinh thiết mô, tìm dấu hiệu của ung thư.
- Sinh thiết hạch bạch huyết: Có thể sinh thiết các hạch bạch huyết ở nách để kiểm tra xem có hiện tượng lây lan ung thư hay không. Xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng lúc với sinh thiết khối u vú hoặc trong khi phẫu thuật cắt bỏ khối u vú. Sinh thiết hạch bạch huyết có thể thực hiện bằng sinh thiết kim, hoặc sinh thiết hạch cửa và/hoặc bóc tách hạch bạch huyết ở nách.
Phòng ngừa bệnh ung thư vú ở nam
Việc duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ dinh dưỡng cân đối, tập thể dục đều đặn, tránh xa các chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn, cũng như kiểm soát căng thẳng và tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và bức xạ, đều là những biện pháp cơ bản giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa ung thư vú cũng như các bệnh lý khác.
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm ít nhất một lần, hoặc thậm chí hai lần đối với những người có yếu tố nguy cơ, cùng việc tầm soát ung thư vú ít nhất một lần, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh hoặc phát hiện sớm ung thư vú, từ đó tăng cơ hội sống sót sau 5 năm.
Điều trị ung thư vú ở nam như thế nào?
Điều trị ung thư vú ở nam giới tương tự đối với ung thư vú ở phụ nữ giới. Đối với ung thư vú ở nữ, lựa chọn điều trị là phẫu thuật, nhưng chỉ khi ung thư được phát hiện sớm và chưa di căn. Và tùy thuộc vào giai đoạn và kết quả sinh thiết giải phẫu bệnh của ung thư, phẫu thuật thường được điều trị theo sau bởi các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nội tiết tố hoặc liệu pháp nhắm trúng đích.
Nếu bệnh đã ở giai đoạn nặng và đã lan rộng, các bác sĩ không thể điều trị ung thư bằng phẫu thuật được nữa. Trong trường hợp đó, hóa trị sẽ là phương pháp điều trị giảm nhẹ. Tuy nhiên, chẩn đoán sớm vẫn là điều quan trọng nhất và điều đó chỉ có thể đạt được khi nhận thức của nam giới về ung thư vú được nâng cao. Vì ung thư vú ở nam giới là rất hiếm nên không có những chỉ định sàng lọc định kỳ. Phương pháp duy nhất để phát hiện sớm là tự khám vú. Điều này giúp nam giới có thể đi khám kịp thời khi phát hiện ra bất thường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.