Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm đại tràng là gì? Những điều cần biết về bệnh
Viêm đại tràng là một trong những bệnh về tiêu hóa phổ biến với nhiều biểu hiện phức tạp và tỷ lệ chuyển hóa thành ung thư khá cao .Viêm đại tràng đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Vì vậy, việc nắm rõ những thông tin liên quan đến căn bệnh này là vô cùng cần thiết để người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.
Tổng quan chung
Viêm đại tràng là gì?
Đại tràng hay còn gọi là ruột già, là bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa, thực hiện chức năng chuyển hóa thức ăn từ ruột non xuống và thải ra ngoài. Theo đó, đại tràng được chia ra làm đại tràng trái và đại tràng phải với hai chức năng khác nhau. Đây cũng là bộ phận dễ phát sinh nhiều loại bệnh vì là nơi hình thành và đào thải phân, nên vi khuẩn có nhiều cơ hội sinh sôi rồi gây bệnh.
Viêm đại tràng (tên tiếng Anh: Colitis) là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với nhiều mức độ khác nhau. Đối với mức độ nhẹ thì niêm mạc kém bền vững và dễ chảy máu, nặng thì xuất hiện các vết loét, xung huyết và xuất huyết.
Phân loại viêm đại tràng
Viêm đại tràng cấp tính
Là dạng viêm nhiễm, tổn thương đại tràng dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa cấp thời. Bệnh hình thành thường do bị nhiễm độc hay nhiễm khuẩn đường ruột. Nếu không chữa trị kịp thời, lâu ngày bệnh sẽ chuyển sang tình trạng mạn tính.
Viêm đại tràng mạn tính
Ở giai đoạn này, các ổ viêm đã hình thành và phát triển nặng hơn ở niêm mạc đại tràng dẫn đến các dấu hiệu, triệu chứng tổn thương xuất hiện dày đặc với những mức độ khác nhau. Ở giai đoạn nhẹ, niêm mạc đại tràng dễ chảy máu, nặng hơn thì xuất hiện các ổ loét, xuất huyết tiêu hóa và nguy hiểm hơn là áp xe.
Tình trạng viêm đại tràng mạn tính hiện nay vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, các lựa chọn phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm đại tràng, hạn chế các dấu hiệu, triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Triệu chứng bệnh viêm đại tràng
Triệu chứng viêm đại tràng cấp
Tùy theo tác nhân gây bệnh mà có các biểu hiện tương ứng:
- Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip: đau bụng quặn từng cơn, buồn đại tiện liên tục, nhưng mỗi lần đi tiêu chỉ có một ít phân, có máu và chất nhầy kèm theo phân.
- Viêm đại tràng cấp do lỵ trực khuẩn: sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng có máu, trong một ngày đêm đi nhiều lần phân lẫn máu, phân có màu như máu cá. Đặc biệt, nếu do Shigella shiga, số lần đi tiêu không thể đếm được (phân chảy ra theo đường hậu môn, không thành khuôn), mất nước và chất điện giải nhiều rất dễ gây trụy tim mạch.
- Viêm đại tràng cấp do các nguyên nhân khác: triệu chứng đau bụng là chủ yếu, đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau dọc theo khung đại tràng, đau do co thắt đại tràng, có khi gây cứng bụng, tiêu chảy xảy ra đột ngột, phân toàn nước (có thể có máu, nhầy), người mệt mỏi, gầy sút nhanh.
Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính
Các triệu chứng của viêm đại tràng bao gồm:
- Đau bụng: Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới, có thể liên tục hoặc từng cơn.
- Tiêu chảy: Đây là triệu chứng phổ biến, có thể kèm theo máu hoặc dịch nhầy trong phân.
- Mệt mỏi: Do mất nước và chất điện giải từ tiêu chảy.
- Sụt cân: Thường do giảm hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn.
- Sốt: Có thể kèm theo trong những trường hợp viêm nhiễm nặng.
Nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng là hệ quả của nhiều bệnh lý và vi khuẩn khác. Cụ thể những lý do dẫn tới viêm đại tràng cấp tính bao gồm:
- Do lỵ amip (entamoeba histolytica).
- Do lỵ trực khuẩn (shigella).
Một số nguyên nhân gây ra viêm mạn tính đại tràng có thể kể đến gồm:
- Lao đại tràng.
- Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh crohn có nguy cơ dẫn đến viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.
- Polyp đại tràng.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Stress và chế độ ăn uống: Chế độ ăn không khoa học và stress có thể góp phần gây bệnh.
- Bệnh tự miễn: Hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào trong đại tràng.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng
Bên cạnh các nguyên nhân như nhiễm khuẩn hay nhiễm độc có thể gây ra viêm đại tràng thì một số đối tượng sau đây cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn như:
- Tuổi tác: Viêm đại tràng là bệnh lý thường gặp ở người trưởng thành và người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn cả;
- Tình trạng táo bón kéo dài: Trong trường hợp người bệnh bị táo bón trong thời gian dài theo kèm là các triệu chứng như đi ngoài ra máu hay đau bụng âm ỉ cũng dễ dẫn đến viêm đại tràng;
- Tâm lý căng thẳng: Việc thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài và chế độ ăn uống thất thường, không đảm bảo dinh dưỡng khiến tinh thần và thể chất của người bệnh bị ảnh hưởng cũng dẫn đến khả năng bị viêm đại tràng;
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học: Những người có thói quen hút thuốc lá hay uống rượu bia, sử dụng các sản phẩm có chất bảo quản… thì có nguy cơ mắc viêm đại tràng cao hơn những người bình thường. Bởi những thành phần có trong những thực phẩm hay đồ uống trên có thể gây tổn thương đến lớp niêm mạc đại tràng và dẫn đến tình trạng viêm đại tràng;
- Người thường xuyên sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Việc hỏi bệnh sử kết hợp thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên quan trọng trong định hướng chẩn đoán các bệnh viêm đại tràng. Sau đó bác sĩ có thể cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán như:
Theo đó, những xét nghiệm có thể được chỉ định là:
- Nội soi đại tràng: Đây là một trong những biện pháp phổ biến nhất để chẩn đoán viêm đại tràng. Thông qua quá trình nội soi, bác sĩ sẽ nắm rõ được mức độ viêm cũng như quan sát trực tiếp các vết viêm trên niêm mạc đại tràng. Ngoài ra, bác sĩ có tiến hành lấy mẫu để sinh thiết để xác định nguyên nhân bệnh cũng như phát hiện các tế bào lạ hay nguy cơ ung thư.
- Chụp X-quang đại tràng: Là phương pháp chẩn đoán truyền thống và có thể chỉ định cho các bệnh nhân không thể thực hiện được nội soi đại tràng. Dựa vào hình ảnh chụp, bác sĩ có thể phát phát hiện thêm các bệnh lý liên quan đến đại tràng khác như phình đại tràng, co thắt đại tràng… Tuy nhiên, phương pháp này không thể giúp tầm soát những tổn thương tiền ung thư như nội soi;
- Xét nghiệm phân: Dựa vào các tế bào bạch cầu trong phân mà có thể giúp xác định được bệnh viêm đại tràng và xét nghiệm được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng…
- Xét nghiệm máu: Nếu trường hợp bệnh nhân bị đi ngoài và phân xuất hiện máu hay tình trạng táo bón, mất nước, mất chất điện giải thì cần thực hiện xét nghiệm máu để tìm hiểu dấu hiệu nhiễm trùng và đánh giá các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu;
- Chụp CT: Với phương pháp này, các bác sĩ có thể thông qua hình ảnh để quan sát các mô mềm bên trong ổ bụng, từ đó phát hiện ra phạm vi đại tràng bị ảnh hưởng và các biến chứng từ bệnh.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể tiến hành nội soi đại tràng sigma hay trực tràng nếu cần thiết.
Phòng ngừa viêm đại tràng
Để phòng bệnh, bạn nên tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
- Vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Đồng thời giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức rửa tay.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Bảo vệ nguồn nước công cộng tránh nhiễm phân.
- Quản lý nguồn phân, nước, rác tốt để tránh ô nhiễm nguồn nước.
- Phòng bệnh hội chứng ruột kích thích bằng cách chọn thức ăn thích hợp. Nếu trong nhà có người mắc bệnh, bạn cần thay đổi lối sống. Bạn nên tránh căng thẳng stress bằng việc tập yoga,…
Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra bệnh sớm hơn và biết được thói quen nào có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Điều trị bệnh Viêm đại tràng
Nguyên tắc điều trị viêm đại tràng
- Điều trị càng sớm càng tốt
- Xác định nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phác đồ phù hợp
- Duy trì chế độ ăn uống, chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp
- Điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa tùy trường hợp
Điều trị nội khoa
Hiện nay thì chưa có loại thuốc đặc trị dành riêng cho bệnh viêm đại tràng. Hầu hết các thuốc được kê đơn đều chỉ nhằm mục đích giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu từ bệnh và hạn chế các triệu chứng bùng phát nặng hơn. Theo đó, các nhóm thuốc sẽ được chia dựa theo triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh như:
- Nhóm thuốc giảm đau, chống co thắt đại tràng.
- Nhóm thuốc chống viêm.
- Nhóm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng nấm, kháng ký sinh trùng.
- Nhóm thuốc cầm tiêu chảy, trị táo bón.
- Bổ sung nước và các chất điện giải.
Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng nếu diễn tiến nặng, kéo dài. Tuy nhiên, việc cắt bỏ sẽ ảnh hưởng đến chức năng ruột và tâm lý của người bệnh.
- Nguyên nhân khác cần can thiệp ngoại khoa như: polyp đại tràng, ung thư đại tràng, …
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
- Điều chỉnh chế độ làm việc nghỉ ngơi sao cho hợp lý, vận động thể lực hằng ngày, chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi bị táo bón: cần giảm chất béo, tăng chất xơ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Khi bị tiêu chảy: không ăn chất xơ để thành ruột không bị tổn thương, không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ, có thể ăn trái cây xay nhừ.
- Tránh chất kích thích: cà phê, sô cô la, trà, …
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa: trong sữa có đường nên rất khó tiêu và chất đạm của sữa có thể gây dị ứng, nên thay bằng sữa đậu nành.
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
- Tránh sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau như: aspirin, ibuprofen, naproxen, voltaren, feldene… vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết đại tràng.
Kết luận
Viêm đại tràng là một bệnh lý phức tạp nhưng có thể quản lý và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện kịp thời. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị sẽ giúp người bệnh có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Hãy luôn duy trì một lối sống lành mạnh và đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường để được tư vấn và điều trị đúng cách.