Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp là gì? Những điều cần biết về viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm xảy ra ở nhiều khớp. Đây là bệnh lý mạn tính do rối loạn hệ miễn dịch gây ra. Bệnh càng tiến triển nặng thì các hệ xương, khớp, càng bị phá hủy nhiều, hơn nữa còn gặp những tổn thương khác trên cơ thể như mắt, da, tim, phổi, mạch máu,… Người bệnh viêm khớp dạng thấp cần đi khám và điều trị tích cực để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Triệu chứng
Viêm đa khớp dạng thấp có triệu chứng rất đa dạng, gồm các triệu chứng của viêm khớp, triệu chứng toàn thân, triệu chứng ở các cơ quan khác.
Các triệu chứng của viêm khớp gồm:
- Cứng khớp: Với những người bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và kéo dài trên một giờ trước khi cảm thấy các khớp mềm ra;
- Sưng khớp: Có thể tụ dịch nhiều hoặc chỉ sưng phù lên;
- Nóng da: Vùng da của khớp bị viêm có thể ấm hơn vùng da xung quanh;
- Đỏ: Da vùng khớp viêm có thể có màu hồng nhạt, đỏ hơn so với vùng da xung quanh;
- Đau: Khi bị viêm khớp dạng thấp, triệu chứng đau là dễ nhận biết nhất. Nguyên nhân là do hiện tượng viêm làm cho các khớp trở nên nhạy cảm hơn, căng hơn, từ đó gây ra đau các khớp bị viêm.
Các triệu chứng toàn thân:
- Mệt mỏi, trì trệ, suy nhược;
- Chán ăn, có thể dẫn đến sụt cân;
- Đau nhức mỏi cơ toàn thân.
Triệu chứng ở các cơ quan khác:
- Xuất hiện nốt thấp (hạt hay cục) nổi gồ lên mặt da, chắc, không đau, không di động, dính vào nền xương ở dưới, đường kính 5 đến 20 mm, ở khớp khuỷu, đôi khi rất đau;
- Trong một số trường hợp, có thể bị viêm màng phổi không triệu chứng. Trong trường hợp nhịp thở ngắn lại thì cần phải điều trị;
- Có thể ảnh hưởng lên thanh quản gây khàn giọng;
- Người bệnh có thể bị viêm màng ngoài tim, thường không có triệu chứng, nhưng khi có triệu chứng sẽ khiến nhịp thở ngắn lại hoặc đau ngực. Người bệnh viêm khớp dạng thấp dễ bị tắc nghẽn động mạch tim, gây đau ngực hoặc nhồi máu cơ tim;
- Khoảng dưới 5% số người bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng ở mắt bao gồm mắt đỏ, đau mắt hoặc khô mắt.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp đến nay vẫn chưa rõ ràng, thế nhưng có một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Di truyền: Nếu người thân trong nhà bị viêm đa khớp dạng thấp thì bạn cũng có thể mắc phải căn bệnh này.
- Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có khả năng xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là độ tuổi trung niên.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá có thể làm bệnh viêm đa khớp dạng thấp phát triển tồi tệ hơn.
Đối tượng nguy cơ
Những người càng có nhiều yếu tố rủi ro dưới đây thì nguy cơ mắc bệnh càng cao:
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới, nhưng nam giới thường gặp phải các triệu chứng nặng hơn.
- Tuổi tác: Tình trạng viêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường khởi phát ở tuổi trung niên.
- Di truyền: Nếu một thành viên trong gia đình bạn bị viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc (chủ động và thụ động) đều khiến bạn dễ mắc bệnh, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh.
- Tiếp xúc với chất độc hại: Một số chất phơi nhiễm như amiăng hoặc silica đã được chứng minh làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
- Thừa cân – béo phì: Những người có chỉ số BMI ở ngưỡng thừa cân hoặc béo phì – đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở xuống – sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm này cao hơn.
Chẩn đoán
Viêm khớp dạng thấp có thể được chẩn đoán qua những triệu chứng lâm sàng mà người bệnh thường gặp phải. Tuy nhiên, có một vài triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh xương khớp khác nên cần áp dụng các kỹ thuật y khoa để giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI là các phương pháp giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp. Trong đó, MRI có độ chính xác cao hơn do mang lại hình ảnh rõ nét. Ngoài chẩn đoán tổn thương ở sụn khớp, kỹ thuật này còn giúp đánh giá tình trạng tràn dịch khớp và viêm màng hoạt dịch.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cho kết quả chính xác về những chỉ số bình thường và chỉ số bất thường khi bị bệnh.
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp đánh giá mức độ thiếu máu khi người bệnh bị viêm khớp dạng thấp kéo dài.
- Xét nghiệm kháng thể CCP có ý nghĩa trong việc chẩn đoán bệnh học viêm khớp dạng thấp. Thông thường, nếu mẫu bệnh phẩm có anti CCP dương tính thì người đó sẽ bị viêm khớp dạng thấp trong vòng 3 năm sau đó. CCP tăng cao là một yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
- Xét nghiệm yếu tố thấp khớp RF: Đây là một xét nghiệm máu đơn giản giúp đo các globulin miễn dịch. Nồng độ kháng thể RF cao được xem là một yếu tố tiên lượng bệnh nặng. Theo nghiên cứu, có đến 50-75% người bị viêm khớp dạng thấp có RF dương tính.
Phòng ngừa bệnh
Chưa có biện pháp nào có thể phòng viêm khớp dạng thấp, nếu gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Bỏ thuốc lá: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh RA. Cụ thể, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tăng 1,3 – 2,4 lần. Không chỉ vậy, hút thuốc còn khiến các triệu chứng của bệnh tiến triển nhanh hơn.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Những người thừa cân có khả năng tiến triển RA cao hơn. Vì thế để phòng bệnh, bạn cần giữ cân nặng ổn định bằng cách:
-
- Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây trong thực đơn. Ưu tiên protein từ cá, gà thay vì ăn nhiều thịt đỏ. Tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo không tốt.
- Tập thể dục đều đặn: Kết hợp các bài tập sức mạnh (như squat, tennis, cầu lông…) với những bài tập nhẹ nhàng (đi bộ, bơi lội, đạp xe…). Tập luyện sức mạnh làm giảm đáng kể sự mất xương – một biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời giúp giảm đau và cứng khớp. Bạn lưu ý tránh các bài tập có tác động mạnh trong giai đoạn bùng phát (những cơn đau khớp trở nên dữ dội) để hạn chế bệnh tiến triển trầm trọng hơn.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, tiếp xúc với một số chất ô nhiễm môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh RA. Vì thế, bạn hãy tránh xa amiăng và silica. Nếu môi trường làm việc bắt buộc bạn tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm này, hãy mặc đồ bảo hộ.
- Khám và điều trị kịp thời: Khi có bất kỳ triệu chứng nào của RA, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt. Theo CDC, việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp trì hoãn các tác dụng phụ của bệnh, cũng như giảm nguy cơ phát triển những tổn thương khớp nghiêm trọng sau này.
Điều trị như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau, tùy vào tình trạng bệnh cũng như tiền sử sức khỏe của người bệnh. Có những phương pháp điều trị phổ biến như:
Điều trị nội khoa: Sau thăm khám, bác sĩ sẽ xem xét kê các loại thuốc giảm đau, chống viêm để giúp cải thiện các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tiến triển nặng.
Phẫu thuật: Nếu tình trạng bệnh diễn tiến nặng, uống thuốc không đem lại hiệu quả thì phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất để điều trị bệnh và hồi phục khả năng vận động cho người bệnh. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thay phần khớp bị viêm, tổn thương bằng khớp nhân tạo. Những vị trí viêm khớp dạng thấp thường được phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo gồm: khớp gối, khớp háng, chỏm xương đùi…
Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu giúp người bệnh thực hiện những bài tập và các kỹ thuật trị liệu phù hợp để giảm đau, ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và phục hồi chức năng của xương khớp hiệu quả. Ngoài ra, vật lý trị liệu còn giúp ngăn ngừa các biến chứng như teo cơ, dính khớp, co rút gân để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe và sinh hoạt thường ngày.
Để giảm tiến triển bệnh cũng như hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị. Cùng với đó là cố gắng hoạt động mỗi ngày, nhất là khớp bị ảnh hưởng. Việc không vận động chỉ khiến tổn thương khớp nặng hơn, khớp trở nên cứng hơn và các cơ xung quanh cũng yếu đi.