Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm mũi mạn tính là gì? Những điều cần biết về viêm mũi mạn tính
Bệnh viêm mũi mạn tính lâu ngày mà không có biện pháp điều trị sẽ gây ra một số bệnh nặng như viêm xoang mũi, viêm tai giữa, viêm màng não và các vấn đề sức khỏe khác. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về viêm mũi mạn tính qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm mũi mạn tính là tình trạng niêm mạc bên trong mũi bị viêm trong một thời gian dài từ 4 tuần trở lên và có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Đặc điểm này giúp phân biệt với tình trạng viêm mũi cấp tính chỉ kéo dài từ vài ngày đến bốn tuần.
Viêm mũi mạn tính có thể chia làm 2 loại là:
- Viêm mũi mạn tính quá phát: Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn, chủ yếu do dị ứng, hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, hóa chất độc hại…gây viêm nhiễm lớp niêm mạc trong khoang mũi.
- Viêm mũi mạn tính xuất tiết: Thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ đã hoặc đang bị viêm amidan.
Trong một số trường hợp, viêm mũi mạn tính là do cơ địa của người bệnh gây ra và việc điều trị khỏi hoàn toàn là rất khó khăn. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn có thể phát hiện sớm và áp dụng phương pháp điều trị kịp thời, đúng cách, nhờ đó giúp giảm bớt được triệu chứng, tần suất bệnh tái phát cũng như ngăn ngừa bệnh trở nặng, phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra.
Triệu chứng
Những triệu chứng nổi bật của bệnh viêm mũi mạn tính bao gồm:
- Chảy nước mũi: Chủ yếu là dịch mủ, màu vàng, xanh hoặc xám xanh, người bị bệnh lâu ngày dịch mũi còn có mùi hôi, dịch mủ có thể chảy xuống họng, người bệnh cảm thấy họng có đờm, đồng thời thường xuyên hít xuống họng và nhổ ra.
- Ngạt mũi: Do niêm mạc mũi phù nề, cuốn mũi phì đại hoặc polyp mũi gây ra, có lúc do nước mũi quá nhiều, sau khi hút hết dịch mũi ra ngạt mũi giảm bớt.
- Khứu giác giảm: Có 2 nguyên nhân dẫn đến, một đó là niêm mạc sưng tấy phù nề, ngạt mũi, không khí không thể đi vào khu khứu giác, thứ 2 đó là niêm mạc khu khứu giác bị viêm nhiễm mạn tính lâu ngày kích thích, chức năng của khứu giác giảm sút hoặc mất đi.
- Váng đầu, đau đầu: Viêm xoang mạn tính biểu hiện chủ yếu là cảm giác đau đầu nặng, khi tái phát cấp tính còn có đau đầu, chóng mặt, trong xoang mũi vô cùng khó chịu
- Các biểu hiện khác: Nhiều triệu chứng không rõ ràng, đa phần là biểu hiện váng đầu, ăn uống kém, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút, mất ngủ.
Nguyên nhân
Viêm mũi mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do dị ứng, dị tật giải phẫu mũi hoặc mắc một số bệnh lý như:
- Nhiễm vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng
- Dị ứng
- Lệch vách ngăn mũi, quá phát cuốn mũi
- Dị vật mũi
- U hốc mũi
- Bệnh hen suyễn và tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) đi kèm
- Viêm VA phì đại
- Trào ngược dạ dày thực quản
Đối tượng nguy cơ
Bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và xảy ra ở nhiều đối tượng, cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Một số đối tượng nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến là:
- Người sống ở môi trường có bụi bẩn, khói bụi nhiều và phải tiếp xúc với chất độc hại, rất dễ gây viêm, nhiễm khuẩn xoang mũi
- Trong gia đình hoặc người thân từng có tiền sử mắc viêm mũi thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh
- Người dễ bị dị ứng với phấn hoa, lông vật nuôi hoặc nấm mốc…
- Từng phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm mũi mạn tính, bác sĩ có thể hỏi về tiền sử dị ứng của bạn hoặc thực hiện các xét nghiệm dị ứng gọi là xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng để chẩn đoán sơ bộ và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Những người bị viêm mũi không dị ứng sẽ có kết quả xét nghiệm dị ứng trên da âm tính. Lúc này, tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác cho phù hợp.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa viêm mũi mạn tính, người bệnh cần tránh các nguyên nhân gây ra bệnh, chẳng hạn như:
- Viêm mũi mạn tính do dị ứng: Người bệnh cần tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, hóa chất.
- Viêm mũi mạn tính do dị vật: Cha mẹ cần để mắt đến trẻ thường xuyên, không nên cho con chơi với các loại hạt hoặc đồ chơi có kích thước quá nhỏ. Nếu có dấu hiệu lạ nên dẫn con đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
- Viêm mũi mạn tính do nhiễm ký sinh trùng: Cần vệ sinh nơi ở và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày. Đối với những người ít hoặc không có khả năng chăm sóc bản thân như người sống thực vật, trẻ sơ sinh, người thiểu năng trí tuệ, người bị tai nạn nặng… cần được theo dõi và chăm sóc tốt để phòng ngừa nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
- Khi có các triệu chứng bất thường về tai mũi họng kéo dài trên một tuần không khỏi, chúng ta nên đi khám tai mũi họng để sớm tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp lúc.
- Ngoài ra, chúng ta nên tránh để mắc cảm cúm, viêm mũi lặp lại hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng… có thể dẫn đến viêm mũi mạn tính bằng việc vệ sinh mũi, họng hàng ngày; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; tránh đến nơi đông người để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có thể dẫn đến viêm mũi mạn tính.
Điều trị
Việc điều trị viêm mũi mạn tính phải có sự kết hợp của việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống của bản thân. Trong một số ít trường hợp, phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn cũng giúp làm giảm tình trạng viêm mũi, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng histamin dùng cho dị ứng, bao gồm thuốc uống và xịt mũi.
- Dung dịch nước muối xịt mũi.
- Thuốc thông mũi, giảm nghẹt mũi: Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng loại thuốc này trên 3 ngày, bởi thuốc có thể gây ra hiệu ứng phản hồi, làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
- Thuốc xịt mũi corticosteroid.
- Thuốc xịt mũi kháng cholinergic.
Thay đổi lối sống
Cách chữa và ngăn ngừa viêm mũi mạn tính tốt nhất là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm với các chất gây dị ứng bằng những mẹo nhỏ sau đây:
- Đóng cửa sổ khi lượng phấn hoa trong không khí tăng cao
- Đeo khẩu trang khi dọn dẹp nhà cửa, khi ra ngoài trời
- Sử dụng máy lọc không khí
- Định kỳ thay bộ lọc của máy sưởi và điều hòa không khí (nếu có)
- Giặt drap trải giường, vỏ chăn, vỏ gối hàng tuần bằng nước nóng
- Thường xuyên tắm và chải lông cho thú cưng
- Vệ sinh thân thể sau khi ra ngoài về
- Bỏ hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động.
Phẫu thuật
Viêm mũi mạn tính có thể xuất phát từ các vấn đề liên quan đến cấu trúc mũi và xoang, chẳng hạn như lệch vách ngăn hoặc polyp mũi. Trong các trường hợp này, phẫu thuật có thể là biện pháp can thiệp cần thiết. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về viêm mũi mạn tính. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.