Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm nội mạc tử cung là gì? Những điều cần biết về viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung hay viêm niêm mạc tử cung là tình trạng lớp niêm mạc bị viêm nhiễm do vi khuẩn, nấm, vi trùng tấn công. Mà nguyên nhân chủ yếu là do lây nhiễm từ dưới lên qua bộ phận sinh dục sau khi mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về viêm nội mạc tử cung qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc mềm, xốp nằm bên trong tử cung. Khu vực này có nhiệm vụ tiếp nhận trứng thụ tinh và nuôi dưỡng chúng phát triển thành bào thai. Nếu trứng không được thụ tinh, các mô nội mạc tử cung bị phá hủy và bị tống ra ngoài, tạo thành chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
Viêm nội mạc tử cung hay viêm niêm mạc tử cung là tình trạng lớp niêm mạc bị viêm nhiễm do vi khuẩn, nấm, vi trùng tấn công. Mà nguyên nhân chủ yếu là do lây nhiễm từ dưới lên qua bộ phận sinh dục sau khi mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Tuy nhiên, viêm nội mạc tử cung thường gặp là do sau khi bị sảy thai hoặc sau quá trình sinh đẻ, sản dịch bị ứ đọng không thoát được hoặc sót rau khiến vùng rau bám bị nhiễm trùng gây ra bệnh.
Triệu chứng
Khi bị viêm lớp lót bên trong tử cung người bệnh sẽ có các triệu chứng dưới đây, chị em nên thận trọng khi có bất kỳ dấu hiệu nào:
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau vùng chậu, vùng bụng dưới hoặc trực tràng
- Chảy máu âm đạo
- Tiết dịch âm đạo bất thường
- Táo bón hoặc cảm thấy đau khi đi vệ sinh
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
Trường hợp bị viêm nội mạc tử cung cấp: Bệnh nhân thường gặp phải những cơn đau bụng dưới dữ dội bên cạnh đó còn có thể kèm theo một số biểu hiện bất thường như lượng khí hư ra nhiều, kèm theo mủ, có mùi hôi khó chịu và có thể bị sốt. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần điều trị sớm để bệnh không biến chuyển thành mạn tính.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm nội mạc tử cung thường do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, lậu cầu, Chlamydia, lao…) hoặc do vi khuẩn lan truyền từ dưới lên trong hoặc sau khi bị viêm cổ tử cung, viêm âm đạo. Tuy vậy, nguyên nhân thường thấy nhất là do nhiễm khuẩn sau sảy thai, đẻ bị sót nhau, bế sản dịch, mổ lấy thai (dụng cụ phẫu thuật không vô khuẩn), vỡ màng ối sớm và chuyển dạ kéo dài thăm khám nhiều lần theo đường âm đạo, đặt dụng cụ tử cung, nạo thai không an toàn)…
Đối tượng nguy cơ
Người có nguy cơ cao bị viêm nội mạc tử cung là do nhiễm trùng như: sau khi sẩy thai hoặc sinh con, đặc biệt là sau khi chuyển dạ hoặc sinh mổ. Cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này sau một thủ thuật y tế liên quan đến tử cung. Các thủ tục y tế có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bao gồm:
- Soi tử cung
- Đặt vòng tránh thai (IUD)
- Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung
Tình trạng này có thể xảy ra cùng lúc với các tình trạng khác ở vùng chậu, chẳng hạn như viêm cổ tử cung
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe tổng thể và vùng chậu. Quan sát bụng, tử cung và cổ tử cung có dấu hiệu viêm nhiễm và tiết dịch âm đạo bất thường hay không.
Tiếp đến, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết cho kết quả chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm bao gồm:
- Lấy mẫu mô cổ tử cung nhằm xác định vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn chlamydia hay gonorrhea – một vi khuẩn gây căn bệnh lậu.
- Sinh thiết nội mạc tử cung.
- Nội soi bụng và vùng chậu để quan sát rõ hơn tình trạng viêm nhiễm.
- Xét nghiệm máu để đo số lượng tế bào máu bạch cầu và tỷ lệ lắng đọng hồng cầu, CRP, Pro-calcitonin bởi bệnh viêm nội mạc tử cung sẽ làm gia tăng cả hai chỉ số này.
- Các xét nghiệm và cận lâm sàng loại trừ tình trạng nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác: tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, siêu âm vú, .v.v… tùy theo diễn biến lâm sàng của người bệnh.
- Cấy máu, cấy dịch niêm mạc tử cung làm nuôi cấy định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ trong trường hợp điều trị phác đồ kháng sinh thông thường không đáp ứng.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm niêm mạc tử cung do các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra:
- Tuân thủ điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Kiểm tra thường xuyên và chẩn đoán sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cả bạn và bạn tình của mình.
- Quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín.
Điều trị như thế nào?
Sau khi được thăm khám và chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cho người bệnh. Phác đồ này được xây dựng dựa trên nguyên tắc điều trị cũng như triệu chứng và mức độ nguy hiểm mà bệnh gây ra.
Nguyên tắc điều trị
Làm giảm các triệu chứng đau, rối loạn kinh nguyệt, giảm và ngăn ngừa vùng viêm lan rộng, tăng khả năng thụ thai.
Việc điều trị chỉ được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng đau hoặc sức khỏe sinh sản vị ảnh hưởng. Viêm nội mạc tử cung là bệnh lành tính và hoàn toàn có thể trị dứt điểm bằng kháng sinh.
Điều trị nội khoa
Phương pháp này là sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc cân bằng nội tiết tố cho cơ thể. Các bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán bệnh qua hình ảnh siêu âm hoặc sinh thiết nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường sinh dục như bệnh lậu, nấm chlamydia để có thuốc điều trị thích hợp.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp mức độ viêm nhiễm nghiêm trọng, diện tích vùng viêm nhiễm lan rộng gây nhiễm trùng huyết hoặc xuất hiện các tế bào ác tính tiềm ẩn nguy cơ tiến triển ung thư niêm mạc tử cung, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định điều trị ngoại khoa bằng phương pháp nạo buồng tử cung.
Phẫu thuật viên sẽ đưa một dụng cụ vào buồng tử cung để lấy đi lớp niêm mạc bị sưng và viêm nhiễm để tái tạo lại niêm mạc mới. Tuy nhiên, thủ thuật này tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều biến chứng như xuất huyết và vô sinh. Do đó, phương pháp điều trị này không được khuyến khích ở phụ nữ chưa có đủ số con mong muốn.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về viêm nội mạc tử cung. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.