Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tai giữa là gì? Những điều cần biết về bệnh
Tổng quan chung
Viêm tai giữa là một nhóm các bệnh ở tai giữa, là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường.
Các loại viêm tai giữa:
- Viêm tai giữa cấp là sự viêm nhiễm dai dẳng ở tai giữa. Bệnh này có thể là nguyên nhân đang xảy ra làm tổn thương tai giữa và màng nhĩ, tổn thương kéo dài có thể làm chảy dịch liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ.
- Viêm tai giữa có dịch tiết là tình trạng tai giữa có dịch không nhiễm trùng trong hơn ba tháng. Bệnh thường không có các triệu chứng cơ năng rõ ràng, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác đầy nặng tai.
Các dạng trên đều có thể liên quan đến tình trạng khiếm thính ở bệnh nhân. Mất thính lực trong viêm tai giữa có dịch tiết do bệnh kéo dài, có thể ảnh hưởng đến khả năng học ở trẻ mắc bệnh. Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thanh dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.
Triệu chứng
Đối với người lớn và trẻ em sẽ có những dấu hiệu viêm tai giữa khác nhau, cụ thể:
Người lớn:
- Triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết là cảm thấy đau tai biểu hiện bằng những cơn đau nhói và giật giật ở tai, khi sờ vào thấy hơi sưng và nóng phần tai.
- Thường xuyên bị ù tai, nghe không rõ nếu để lâu ngày có thể dẫn mất thính lực.
- Ngoài ra sẽ xuất hiện tình trạng chảy dịch mủ màu vàng hoặc nâu từ ống tai ra ngoài thậm chí là có mùi hôi.
Trẻ em:
- Sốt cao lên đến 39 độ, có thể dẫn đến co giật.
- Có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như: đi ngoài nhiều lần, phân lỏng.
- Chán ăn, khó chịu, trằn trọc khó ngủ, quấy khóc.
- Trẻ cũng có tình trạng đau tai nhưng vì chưa biết nói nên sẽ biểu hiện bằng cách dụi tai, giật vành tai.
- Chảy dịch mủ ra ngoài lỗ tai.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm tai giữa thường là do virus, vi khuẩn và nấm.
Tình trạng nhiễm trùng cũng thường xảy ra do cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau (viêm VA), vùng họng và vòi nhĩ.
- Vòi nhĩ (vòi Eustache): Là một ống vòi tai có kích thước rất hẹp, nối tai giữa và vòm họng. Vòi nhĩ làm nhiệm vụ điều chỉnh áp suất không khí và làm mới không khí trong tai, đồng thời thoát chất tiết bình thường từ tai giữa. Khi vòi nhĩ bị sưng có thể làm tắc nghẽn, khiến chất lỏng tích tụ trong tai giữa gây nhiễm trùng. Ở trẻ em, các vòi nhĩ chưa phát triển nên thường hẹp và nằm ngang hơn, khiến cho việc thoát nước khó khăn dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tai giữa.
- VA (Adenoids): Là mô lympho nhỏ nằm ở phía sau mũi, có vai trò trong hoạt động như một hệ miễn dịch. Do VA nằm gần chỗ mở của các vòi nhĩ, nên khi VA bị viêm sưng to, có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa. Viêm tai giữa do viêm VA thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn.
Đối tượng nguy cơ
Ngoài trẻ từ 6-36 tháng tuổi thì viêm tai giữa còn thường gặp ở các trường hợp sau:
- Trẻ sử dụng núm vú giả
- Trẻ đi nhà trẻ
- Trẻ bú bình
- Người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao
- Trải qua những thay đổi về độ cao
- Trải qua những thay đổi trong khí hậu, nhất là vùng khí hậu lạnh
- Bị cảm lạnh, cúm, viêm xoang hoặc nhiễm trùng tai gần đây
- Dị tật bẩm sinh vùng mũi họng làm tăng nguy cơ viêm tai giữa
Chẩn đoán
Thăm khám tai
Để chẩn đoán viêm tai giữa, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nội soi tai hoặc sử dụng đèn soi tai để phát hiện những tổn thương trong tai. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát rõ màng nhĩ, màng nhĩ khỏe mạnh thường có màu xám hồng hoặc trắng sáng, trong mờ. Khi bị nhiễm trùng, màng nhĩ sẽ bị viêm, sung huyết, căng phồng, bên trong hòm nhĩ chứa dịch.
Khám các bộ phận khác
Bên cạnh khám tai, bác sĩ có thể kiểm tra thêm các vùng khác như cổ họng, mũi xoang, vùng vòm hay nhịp thở để tìm ra các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp nếu có.
Phòng ngừa bệnh
- Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng, không dùng chung đồ dùng ăn uống, dạy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi.
- Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, hạn chế cho trẻ ngậm bình sữa hoặc núm vú giả, tránh để trẻ bị sặc, trớ.
- Chích ngừa cúm theo mùa, tiêm vắc xin phế cầu và các loại vắc xin khác để giúp ngăn ngừa bệnh viêm tai giữa.
- Giữ ấm trong mùa lạnh, ăn uống, vận động khoa học để tăng cường sức đề kháng.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Điều trị viêm tai giữa
Sau khi thăm khám để biết tình trạng của bệnh, bác sĩ sẽ có phương điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Thông thường sẽ có 2 cách điều trị viêm tai giữa cơ bản sau:
Điều trị bằng thuốc
Điều trị viêm tai giữa bằng phương pháp dùng thuốc là lựa chọn phổ biến nhất. Theo đó, người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc theo đơn của bác sĩ như: Thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm phù nề, thuốc xịt mũi, bơm hơi vòi nhĩ.
Thời gian điều trị bằng thuốc thường kéo dài 1 đến 2 tuần. Trong trường hợp màng nhĩ bị thủng, người bệnh cần dùng thuốc nhỏ tai kết hợp với vệ sinh tai, làm sạch mủ bằng nước muối và dung dịch sát trùng thích hợp để ngăn tình trạng bít tắc ống tai.
Điều trị bằng phẫu thuật
Trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị ngoại khoa như nạo VA; cắt amidan; đặt ống thông khí tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng.