Bị đầy hơi có nguy hiểm không?
Chướng bụng đầy hơi là vấn đề tiêu hóa phổ biến nhưng không nên xem nhẹ. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ thói quen ăn uống sinh hoạt đến các bệnh lý tiềm ẩn. Việc nắm rõ nguyên nhân và triệu chứng sẽ giúp bạn có cách xử lý phù hợp và kịp thời.
Triệu chứng của đầy hơi
Chướng bụng đầy hơi là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Một số trường hợp còn nhận thấy triệu chứng bụng chướng một cách rõ rệt. Cảm giác khó chịu có thể tiến triển từ nhẹ, trung bình đến đau dữ dội, thường biến mất sau một thời gian. Phần lớn là do rối loạn tiêu hóa hoặc thay đổi hormone theo chu kỳ. Tuy nhiên, tình trạng cũng có thể lặp đi lặp lại, trở thành mối lo ngại về vấn đề sức khỏe. Nếu người bệnh nhận thấy triệu chứng không cải thiện, tốt nhất là nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác.
Một số triệu chứng dễ nhận thấy khi bị chướng bụng đầy hơi gồm:
- Cảm giác căng tức, đau, khó chịu ở vùng bụng.
- Bụng sưng to hơn bình thường.
- Bụng phát ra tiếng kêu bất thường.
- Xì hơi nhiều hơn bình thường.
Bị đầy hơi thường xuyên có nguy hiểm không?
Nguyên nhân phổ biến gây chướng bụng đầy hơi có thể do ăn quá nhiều, quá nhanh hay hệ tiêu hóa không dung nạp một số loại thực phẩm nhất định… Tuy nhiên, nếu triệu chứng chướng bụng, đầy hơi kéo dài trên một tuần, dai dẳng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh cần được thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh bị đầy hơi
- Duy trì thói quen uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Thêm chất xơ vào chế độ ăn để tăng cường hệ tiêu hóa.
- Cung cấp thêm các loại trái cây sau các bữa ăn có nhiều chất đạm.
- Thực hiện ăn chậm, nhai kỹ, ăn những miếng nhỏ khi ăn.
- Hạn chế tối đa các loại thức ăn có độ cay, chua nhiều, hạn chế thức ăn có nhiều đường, dầu mỡ. Không nhai kẹo cao su.
- Tránh dùng thuốc lá và đồ uống có cồn.
- Duy trì thói quen massage bụng để giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn và duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng. Giảm stress trong cuộc sống.
- Cần chú ý thăm khám hoặc nhận sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc các nhân viên y tế để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng chướng bụng đầy hơi là lành tính hay không và cách khắc phục nó, đặc biệt là khi bạn bị chứng chướng bụng, đầy hơi kéo dài. Không được tự ý sử dụng thuốc mà không được chỉ định bởi bác sĩ. Nên xây dựng và duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và hợp lý.
Cách điều trị đầy hơi hiệu quả
Cách điều trị chứng chướng bụng đầy hơi kéo dài sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Dưới đây là một số phương pháp thường được chỉ định:
- Xây dựng chế độ ăn kiêng phù hợp theo lời khuyên từ bác sĩ, tránh ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nướng, chiên xào, thức ăn nhanh… Ở nhóm bệnh nhân hội chứng ruột kích thích nên ăn kiêng FODMAP (thực phẩm chứa các carbohydrate chuỗi ngắn (đường) gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa ở ruột non như sữa, sữa chua, đậu lăng…).
- Uống nhiều nước hơn, đảm bảo uống 1,5 -2 lít nước/ ngày
- Liệu pháp hormone: Phương pháp này thường được chỉ định thực hiện đối với phụ nữ bị chướng bụng đầy hơi kéo dài trước, trong kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn tiền mãn kinh. Liệu pháp hormone có thể là bổ sung estrogen, progesterone, uống thuốc tránh thai kết hợp nội tiết tố…
- Liệu pháp phản hồi sinh học: Liệu pháp này có tác dụng thư giãn và phục hồi chức năng cơ thể, giúp cải thiện hoặc ngăn ngừa triệu chứng táo bón, khó tiêu…
- Probiotic: Giúp tăng cường lợi khuẩn và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn, từ đó giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng chướng bụng trong vòng vài ngày đến vài tuần.
- Nhóm thuốc antacid: giúp trung hòa axit dạ dày.
- Các thuốc điều trị riêng biệt theo từng nguyên nhân dưới chỉ định của bác sĩ thuốc chống co thắt (làm thư giãn các cơ và giúp giảm đầy hơi), thuốc kháng sinh (dùng trong trường hợp đầy hơi do hội chứng ruột kích thích hoặc mốt số bệnh do vi khuẩn), thuốc prokinetics (làm tăng tốc độ tiêu hóa và giúp giảm chướng bụng đầy hơi), thuốc chống trầm cảm (có thể giúp giảm đầy hơi)…
Nếu tình trạng chướng bụng đầy hơi kéo dài, thường xuyên hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, sốt cao, tiêu chảy ra máu,… cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.