Biến chứng của bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa
Ngày nay, bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ em và chủ yếu trong độ tuổi dưới 5 tuổi. Bệnh do virus gây nên với nhiều triệu chứng như sốt, nổi mụn nước ở tay, chân, miệng, .. và đặc biệt có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng
Khi trẻ mắc tay chân miệng, các dấu hiệu đầu tiên thường gặp phải bao gồm: sốt, đau họng, xuất hiện các mụn nước ở lòng bàn tay, chân, miệng, lưỡi, mệt mỏi, biếng ăn,… Tuy nhiên, biến chứng tay chân miệng lại rất nghiêm trọng nếu không phát hiện và xử trí đúng cách.
Các biến chứng có thể gặp phải khi trẻ mắc chân tay miệng bao gồm:
- Biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, …
- Biến chứng trên tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, viêm cơ tim, trụy mạch.
- Biến chứng trên hệ hô hấp như khó thở, phù phổi cấp, …
Biến chứng tay chân miệng nặng gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến trẻ, có thể hồi phục hoặc không hồi phục, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong.
Ảnh hưởng của các biến chứng tới sức khoẻ
Các biến chứng của bệnh chân tay miệng tác động tới nhiều chức năng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể tùy thuộc vào mức độ nghiệm trọng của chúng.
- Trẻ khi mắc phải chân tay miệng có các biểu hiện thường gặp như quấy khóc, sốt cao, người mệt mỏi, giật mình,…
- Trẻ bị viêm màng não do virus tấn công và gây tổn thương đến màng não, gây ra tình trạng sốt cao, li bì, mê sảng, đau đầu, sợ ánh sáng, hôn mê,… Các tổn thương bị gây ra bởi thân não, nhu mô não có thể khiến trẻ run chân tay, đi loạng choạng, ngủ gà và nặng hơn là co giật, hôn mê, suy hô hấp.
- Trẻ bị phù phổi cấp bị khó thở, da tím tái, sùi bọt mép, thở nhanh, khò khè, …
Các ảnh hưởng do bệnh chân tay miệng đối với trẻ ở nhiều mức độ khác nhau, mức độ nhẹ có thể trẻ chỉ cần chăm sóc và theo dõi tại nhà và nguy hiểm nhất là tử vong. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi sát các hành vi và biểu hiện của trẻ để đưa trẻ đến viện và được can thiệp kịp thời.
Phương pháp phòng ngừa các biến chứng
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Do đó, các biện pháp phòng bệnh hiện nay nằm ở lối sinh hoạt, tăng cường sức đề kháng cho trẻ và tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
- Trước tiên, cha mẹ không nên kiêng tắm cho trẻ, thay vào đó cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, rửa tay xà phòng thường xuyên. Do bệnh chân tay miệng gây ra bởi virus, bố mẹ nên cho trẻ mắc bệnh tránh tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh, đeo khẩu trang y tế, cho trẻ nghỉ học để ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.
- Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, dụng cụ của trẻ và sử dụng riêng biệt vì khả năng dễ lây lan.
- Trẻ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và tăng cường đề kháng đúng cách.
- Phụ huynh không tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế.
- Cha mẹ cần kiểm soát và theo dõi liên tục các triệu chứng của trẻ. Nếu có các dấu hiệu như co giật, nôn nhiều, sốt cao liên tục, loạng choạng hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để có hướng xử trí kịp thời.