Bệnh tay chân miệng tuy thường lành tính nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ và phòng ngừa bệnh, việc nắm rõ các triệu chứng sớm, chăm sóc đúng cách và thực hiện các biện pháp phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Hãy theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn về bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhằm bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ và những điều cần biết
Bệnh thường gặp
20/08/2024Quấy khóc, sốt cao không hạ và hay giật mình là những triệu chứng sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng ở trẻ. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời, tay chân miệng có thể gây biến chứng viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não,… thậm chí đe dọa tính mạng trẻ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho độc giả về bệnh tay chân miệng là gì? Đâu là những dấu hiệu để nhận biết bệnh? Làm thế nào để bảo vệ trẻ khi tay chân miệng vào mùa?
Tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.
Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng).
Đối tượng nguy cơ
Trẻ em dễ mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể.
Triệu chứng của bệnh
Về lâm sàng, dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể được nhận biết qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3 – 7 ngày, trẻ chưa có các dấu hiệu cụ thể.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3 – 10 ngày, với các triệu chứng điển hình như:
- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 – 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú,…
- Phát ban dạng phỏng nước: đặc điểm này biểu hiện rõ nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Ban đầu, nốt ban hồng có đường kính vài milimet, nổi trên bề mặt da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, mông và trở thành bóng nước. Bóng nước chứa đầy chất dịch và có thể vỡ ra khiến trẻ rất đau đớn. Chúng có thể để lại vết thâm, tuy nhiên rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
- Trẻ có thể sốt nhẹ, nôn.
- Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2-5 của bệnh.
- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Ngoài những nốt phát ban, trẻ có thể gặp các triệu chứng khác như: bỏ ăn, ăn kém, chảy dãi nhiều, sốt cao, quấy khóc, li bì,… Một số trẻ xuất hiện biến chứng về thần kinh thường giật mình hoặc co giật, thậm chí hôn mê; một số trường hợp lại xuất hiện biến chứng liên quan đến phổi như: suy hô hấp, tím tái,…. Khi có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, tránh biến chứng nặng.
Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị cho trẻ bị bệnh tay chân miệng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ. Đã có nhiều trường hợp phụ huynh đã sử dụng thuốc kháng sinh để cho trẻ uống. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra tay chân miệng đến từ virus. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng diệt được vi khuẩn, không diệt được virus.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, đề phòng những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Cách phòng bệnh chân tay miệng
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, Sở Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Lê Ngọc Anh Thư
Đã kiểm duyệt
Dược sĩ Lê Ngọc Anh Thư - Tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học Y Dược TPHCM. Có kinh nghiệm làm Dược sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng và nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chuỗi bán lẻ Dược phẩm. Hiện là Chuyên viên Huấn luyện bán lẻ Pharmacity.