Biến chứng nguy hiểm của áp xe: Cần cảnh báo
Áp xe là tình trạng phổ biến mà rất nhiều người gặp phải. Áp xe có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể và một số người có thể bị áp xe rất nhiều lần. Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc rằng “Bị áp xe có nguy hiểm không?” Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Áp xe là tình trạng gì?
Áp xe là tên gọi của một tổ chức viêm nhiễm, khu trú thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn. Tình trạng áp xe dễ dàng được nhận diện trên lâm sàng với các đặc điểm sau: là một khối mềm, lùng nhùng, da vùng áp xe thường nóng, đỏ, sưng nề, chạm vào thấy đau. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào vị trí của các ổ áp xe sẽ có một số triệu chứng liên quan khác.
Bất kỳ vùng nào trên cơ thể cũng có thể hình thành nên áp xe và được chia làm 2 nhóm chính:
Áp xe ở mô dưới da
Hình thái phổ biến nhất là ổ mụn nhọt, hậu bối. Thường gặp nhất ở vị trí:
- Dưới nách do lỗ chân lông bị nhiễm trùng
- Âm đạo do các tuyến ở cửa âm đạo bị nhiễm trùng
- Da vùng xương cùng cụt gây nên áp xe nếp lằn mông
- Quanh răng gây nên áp xe răng.
Khi quan sát sẽ thấy một khối phồng, ổ áp xe đỏ bị da bao phủ lên, sưng nền vùng da xung quanh, khi sờ vào có cảm giác nóng, đau, lùng nhùng do chứa mủ bên trong.
Triệu chứng đau trong khối áp xe là do áp lực trong khối áp xe tăng. Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi khi nhiễm trùng lan rộng ra các mô sâu hơn.
Áp xe bên trong cơ thể
Bên trong cơ thể cũng sẽ xuất hiện các ổ áp xe, ngay tại mô của các cơ quan như áp xe gan, áp xe não, áp xe thận, áp xe vú… hoặc tại khoảng kẽ giữa chúng.
Có thể gặp phải các triệu chứng khác tùy theo vị trí của ổ áp xe như sốt cao rét run, đau tức vùng hạ sườn phải trong áp xe gan.
Áp xe là tình trạng phổ biến mà rất nhiều người gặp phải.
Áp xe có nguy hiểm không?
Áp xe da với kích thước nhỏ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám nếu ổ áp xe tiếp tục to lên và không có dấu hiệu biến mất trong vài tuần.
Với những ổ áp xe da không tự lành hoặc kích thước lớn, bác sĩ sẽ cần rạch một vết nhỏ trên da để dẫn lưu hết dịch mủ ra ngoài. Sau khi chảy hết mủ, được vệ sinh sạch sẽ, điều trị kháng sinh thích hợp, ổ áp xe sẽ sớm lành lại và không gây ra bất cứ nguy hiểm nào sau này.
Với các loại áp xe khác như áp xe trong miệng, hay áp xe sâu bên trong cơ thể như áp xe ở các cơ quan nội tạng, nếu phát hiện sớm, điều trị thuốc kịp thời, giải quyết căn nguyên ổ nhiễm trùng cũng như dẫn lưu dịch mủ ra khỏi cơ thể, áp xe cũng có thể được chữa khỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tóm lại, áp xe có thể được chữa khỏi và không gây nguy hiểm. Điều quan trọng là bạn cần chú ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể, sớm nhận ra các dấu hiệu áp xe để đi khám và được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Áp xe có nguy hiểm không?
Các biến chứng áp xe
Nếu ổ áp xe trên da nhỏ có thể tự khu trú và khỏi hẳn, tuy nhiên những ổ áp xe lớn hoặc bị nhiễm vi khuẩn độc lực mạnh, thì áp xe có thể tiếp tục phát triển và chứa đầy mủ cho đến khi vỡ ra. Ổ áp xe khi vỡ có thể gây đau đớn nghiêm trọng. Các vi khuẩn từ dịch mủ cũng sẽ lây lan sang các vùng da khác, khiến nhiễm trùng lan rộng.
Áp xe ở vùng miệng (áp xe răng, áp xe nướu, áp xe hầu họng,…) hay áp xe sâu trong cơ thể nếu không được điều trị hợp lý có thể gây ra những nguy hiểm khôn lường.
Ổ áp xe nhiễm trùng không được điều trị có thể lan sang các mô xung quanh trong cơ thể bạn và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: nhiễm trùng máu, hoại tử, suy giảm chức năng của một số cơ quan quan trọng,… thậm chí là tử vong.
Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng sẽ dẫn đến tăng tiêu hao năng lượng (do tăng chuyển hóa cơ bản), kết hợp với việc người bệnh ăn uống kém (do các triệu chứng của áp xe như đau, mệt hoặc chán ăn) có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và suy kiệt cơ thể.
Một số tình trạng nghiêm trọng mà bạn cần chú ý nếu đang bị áp xe bao gồm:
- Sốt từ 39 độ trở lên, đặc biệt nếu bạn mắc bệnh mãn tính (tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận,…) hoặc đang điều trị bằng steroid, hóa trị, lọc máu,…
- Nổi các hạch bạch huyết (cục u) ở khu vực hệ thống bạch huyết gần cạnh ổ áp xe (Ví dụ áp xe ở chân có thể gây sưng hạch bạch huyết ở vùng háng)
- Áp xe ở trên mặt có đường kính lớn hơn 1cm
Nếu có các dấu hiệu này kèm theo áp xe, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, tránh gây ra các biến chứng không đáng có.
Trên đây là toàn bộ những thông tin chia sẻ về tình trạng áp xe. Nhìn chung, áp xe có thể gây ra nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào vị trí áp xe, kích thước áp xe và việc áp xe có được điều trị hợp lý hay không. Người bệnh không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan trước tình trạng này. Nếu phát hiện các dấu hiệu áp xe, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.